Mở tờ lịch ngày 10-8 năm nay tôi ngạc nhiên thấy người ta in trên đó: "Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam". Tìm thông tin liên quan việc này, tôi đọc thấy rất nhiều trang thông tin vẫn dùng cụm từ "Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10-8".
Từ các trang thông tin điện tử địa phương đến trang mạng của trường đại học lớn đến website các bệnh viện, cơ sở y tế, kể cả các báo mạng cũng dùng từ thiếu chính xác về ngày này.
Những tin bài mới nhất vào năm 2023, vẫn thấy nhiều trang mạng cả nước đang dùng cụm từ "chất độc màu da cam" khi đăng tải các bản tin tuyên truyền cho ngày 10-8. Thậm chí các bài hướng dẫn làm văn dành cho học sinh cũng gọi sai thành "chất độc màu da cam"… Các thầy cô, nhà trường không chú ý sử dụng câu chữ chính xác học sinh cũng sẽ sử dụng không chính xác.
Mới đây, vào ngày 28-7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng phối hợp với một số ban ngành địa phương tổ chức lễ phát động "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023". Trên băng rôn chương trình ghi rõ ràng (có thể nhìn thấy qua các bức ảnh). Nhiều trang mạng của cơ quan báo chí vẫn ghi thành … "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam năm 2023".
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập vào năm 2004. Đến nay, 63 tỉnh thành đã được thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với gần 400.000 hội viên. Thiết nghĩ các cơ quan báo chí, trang thông tin nên thống nhất về cách dùng cụm từ liên quan đến thảm họa da cam ở Việt Nam, dùng từ chính xác, phổ biến nhất. Bởi thông tin tuyên truyền ảnh hưởng lớn đến người dân.
Thực tế thử hỏi nhiều người về chất độc da cam đều nhận được câu trả lời chất độc ấy… màu cam. Hẳn có thể do lâu nay nghe quen tai (từ tin tức đến bài hát nổi tiếng) cụm từ "chất độc màu da cam" thay vì "chất độc da cam" dẫn đến nhiều người đánh đồng nghĩa nếu không tìm hiểu kỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận