27/03/2023 09:18 GMT+7

Nói thật về lương hưu

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Nói thật về lương hưu - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục lãnh bảo hiểm hưu trí tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Tuy nhiên, phương án để giải quyết triệt để bài toán đã nêu ra rất lâu về "lương hưu không đủ sống" dường như vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng là phương án một trong dự thảo sửa đổi nêu rõ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm: tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Nhưng thực tế cho thấy quy định này chưa bảo đảm tốt cho người lao động bởi khó tách bạch các loại phụ cấp, các khoản bổ sung khác. Điều đó dẫn đến ở không ít doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung nhằm "lách" để đóng bảo hiểm xã hội ít hơn.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của 17,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Còn mức thu nhập bình quân nhóm làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. 

Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội bình quân 5,73 triệu đồng/tháng mới bằng khoảng 75% mức thu nhập bình quân thực tế của người lao động. Chưa kể không ít doanh nghiệp trả tổng thu nhập cho lao động ở mức rất cao nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương chỉ số rất thấp. Với mức đóng thấp đã ảnh hưởng đến mức lương hưu và câu chuyện lương hưu "quá thấp, không đủ sống" xuất phát từ đây.

Việc tham gia bảo hiểm xã hội bản chất giúp bù đắp thu nhập khi người lao động bị mất hoặc giảm sút thu nhập. Nguyên tắc hưởng của bảo hiểm xã hội dựa trên việc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. 

Bên cạnh một số doanh nghiệp luôn muốn trả lương thấp, các chế độ thấp thì không ít người lao động cũng không muốn đóng mức cao. Bởi đóng mức cao vô hình trung ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại của họ vốn dĩ cũng chẳng dư dả gì. 

Nhưng cần khẳng định ngoài thời gian thì việc đóng mức thấp chắc chắn việc hưởng chế độ thấp là điều dễ hiểu. Và câu chuyện tiền rút bảo hiểm xã hội một lần sau 19 năm chỉ bằng 1 năm đi làm cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Phương án 2 của dự luật đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Điều này có thể bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi người lao động. 

Song thực tế các khoản thu nhập khác lại biến động, khó xác định trước. Còn tiền bảo hiểm xã hội thu theo tháng nên khi không có cơ sở dữ liệu đủ tốt về thu nhập sẽ rất khó đảm bảo thu phần khác được chính xác. Với hai phương án, dù có ưu điểm nhưng có những hạn chế.

Về chủ trương, đã có những bước điều chỉnh, từ kết cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (70% là tiền lương, 30% là các phụ cấp có tính chất tiền lương) đến đảm bảo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất lương. 

Còn về lâu dài thu đúng, thu đủ, đảm bảo ít nhất bằng 70% tổng thu nhập tiền lương (thậm chí hơn nữa) để nâng nền lương đóng bảo hiểm xã hội và cải thiện lương hưu.

Để đạt mục tiêu này, còn rất nhiều việc phải làm để tìm sự đồng thuận sao cho hài hòa giữa thu nhập hiện tại, khả năng chịu đựng mức đóng cao hơn của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế. Nếu không, câu chuyện lương hưu không đủ sống, đóng nhiều năm mà chẳng được bao nhiêu vẫn diễn ra.

Đề xuất trình Chính phủ giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưuĐề xuất trình Chính phủ giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

Dự thảo tờ trình Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi hướng tới giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người lao động được hưởng lương hưu hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên