Trong báo cáo này đã nêu lý do người dân muốn di cư nhiều nhất đến TP.HCM: có điều kiện đoàn tụ gia đình và có việc làm mới tốt hơn.
Trong đó, lý do đoàn tụ gia đình là lý do chính khiến 49% người muốn di cư đến hai thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP.HCM.
Điều này cũng dễ hiểu, vì không riêng TP.HCM, trên thế giới, những đại đô thị với cơ hội việc làm lớn luôn là sự lựa chọn của những người lao động muốn kiếm cơ hội mưu sinh.
Việc được nhiều người muốn di cư đến nhiều nhất như vậy là thông tin tích cực của việc phát triển thị trường, có nhiều cơ hội việc làm, có môi trường kinh doanh và đầu tư tốt để hút lực lượng lao động đổ về.
Đây chính là thông tin tham chiếu cho chính quyền TP.HCM khi dự báo xu thế và chuẩn bị những điều kiện cần thiết đón luồng dân di cư có thể lớn trong tương lai. Các áp lực hạ tầng giao thông, xã hội, an sinh... cũng cần được dự báo, tính toán cẩn trọng để tránh những gánh nặng bất ngờ.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là TP.HCM hay ở các đô thị khác, nơi nhiều người muốn di cư đến nhất không đồng nghĩa với việc đó là nơi đáng sống nhất, cũng chưa hẳn là nơi đủ điều kiện hấp dẫn để thu hút giới tinh hoa đến làm việc, cống hiến và sinh sống.
Với TP.HCM, bên cạnh yếu tố nhiều người muốn di cư đến nhất vì mưu sinh, điều cần hướng đến là xây dựng TP.HCM trở thành một nơi đáng sống, nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện tốt nhất, đủ sức thu hút cả những chuyên gia, nhà khoa học, giới tinh hoa đến sống, hay người dân ở đó luôn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc và cảm nhận được sự đáng sống ở xứ sở này.
Xu thế phát triển công nghệ, chuyển đổi số kéo theo việc tổ chức không gian, cách làm việc ở nhiều ngành nghề thay đổi gần đây và xu hướng tương lai sẽ có thêm nhiều người lao động, nhất là giới tinh hoa, sẽ chọn một nơi có điều kiện môi trường tự nhiên, không gian sống tốt để sinh sống và làm việc qua môi trường số. Địa điểm sống đó không nhất thiết phải là nơi đặt trụ sở ở các thành phố lớn.
Sự thay đổi có thể kéo theo sự dịch chuyển của lao động mà nếu TP.HCM không tính toán trước sẽ có thể không phải là ưu tiên hàng đầu đối với môi trường làm việc thời công nghệ số.
Một thành phố đáng sống không thể là không gian chỉ có những công trình bê tông mà cây xanh thưa thớt. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy tỉ lệ đất cây xanh công cộng tại TP.HCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người.
Trong khi tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt phải khoảng 15m2/người. Hay về trường học, đến tháng 10-2023, TP.HCM có đến 147/312 phường, xã, thị trấn được xác định là địa bàn không đủ trường tiểu học công lập.
Những điều kiện cơ bản còn chưa đạt, còn thiếu, chưa thể nói đến hàng loạt điều kiện khác buộc TP.HCM phải có để trở thành nơi đáng sống, đáng đến, cần đến và phải đến.
Muốn vậy, bên cạnh những đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường còn cần sự đầu tư lớn vào kiến tạo môi trường sống tốt thông qua đầu tư công viên cây xanh, trường học, bệnh viện...
Kiến tạo những không gian sống hài hòa, đẳng cấp, những khu đô thị với hệ sinh thái hoàn chỉnh, đầy đủ để thu hút giới tinh hoa đến...
Rõ ràng đó là mơ ước hướng đến như mục tiêu TP.HCM đặt ra là xây dựng một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Nghĩa là làm sao để TP.HCM không chỉ là nơi nhiều người muốn đến nhất mà còn là một thành phố đáng sống nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận