Cảnh trong vở Điều còn lại - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nơi ấy có bà mẹ Muộn (Phương Nga) nhân từ và thật sự vĩ đại, có chồng hi sinh khi bà còn rất trẻ nhưng bà đã quyết thủ tiết để nuôi con, giữ nếp nhà, nhưng lại sẵn lòng tha thứ và cưu mang cho lỗi lầm của cô con dâu không biết "nhịn" để chờ chồng.
Ở đó có cô con dâu Thuyến (Việt Hoa) xinh đẹp đêm đêm vật vã với những cơn nhớ "hơi ấm và hương vị mồ hôi" của người chồng, một ngày, trong "giây phút mong manh", cô đã không thể vượt qua được cám dỗ xác thịt với Bường (Quang Đạo) - một người lính đi qua làng.
Có ông Ánh (Minh Hải) cả một đời như chiếc bóng đi bên cạnh, chứng kiến bao nỗi đau của người mình yêu mà không thành đôi lứa. Có những người lính trở về từ chiến trường, mang theo bao vết thương sâu cả thể xác lẫn tâm hồn…
Nhiều năm sau chiến tranh, Bân (Tô Dũng) đột ngột trở về. Bân không thể tha thứ cho vợ, không chấp nhận con của Thuyến và hắt hủi gia đình. Nhưng cái kết quá bất ngờ: Bân đã biết lỗi lầm của vợ ngay khi còn ở chiến trường, và chuyến trở về của anh thực ra là một kế hoạch tử tế để thu xếp cho hạnh phúc của vợ...
Đề tài hậu chiến quen thuộc, hầu như rất giống với câu chuyện trong bộ phim truyền hình Mẹ chồng tôi của đạo diễn Khải Hưng từng gây xúc động sâu sắc trong lòng khán giả hơn chục năm trước, nhưng Điều còn lại nhiều kịch tính hơn.
Có lẽ, vở kịch phù hợp với lứa khán giả cũ, nhưng để đến được với khán giả trẻ ngày nay, kịch bản cần thật và thuyết phục hơn. Người xem hôm nay thật khó đồng cảm được với lý do nào đó mà Bân sau bao năm chinh chiến, xa mẹ, xa làng quê nhưng ngày chiến thắng lại không về nhà thăm mẹ già, cũng không một dòng tin tức.
Nếu tác giả muốn "thánh hóa" người lính - rằng Bân không muốn trở về để vợ phải khó xử, ý đồ này của tác giả đã thất bại.
Bởi cách tác giả để Bân cao thượng thật… bất nhẫn. Mẹ Bân đã một đời chờ chồng không về, lại phải chờ đợi con hết một cuộc chiến và tiếp túc chờ đợi vô vọng thêm nhiều năm nữa, lúc gặp con thì gia đình tan hoang sầu tủi...
Tác giả cũng tìm cách "gỡ" bớt "tội" cho Bường khi cài cắm chi tiết rằng anh không biết Thuyến đã có chồng nên mới phạm tội. Hẳn ai đó sẽ cười cho sự "nông cạn" dựng tượng đài mỹ miều về người lính như thế.
Ngoài điểm trừ đó về kịch bản, vở kịch có nhiều điểm đáng ngợi khen. Dàn diễn viên trẻ vừa trúng tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam đã chứng tỏ được tài năng diễn xuất trong vở kịch đầu tiên họ đảm nhiệm.
Thiết kế sân khấu của vở cũng ấn tượng khi họa sĩ chỉ bằng vài đạo cụ không cầu kỳ mà công phu mang cả một góc làng quê Bắc Bộ xưa lên sân khấu.
Và đặc biệt, âm nhạc là một phần rất thành công của Điều còn lại. Ngoài bài dân ca quan họ Bắc Ninh Đêm qua nhớ bạn do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang thể hiện được sử dụng rất đắt, vở còn có ca khúc được viết riêng xúc động và những bản nhạc không lời đóng vai trò lớn trong việc nối liền mạch cảm xúc của khán giả.
Dưới khán phòng của sân khấu kịch Nhà hát Kịch Việt Nam trong đêm kịch Điều còn lại (tác giả: Đăng Chương, đạo diễn: Kiều Minh Hiếu) tối 26-5, nhiều khán giả đã không ít lần "sụt sịt" bởi niềm xót thương cho "bi kịch của những người tốt".
Điều còn lại do ông Nguyễn Đăng Chương viết kịch bản sau khi ông đã rời "ghế nóng" cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đảm nhiệm một vị trí công việc khác có nhiều thời gian hơn cho đam mê viết lách. Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết kịch bản này đã được nhà hát lựa chọn trong hàng chục kịch bản để dựng vở mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận