Đây là vụ kiện lịch sử chống lại Bayer-Monsanto và 13 công ty khác sản xuất hoặc tiếp thị chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 1961-1971.
"Công lý, chân lý thuộc về bà Nga"
Phiên tòa diễn ra trong gần 4 giờ đồng hồ, từ 9h - 12h30 (giờ địa phương). Những người ủng hộ đã đến rất đông từ sáng sớm, và chờ ở bên ngoài cho đến khi kết thúc.
Phòng xử án nhỏ, các luật sư của 14 công ty hóa chất có mặt rất đông. Luật sư của bà Trần Tố Nga chỉ có hai người là William Bourdon và Bertrand Repolt, vốn đã sát cánh với bà Trần Tố Nga từ những ngày đầu của vụ kiện.
Luật sư bên nguyên đã trình bày mạch lạc lập luận trong vòng 45 phút. Nhóm luật sư của bà Nga khẳng định, vụ kiện quốc tế của bà Trần Tố Nga đại diện cho những nạn nhân của chất độc da cam là vụ kiện đầu tiên, duy nhất và cũng sẽ là cuối cùng.
"Tất cả chân lý và công lý đều thuộc về bà Nga và chúng tôi sẽ đi đến cùng", nhóm luật sư của bà Nga tuyên bố.
Trong khi đó, luật sư của các công ty hóa chất dành phần lớn thời gian (hơn hai giờ đồng hồ) để công kích rằng bà Nga không có đủ chứng cứ nhưng lại rất giỏi trong tập hợp lực lượng ủng hộ.
Sau khi nghe phần trình bày, tòa phúc thẩm cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22-8-2024.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư của bà Nga cho biết trước phiên tòa, mọi lập luận tranh tụng đều đã được hai bên trao đổi và nộp lên tòa bằng văn bản. Phán quyết của tòa phúc thẩm lần này sẽ tập trung vào việc xem xét nhận định "không đủ thẩm quyền xét xử" của tòa sơ thẩm trước đó.
"Và dù có phải quay lại tòa sơ thẩm hay đi tiếp lên giám đốc thẩm thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đến cùng. Công lý cho bà Nga, cho nạn nhân chất độc da cam xứng đáng được đưa ra xét xử bởi một tòa án quốc tế, không thể để tiền lệ kẻ mạnh thì không phải ra tòa" - luật sư của bà Nga nhấn mạnh.
Đông đảo người ủng hộ
Bà Trần Tố Nga không lẻ loi trong phiên tòa phúc thẩm sáng 7-5 khi người ủng hộ bà đến rất đông. Cả thị trưởng Paris và đại sứ Việt Nam đến cũng phải đứng theo dõi.
Ra khỏi phòng xử, đám đông hô to "Chân lý cho Trần Tố Nga". Bà Nga cùng các luật sư lập tức được cánh báo chí Pháp vây quanh. Sau khi trả lời báo chí, các luật sư của bà Nga đã gọi điện đến Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi để cảm ơn hai ông đã dành sự quan tâm và ủng hộ cho vụ kiện.
Báo Le Monde (Pháp) đánh giá phiên tòa của bà Trần Tố Nga rất đáng chú ý vì giống như "David chống lại Goliath". Phiên tòa lịch sử này được coi là cơ hội cuối cùng để công lý được thực thi, gần 50 năm sau khi cuộc chiến khốc liệt kết thúc.
Bà Trần Tố Nga đã đệ đơn kiện vào năm 2014 tại Tòa án Evry, nơi bà cư trú, cùng với các luật sư William Bourdon, Bertrand Repolt và Amélie Lefebvre.
Dựa trên lập luận của các công ty bị buộc tội, cơ quan công tố đã đưa ra quyết định vào năm 2021 tuyên bố họ không đủ thẩm quyền để đánh giá tính chất của vụ việc. Các luật sư của bà sau đó đã kháng cáo quyết định này.
Chi tiết quan trọng trong vụ kiện là độc tính của sản phẩm đã được các nhà sản xuất hóa chất biết đến ngay từ năm 1957. Việc phổ biến thuốc diệt cỏ, trong đó có chất độc da cam, bắt đầu từ năm 1961 và được tung ra ồ ạt vào năm 1965.
Bà Trần Tố Nga tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ với vai trò phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Tại Củ Chi, khi mới 24 tuổi bà đã phải hứng chịu đợt phun chất độc da cam bởi máy bay quân đội Mỹ.
Mục đích của Mỹ là tiêu diệt màu xanh của các cánh rừng, đồng ruộng, để những chiến sĩ giải phóng không còn chỗ ẩn nấp cũng như sinh sống. Chất độc da cam được đặt tên theo màu dải băng trên thùng chứa. Hàm lượng dioxin - thành phần gây ung thư và dị tật - đã được cố tình gia tăng vì mục đích sinh lợi và gây chết người.
Chất độc "lặng lẽ, vô hình" này và tác hại của nó đã và đang tàn phá đất đai và cơ thể con người. Hiện nay, gần 6.000 trẻ em mỗi năm ra đời với dị tật bẩm sinh, 150.000 trẻ em bị khuyết tật nặng (đầu nhỏ, thiếu tay, không đứng hay đi lại được, điếc, mù...). Lời nguyền của chất độc da cam đã kéo dài sang thế hệ thứ 4.
Bà Trần Tố Nga cũng mắc lao phổi tái đi tái lại, ung thư, alpha-thalassemia và tiểu đường loại 2 có biến chứng hiếm gặp là dị ứng với insulin. Là một chất gây rối loạn nội tiết mạnh, chất độc da cam cũng tác động đến con cháu của bà. Bà mất con gái đầu lòng khi bé được 17 tháng vì dị tật tim bẩm sinh. Hai con gái còn lại cùng cháu chắt đều gặp vấn đề về tim mạch và xương khớp.
Trong phiên tòa ngày 7-5, cơ thể của bà Trần Tố Nga đầy dấu vết chiến tranh và bệnh tật. Đó chính là bằng chứng sống động trước các công ty hóa chất Mỹ.
Ngày 22-8 tòa phán quyết vụ kiện chất độc da cam
2014: Bà Trần Tố Nga đệ đơn kiện chống lại 14 công ty hóa chất Mỹ (ban đầu là 26 công ty, sau đó có 12 công ty đã không còn hoạt động) tại Tòa án Ervy (ngoại ô Paris), nơi bà cư trú.
10-5-2021: Tòa án Ervy ra phán quyết khẳng định họ không có thẩm quyền xét xử, với lý do các công ty bị buộc tội được hưởng "quyền miễn trừ tài phán", và việc họ tuân theo lệnh của quân đội Mỹ cho phép loại trừ họ khỏi mọi trách nhiệm.
7-5-2024: Phiên tòa phúc thẩm ở Paris cho biết sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 22-8-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận