03/07/2020 15:23 GMT+7

Những trường hợp ghi sai tiền điện do khách hàng vắng nhà nên phải tạm tính

N.A - N.HIỂN - L.PHAN
N.A - N.HIỂN - L.PHAN

TTO - Qua kiểm tra thực tế, một số trường hợp ghi sai và phải điều chỉnh hóa đơn tiền điện chủ yếu rơi vào khách hàng vắng nhà là bất khả kháng và phải tạm tính nhưng sau đó được điều chỉnh, rà soát lại để truy thu/thoái hoàn tiền cho khách hàng.

Những trường hợp ghi sai tiền điện do khách hàng vắng nhà nên phải tạm tính - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra trực tiếp trao đổi về thắc mắc, khiếu nại của một khách hàng ở quận Tân Phú - Ảnh: LÊ PHAN

Sáng 3-7, đoàn kiểm tra liên ngành về ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện do ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chủ trì cùng với sự tham gia của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Cục Điều tiết điện lực, tiến hành hoạt động kiểm tra tại Tổng công ty điện lực TPHCM (EVNHCM) đơn vị cuối cùng trong 5 tổng công ty được kiểm tra.

Điều chỉnh hóa đơn do bất khả kháng

Ông Đặng Hoài Bắc, giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú (thuộc Tổng Công ty điện lực TP.HCM), cho biết trong tháng 6-2020, công ty đã thực hiện phúc tra 16.524 khách hàng, trong đó có 12.873 khách hàng sinh hoạt có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên và đã thực hiện kiểm tra, phúc tra 100%. Theo ông Bắc, kết quả kiểm tra không có trường hợp ghi điện viên ghi sai do chủ quan.

Cụ thể, trong số 288 trường hợp yêu cầu thắc mắc liên quan đến công tơ và chỉ số công tơ, có  39 trường hợp có thắc mắc về chỉ số thì có 10 trường hợp phải điều chỉnh hoá đơn. Đây là những trường hợp bất khả kháng, khách hàng không có nhà nên phải tạm tính bằng tháng trước và sau khi khách hàng có thắc mắc thì phải phúc tra lại và phải điều chỉnh hóa đơn. Các trường hợp ghi sai ở tháng 4 và 5 lần lượt là 52 và 30 trường hợp.

"Những trường hợp này đều do nguyên nhân khách quan. Nhiều khách hàng không ở nhà nên trường hợp như vậy thì bắt buộc với những đồng hồ đo đếm trực tiếp thì sẽ ghi tạm tính vẫn phải đảm bảo quy trình thông báo. Tuy nhiên, một số khách hàng không để ý và không có trường hợp điều chỉnh hoá đơn, tới khi nhận thông báo tính tiền điện mới phản ứng và một số trường hợp phải điều chỉnh hoá đơn" - ông Bắc khẳng định công tác phúc tra được công ty thực hiện kiểm tra độc lập so với các số liệu của ghi điệp viên, nên thường có chênh lệch ở con số nhỏ, để tránh trường hợp ghi điện viên ghi không đúng.

Những trường hợp ghi sai tiền điện do khách hàng vắng nhà nên phải tạm tính - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra việc ghi chỉ số của công ty điện lực - Ảnh: NGỌC HIỂN

Về công tác lắp đặt và quản lý công tơ, đơn vị này cho hay đến tháng 6-2020 có 100.437 công tơ điện tử ghi chỉ số từ xa trên tổng số 115.508 công tơ, chiếm 86,95% và số lượng công tơ ghi trực tiếp là 15.071, chiếm 13,05%. Với công tơ thay hư cháy hỏng sẽ được tiếp nhận thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng, được thay thế kịp thời trong vòng 3 ngày, trường hợp mất điện xử lý trong 2 ngày.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh (EVN) - đề nghị trường hợp công tơ cháy, hỏng phải khắc phục ngay để đảm bảo điều kiện đo đếm, trường hợp tính toán truy thu với khách hàng sẽ dẫn tới khách hàng, tiềm tàng nguy cơ cháy nổ, nên cần phải sớm sửa đổi, cần phải rút ngắn thời gian xuống và xử lý sự cố trong 1-2 giờ.

Ngành điện giải thích đã hài lòng, vẫn cần theo dõi thêm

Lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên trực tiếp gặp một số khách hàng địa bàn, anh Hoàng Đình Hồng, ngụ tại đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết tiền điện tháng 5 mà gia đình anh phải trả khoảng 3 triệu đồng nhưng hóa đơn tiền điện tháng 6 đột nhiên tăng lên 4 triệu đồng. Thấy bất thường nên anh Hồng đã gọi điện phản ánh lên Công ty điện lực Tân Phú (thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) để yêu cầu kiểm tra.

Sau khi nhân viên xuống đo đếm, kiểm tra lại đồng hồ điện thì biết rằng tiền điện tăng đột biến do nhà anh Hồng vừa lắp đặt thêm một máy lạnh. Sau khi làm việc anh Hồng chia sẻ đã hoàn toàn hài lòng với giải thích của ngành điện.

Tương tự, Công ty điện lực Tân Phú còn nhận phản ánh của anh Bùi Đắc Khoa, ngụ đường DC7 phường Sơn Kỳ. Anh Khoa thấy số tiền điện tăng đột biến từ khoảng 800.000-900.000 đồng tháng lên khoảng 2 triệu đồng. Anh Khoa nghi ngờ đồng hồ điện của gia đình chạy nhanh nên đã phản ánh, đề nghị ngành điện xuống kiểm tra.

"Sau khi kiểm tra tôi mới nhớ ra trước đây do tôi ở một mình, dạo gần đây có một số người cháu về ở cùng nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên. Tôi đã hài lòng với việc kiểm tra của ngành điện, sau đo đếm cho thấy đồng hồ điện nhà tôi không chạy sai.", ông Khoa nói.

Trả lời về việc có hoàn toàn tin tưởng vào kết quả kiểm tra của ngành điện hay không? Ông Khoa cho biết chưa hẳn tin, nhưng sẽ theo dõi thêm về chỉ số điện trong nhưng tháng tới xem có biến động gì không.

Dữ liệu người dùng sử dụng quá 30% sẽ có cảnh báo

Theo quy trình đo chỉ số công tơ, lập hóa đơn: ghi điện viên sẽ chụp hình ảnh thông tin và nếu dữ liệu sử dụng quá 30% thì sẽ có cảnh báo để kiểm tra lại mới nhập dữ liệu. Dữ liệu được cập nhật về hệ thống và sau đó rà soát lần thứ 2 những khách hàng sử dụng tăng thêm từ 30%, tiếp tục đi phúc tra lần 2. Đơn vị này cũng trang bị thêm thiết bị cầm tay quay lại thực tế để có chương trình kiểm soát ở nhà để xem nhóm công tác có thực hiện đúng quy định hay không?

Từ 14.867 kiến nghị về hóa đơn tiền điện, 5 người được trả lại tiền Từ 14.867 kiến nghị về hóa đơn tiền điện, 5 người được trả lại tiền

TTO - Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết từ tháng 4 đến tháng 6 tiếp nhận 14.867 kiến nghị, trong đó có 5 trường hợp phản ảnh đúng, buộc phải điều chỉnh hóa đơn tiền điện và trả lại tiền điện cho khách hàng.

N.A - N.HIỂN - L.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên