27/11/2021 09:51 GMT+7

Ngôi nhà trên thuyền và nỗi đau chất độc da cam

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Chiến tranh đi qua đã lâu nhưng vẫn còn đó những di chứng, những nỗi niềm của con người thời hậu chiến cần được chia sẻ, thấu cảm... một đề tài khá khác biệt so với gu kịch bấy lâu nay của sân khấu kịch Hồng Vân.

Ngôi nhà trên thuyền và nỗi đau chất độc da cam - Ảnh 1.

Cảnh trong vở Ngôi nhà trên thuyền - Ảnh: LINH ĐOAN

Tối 25-11, sân khấu Hồng Vân tổ chức phúc khảo vở kịch Ngôi nhà trên thuyền (kịch bản: Xuân Trang, đạo diễn: NSND Hồng Vân - Xuân Trang). Sau khoảng 6 tháng làng sân khấu xã hội hóa im lìm, đây là một trong những sân khấu đầu tiên "trình diện" tác phẩm mới.

Ngôi nhà trên thuyền lấy bối cảnh là một cù lao nghèo ở đất Cần Thơ. Ở đó có cặp vợ chồng và 2 con sống chênh vênh trên chiếc thuyền rách men mé sông. Tình là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Giải ngũ về quê, anh cưới Lệ - mối tình thanh mai trúc mã. 

Bi kịch xảy ra khi hai đứa con là Phượng và thằng Út đều bị di chứng chất độc da cam, trở thành những đứa trẻ yếu ớt và khuyết tật. 

Bị dằn vặt vì mình mà vợ con phải khổ sở, vì mình mà những đứa trẻ mỗi ngày phải đối diện với những cơn động kinh, nói ngọng nói nghịu không ai hiểu nổi nên Tình suy sụp tinh thần. 

Anh tìm đến rượu để chạy trốn hiện thực. Nhưng càng đắm chìm vào rượu anh càng rời xa Tình ấm áp, hiền lành ngày nào của Lệ. Anh mặc cảm, tự ti, anh ghen với thằng bạn thân nhất, anh buông lời cay nghiệt với vợ, anh khiến những đứa trẻ sợ hãi khi trở nên hung dữ trong chếnh choáng men say… 

"Mày đã nhiễm chất độc da cam mà sao còn đi lấy vợ, sinh con để làm khổ họ?" - câu hỏi của người bạn cứ đeo bám, dằn vặt người lính, một chàng trai bình thường, khao khát tình yêu và mái ấm bình yên.

Xuân Trang, tác giả kịch bản, tâm sự anh rất xúc động khi đọc những bài viết về nạn nhân chất độc da cam. Lúc bắt tay viết kịch bản, anh đã đọc nhiều tài liệu, bài báo và xây dựng nhân vật từ những mảnh đời có thật trong cuộc sống. 

Chiến tranh đi qua đã lâu nhưng vẫn còn đó những di chứng, những nỗi niềm của con người thời hậu chiến cần được chia sẻ, thấu cảm...

Chọn một đề tài khá khác biệt so với gu kịch bấy lâu nay của sân khấu kịch Hồng Vân, Ngôi nhà trên thuyền được sân khấu hướng tới sẽ tham dự Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 lần 2 dành cho khu vực phía Nam sẽ diễn ra tại TP.HCM vào đầu tháng 1-2022. 

Vở này cũng là một trong hai vở diễn mới của sân khấu sẽ phục vụ khán giả vào mùa kịch Tết 2022.

Với Ngôi nhà trên thuyền, diễn viên Hòa Hiệp (vai Tình), Hoàng Thy (Lệ), Hoàng Yến (Phượng) và Tuấn Dũng (thằng Út) đã được tạo đất diễn để có thể khai thác tâm lý, đào sâu những nỗi niềm khoắc khoải của nhân vật.

Cảnh trí là con thuyền tròng trành giữa sông nước và gần như không thay đổi suốt vở tạo nên nỗi buồn thân phận như vạt lục bình trôi lờ lững...

Vở còn có sự tham gia của Bá Thắng, Lạc Hoàng Long, Xuân Trang…

Bi kịch của... người tốt trong vở kịch mới: Điều còn lại Bi kịch của... người tốt trong vở kịch mới: Điều còn lại

TTO - Điều còn lại lấy bối cảnh là một ngôi làng nghèo ở Đồng bằng Bắc Bộ - làng Bòng - với rất nhiều người tốt nhưng rồi người tốt nào ở đó cũng đều mang bi kịch của riêng mình, bởi chiến tranh.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên