03/08/2019 10:49 GMT+7

Con không khỏe mạnh đâu phải lỗi con, cũng không phải lỗi của tôi

PHÚC AN
PHÚC AN

TTO - Mắt tôi tối sầm, đầu óc choáng váng. Tôi vẫn chưa tin con mình bị hội chứng Down...


Con không khỏe mạnh đâu phải lỗi con, cũng không phải lỗi của tôi  - Ảnh 1.

1. Tôi 32 tuổi. Làm mẹ được gần hai năm. Sau sinh tôi gần như trầm cảm. Tâm trạng lúc nào cũng bất an, lo lắng điều gì đó không rõ. Những đêm thức trắng vì con quấy khiến tôi kiệt sức và hay cáu gắt. Đôi lúc tôi gắt gỏng với cả con trai mình dù bé chỉ mới mấy tháng tuổi.

Cuộc đời này, bất hạnh chưa phải là kết thúc. Hãy can đảm bước tiếp bằng tấm lòng chân thành nhất, đời sẽ đền đáp cho bạn xứng đáng.

PHÚC AN

...Nhưng, đó chưa phải là những gì tôi phải trải qua.

Tôi vẫn nhớ như in ngày 10-5-2018. Đó là ngày sinh nhật mình, khi tôi vừa từ Bệnh viện ĐH Y dược Hoàng Anh Gia Lai về nhà với tâm trạng lo lắng, hoảng loạn. Bác sĩ cho biết con trai tôi bị tim bẩm sinh.

Sự việc đến với tôi không dừng ở đó. Tôi tiếp tục nhận tin nhắn của bác sĩ phòng di truyền học Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM: "Chào chị, đã có kết quả kiểm tra của bé Phúc An, bé mắc hội chứng Down. Thành thật chia sẻ cùng chị và gia đình. Nếu gia đình cần tư vấn gì thì cứ liên lạc với tôi qua số điện thoại này".

Mắt tôi tối sầm lại, đầu óc choáng váng. Tôi vẫn chưa tin vì quá trình mang thai tôi đã khám thai định kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc, siêu âm độ mờ da gáy rất kỹ lưỡng. Gia đình tôi và gia đình chồng cũng không có tiền sử người thân bị mắc bệnh này. Tôi không tin và cố nghĩ có sự nhầm lẫn.

Tôi cố gắng bình tĩnh gọi vào số điện thoại của bác sĩ vừa nhắn tin, vẫn là kết quả như tôi đọc trên tin nhắn. Lúc ấy, chồng tôi đang công tác ở biên giới, nhà chỉ hai mẹ con. Phúc An của tôi mới chỉ 7 tháng, con còn say ngủ.

2. Tôi như bị ai đó cướp hết mọi thứ, bóp chặn lồng ngực. Tôi đau đến mức chẳng thể nào khóc được. Khoảnh khắc ấy, cạnh tôi nếu có thêm ai, chồng tôi hoặc người bạn nào đó thì có lẽ tôi đã gục xuống, khóc lóc, trách ông trời tàn nhẫn với mình. 

Nhưng bên tôi chẳng có ai ngoài con trai say ngủ. Tôi lặng đi, nắm chặt tay con, điểm tựa duy nhất trong vô vọng, không khóc được, cũng không nghĩ thêm được gì.

Cho đến lúc thằng bé giật mình tỉnh giấc thì ra tôi đã siết chặt tay quá làm con đau. Ấy thế mà nhìn thấy tôi, thằng bé lại nhoẻn miệng cười thay vì sẽ khóc mỗi lúc ngủ dậy.

Tôi như tỉnh lại sau cơn ác mộng. Bế con lên, cho con bú, rồi con nhìn tôi, lại nhoẻn cười. Cứ thế hai mẹ con tựa vào nhau!

Thời gian đầu con bị bệnh, tôi chẳng dám nói ai biết ngoài chồng. Tôi gọi khi anh còn đang ca trực. Anh bảo: "Không sao cả, con cái là kỳ vọng của bố mẹ, nhưng con có khiếm khuyết thế nào cũng là con. Vợ chồng mình cùng cố gắng chăm sóc để con được vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày là đủ!". Tôi biết anh cũng đau chẳng khác gì tôi, nhưng đang cố mạnh mẽ để tôi không sụp đổ.

Thời gian cứ thế trôi qua. Khó khăn nhất của tôi không phải là khi có con không hoàn hảo mà là ánh mắt người ngoài nhìn vào. Nơi tôi sống tỉnh lẻ, trẻ như con tôi không nhiều. Mỗi lần con xuất hiện thường gây chú ý cho người xung quanh. 

Thời gian đầu, tôi sợ phải mang con ra tiếp xúc với bạn bè, sợ họ hỏi: "Bé mấy tháng rồi?". Tôi sợ phải nghe câu nói: "Sao chừng ấy tháng mà trông cháu vẫn còn dại lắm!". Hay người tế nhị hơn chút thì nhìn mẹ con tôi đầy ái ngại...

3. Tôi bắt đầu lên mạng, tìm hiểu hội chứng Down - tim bẩm sinh và dò hỏi người quen cũng có con mắc bệnh để biết cách nuôi dạy tốt nhất có thể. Và tôi nhận ra rằng việc ái ngại không dám mang con tiếp xúc với mọi người là sai lầm.

Sinh ra không được như trẻ khác không phải là lỗi con, cũng không phải lỗi tôi. Tôi quyết định nghỉ làm không lương để đưa con đi tập vật lý trị liệu, đến những khu vui chơi dành cho các bé. Tôi mua sách về đọc cho con nghe mỗi lúc bé nằm cạnh tôi.

Và tôi cũng chia sẻ với người thân, bạn bè của tôi về con. Trải lòng ra, tôi không còn ái ngại hay phải sợ mỗi khi bắt gặp ánh mắt dò xét của người dưng.

Tôi 32 tuổi, trong năm đầu tiên làm mẹ dường như thời gian ở bệnh viện của hai mẹ con nhiều hơn ở nhà. Sau những cuộc điều trị của con tại bệnh viện kéo dài gần cả tháng, tôi gần như kiệt sức. Nhưng chưa bao giờ tôi gục ngã từ ngày có con. Cứ mỗi lần thấy con cười là mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Con trai tôi giờ đã 20 tháng, dù vẫn chưa biết đi và không được nhanh nhẹn như những trẻ khác, nhưng với sự cố gắng của vợ chồng tôi, con đã biết đứng lên, vịn vào bàn, vào tường để dịch chuyển. Bé biết bắt chước mỗi khi tôi giậm chân, nhún nhảy theo mẹ mỗi khi tôi mở nhạc, biết vẫy tay tạm biệt khi bố đi làm...

Tháng 8 này, mẹ con tôi lại lên Sài Gòn để thăm khám sức khỏe chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tim bẩm sinh sắp tới của con. Tôi gọi những hành trình ấy là đi tìm giấc mơ. Đối với tôi, để dạy cho con biết thêm điều gì đó không chỉ tính bằng ngày mà bằng tháng, bằng năm, nhưng tôi chưa bao giờ mệt mỏi.

Từ ngày có con, tôi nhận thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn. Tôi nhận ra không phải mọi bất hạnh đều là khổ đau. Ai đó nhìn vào sẽ chép miệng "vất vả quá!", nhưng tôi gọi đó là NHỮNG THÁNG NGÀY HẠNH PHÚC BÊN CON! Tôi hạnh phúc vì sau bao cố gắng, con tôi ngày một cứng cáp hơn.

Nụ cười trong trẻo của con đã vực tôi dậy, kéo tôi từ một bà mẹ trầm cảm sau sinh, gần như tuyệt vọng trước khắc nghiệt cuộc sống trở về với thực tại và can đảm đứng lên bằng niềm tin yêu dành cho con. Con chính là chỗ dựa tinh thần, là sức mạnh để tôi vững tin hơn.

photo-1

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

photo-1

Đồng hành cùng cuộc thi này

Khoảnh khắc cuối cùng bên bà ngoại Khoảnh khắc cuối cùng bên bà ngoại

TTO - Mỗi lần gọi điện, tôi chẳng bao giờ xin chuyển máy nói chuyện với bà. Bởi tôi nghĩ sẽ còn lần khác. Vâng! Tôi đã vô tâm, để rồi vĩnh viễn không còn được gọi "bà ơi"!


PHÚC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên