03/07/2024 11:27 GMT+7

Nỗi đau chất độc da cam nhìn từ cựu binh Mỹ - Kỳ 1: Sự phản bội đầy gian trá

Hành trình điều tra chất độc da cam đã gây hại cho chính mình, Patrick Hogan, cựu binh Mỹ ở Việt Nam, cay đắng viết: 'Không nghi ngờ gì nữa, cụm từ Chất Da Cam sẽ được nhớ tới trong sự xấu hổ vô cùng dù cho Chính phủ Mỹ có bào chữa như thế nào'.

Quân đội Mỹ rải chất độc da cam trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh tư liệu

Quân đội Mỹ rải chất độc da cam trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh tư liệu

Tuổi Trẻ trích đăng từ "Silent Spring - Deadly Autumn of the Vietnam War - Mùa xuân vắng lặng - Mùa thu chết chóc của chiến tranh Việt Nam" của Patrick Hogan, do Nguyễn Văn Minh dịch, NXB Thế Giới và Phuongnambook xuất bản năm 2024.

Là trung sĩ từng ở Việt Nam từ năm 1966 đến 1969, Patrick Hogan vào năm 2012 đã quyết định điều tra hậu quả việc tiếp xúc chất độc da cam giày vò sức khỏe cựu binh Mỹ.

Tất nhiên, chính người Việt Nam mới là nạn nhân nhiều nhất, nặng nề nhất và kéo dài nhất ở những vùng đất mà Mỹ từng rải chất độc này.

Cuộc chiến chưa hề chấm dứt

Những trận chiến cuối cùng của chiến tranh Việt Nam vẫn đang được các cựu chiến binh trên khắp nước Mỹ tiến hành. Và ngay trong hôm nay, khi bạn đang đọc cuốn sách này, những tranh luận về các loại thuốc trừ sâu mà các cựu chiến binh chúng tôi đã phải tiếp xúc, cùng các căn bệnh do chúng gây ra, vẫn đang tiếp diễn.

Những trận chiến của chúng tôi vẫn diễn ra mỗi ngày, không còn phải đối mặt với lính Việt Cộng hay quân đội Bắc Việt nữa, mà là với vô số các loại ung thư, các loại bệnh và những vấn đề sức khỏe khác mà chúng tôi - thậm chí cả con cháu của chúng tôi nữa - đang mắc phải.

Những xung đột và tranh đấu của chúng tôi là nhằm chống lại sự quan liêu của Bộ Cựu chiến binh (DVA) và với chính chính quyền, những người đã đưa chúng tôi tới miền Nam Việt Nam. Bạn có thể chắc chắn rằng cuộc chiến Việt Nam chưa hề kết thúc - chưa bao giờ.

Một thực tế đáng xấu hổ là các cựu chiến binh từng phục vụ ở Việt Nam chúng tôi đã phải vật lộn với vô số loại ung thư, bệnh tật cùng các vấn đề sức khỏe khác mà gần như chắc chắn là do tiếp xúc với các hóa chất có độc tính cao trong chiến tranh gây ra - nhất là khi bạn biết rằng các loại thuốc trừ sâu bị nhiễm độc đó đã được chuyển hóa thành những làn sương mịn rồi được các nhà lãnh đạo chính phủ/quân đội của chúng tôi phun lên chính chúng tôi.

Đáng ngại hơn, những hóa chất mà các cựu chiến binh phải tiếp xúc là những loại thuốc diệt cỏ và diệt côn trùng có tính bền vững cao nên chúng vẫn có thể gây ra những thương vong mới mỗi ngày dù cho chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, xét trên giấy tờ, được gần nửa thế kỷ.

Cứ như thể việc không được bảo vệ trước các thuốc trừ sâu độc hại cho sức khỏe vẫn chưa đủ tệ, các cựu chiến binh thực địa còn bị chính các quan chức chính phủ, bằng những cách đầy thô bạo, ném thẳng ra khỏi chiếc xe buýt mà họ cùng đi.

Nhân tiện, nếu cảm thấy việc tôi dùng cụm từ sự phản bội đầy gian trá là quá khắc nghiệt thì sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn hãy cho tôi biết suy nghĩ của mình. Liệu ngôn từ của tôi có quá gay gắt, hay là phù hợp - hay bạn nghĩ rằng nó còn hơi nhẹ nhàng?

Sách của Patrick Hogan

Sách của Patrick Hogan

Chất da cam và những người bạn chết chóc của nó

Không nghi ngờ gì nữa, cụm từ Chất Da Cam sẽ được nhớ tới trong sự xấu hổ vô cùng dù cho Chính phủ Mỹ có bào chữa như thế nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên với hầu hết những ai đang sống trong thế giới hiện tại, cụm từ này không có nhiều ý nghĩa ngoài việc nó có liên quan gì đó tới "cuộc chiến tranh ở châu Á".

Thế nhưng, với những quân nhân từng phục vụ ở miền Nam Việt Nam, chất da cam đồng nghĩa với bệnh tật, đau đớn, khổ sở và cả cái chết.

Có hơn 58.280 hồ sơ về các quân nhân Mỹ đã chết tại Việt Nam trong các kho lưu trữ hồ sơ chính thức của Chính phủ Mỹ. Họ được coi là toàn bộ những người đã chết trong cuộc chiến đó.

Ngoài ra có khoảng hơn 300.000 người được ghi nhận là bị thương hoặc tàn tật. Đáng buồn là những số liệu chính thức ấy không hề nhắc tới hàng trăm nghìn lính bộ binh, lính thủy đánh bộ và các thủy thủ đã bị thương hoặc thiệt mạng do các loại thuốc trừ sâu phun lên người họ trong cuộc chiến mà họ không biết gì về chúng cho tới nhiều năm về sau.

Kể từ khi chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc, Chính phủ Mỹ, DVA và Bộ Quốc phòng (DOD) đã chối bỏ và cản trở hầu hết mọi nỗ lực tìm hiểu mối liên quan về mặt y tế hay nhân quả giữa bất cứ căn bệnh, chứng rối loạn nào với sự tiếp xúc chất da cam, hoặc với bất kỳ loại thuốc trừ sâu ít được công khai, nhưng cũng gây chết người, đã được sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Chính phủ Mỹ và DVA tiếp tục sự chối bỏ và cản trở đó bằng các chính sách và thủ tục mà câu thần chú của họ rất có thể chính là "Trì hoãn và chối bỏ cho đến khi tất cả bọn họ - các cựu chiến binh - chết hết".

Tiến sĩ Jeanne Stellman, một nhà dịch tễ học đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu chất da cam cho American Legion, một tổ chức phi lợi nhuận của các cựu chiến binh, và Viện hàn lâm Khoa học Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn của Jason Grotto và Tim Jones trên tờ Chicago Tribune năm 2009, đã nói như sau:

"Chúng tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam?

Vì trách nhiệm quốc tế và các vấn đề liên quan tới chiến tranh hóa học nên chính phủ không muốn nghiên cứu việc này. Chính phủ sẽ thắng bởi họ quyền lực hơn, còn các cựu chiến binh sẽ dần già đi, rồi bên cạnh đó còn có những cuộc chiến mới phải lo lắng".

Quả là một lời nhận xét đáng buồn về các nhà lãnh đạo chính quyền và quân sự của chúng tôi. Thật xấu hổ và thất vọng khi các cựu chiến binh phải chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo gây ra bởi các loại thuốc trừ sâu độc hại mà họ đã tiếp xúc khi phụng sự cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Đau đớn hơn là chính loại thuốc trừ sâu đang gây ra những vấn đề sức khỏe đối với các cựu chiến binh cũng có khả năng gây ra các tổn thương di truyền nghiêm trọng - những tổn thương của nhiễm sắc thể - mà chúng có thể được truyền lại và gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của con cháu các cựu chiến binh, và thậm chí, với nguy cơ cao, lên cả chắt, chít của họ nữa.

Có lẽ bạn thắc mắc "Ông là ai mà có thể nói về chính phủ và quân đội Hoa Kỳ như vậy?".

Trớ trêu thay là quân đội Mỹ đã phun thử nghiệm lần đầu một trong nhiều chất diệt cỏ nguy hiểm của họ vào đúng ngày sinh nhật thứ 15 của tôi, trong chiến dịch Hades, tại một ngôi làng nhỏ ở phía bắc Đăk Tô, Kon Tum. Cái thứ chết người đầu tiên này được gọi là Dinoxol, và chỉ năm năm ngắn ngủi sau cái ngày bất hạnh đó, chính tôi sẽ có mặt ở Việt Nam.

Tôi đã ở Việt Nam trong hai năm chín tháng haimươi hai ngày - từ tháng 9 năm 1966 đến tháng 6 năm 1969.

Trong thời gian này - như được ghi lại, một phần là nhờ tiến sĩ Jeanne Mager Stellman và nhóm của bà - tôi đã đóng quân tại các khu vực trực tiếp bị rải nhiều loại thuốc trừ sâu chiến thuật ở miền Nam Việt Nam.

Vì vậy, dù trên thực tế vẫn nhìn thấy những nhân viên phun thuốc quanh các khu vực đóng quân, và thỉnh thoảng là từ trên không bằng trực thăng hoặc máy bay phản lực, nhưng chúng tôi chưa từng được biết chính xác cái thứ sương mù phả vào mình là thứ gì.

Cùng lúc đó, theo các hồ sơ quân sự được giải mật gần đây, thì chúng tôi đã được tắm, ít nhất là trong chất da cam Orange Agent, chất trắng White Agent cùng chất diệt côn trùng malathion và DDT.

-----------------------------

Kỳ tới: Chuyến bay định mệnh đến Việt Nam

Gọi đúng tên chất độc da cam dioxinGọi đúng tên chất độc da cam dioxin

Cụm từ "chất độc màu da cam" tưởng đã được thay thế từ lâu bởi từ chính xác hơn là "chất độc da cam/dioxin". Nhưng rất nhiều nơi vẫn lẫn lộn tên gọi khi thông tin liên quan đến nạn nhân chất độc này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên