07/12/2011 06:01 GMT+7

Những nỗi hoài nghi

 HỒNG HẠNH
 HỒNG HẠNH

TT - Không thể hình dung được là sách giáo khoa - vốn được xem là “khuôn vàng thước ngọc” trong nhà trường - lại đầy rẫy những lỗi khó lòng chấp nhận như thế. Trách nhiệm của việc này thuộc về ai? Câu trả lời không khó nhưng làm thế nào để thay đổi hiện thực này là một vấn đề lớn chưa có lời giải đáp.

Kỳ 1: Khó, khô và khổ!Kỳ 2: Trùng lắp và thoát ly thực tếKỳ 3: Không thể liệt kê hết “sạn”

Và trong thời gian chờ đợi sự thay đổi ấy, bao nhiêu khó xử, hoang mang và nỗi hoài nghi vẫn tràn ngập trong đội ngũ giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Với giáo viên, những sai sót của sách giáo khoa đưa họ đến sự khó xử vô cùng trong công tác giảng dạy. Sửa lại những sai sót của sách giáo khoa ư? Đó là một “nhiệm vụ bất khả thi” về mọi mặt. Muốn sửa cái sai của sách giáo khoa, phải đợi hướng dẫn của sở, sở lại đợi hướng dẫn của bộ mà muốn bộ ra văn bản thì chắc sẽ phải đợi rất dài vì những cuộc họp và thẩm định... Thậm chí, không biết các cán bộ của bộ có biết rằng sách giáo khoa của bộ phát hành đang có đầy rẫy những sai sót như thế hay không?

Với học sinh, những sai sót sẽ đẩy học sinh đến nỗi hoang mang không đáng có. Còn gì hoang mang bằng khi chuẩn mực lại không đúng, là lệch lạc thực tế và thậm chí có khi là chồng chéo lẫn nhau. Học đi học lại những điều đã học mà không chuyên sâu hơn, không phát triển hơn thì học sinh sẽ được gì? Chưa kể, còn đó nỗi hoang mang lớn lao là nếu thầy cô của mình sửa thì mình nên nghe thầy cô hay nghe sách giáo khoa? Mai mốt đi thi, bộ ra đáp án dựa trên sách giáo khoa thì mình sẽ được điểm như thế nào?... Nếu những điều học sinh đọc từ sách tham khảo (có giá trị khoa học) lại khác với sách giáo khoa (vì sách giáo khoa không chuẩn) thì học sinh sẽ phải tin theo cái nào?

Với phụ huynh, những sai sót trên sẽ dẫn đến nỗi hoài nghi lớn lao về những đồng tiền mà họ đóng góp cho ngành giáo dục. Không có bậc cha mẹ nào tiếc tiền để con đi học, nhưng những con chữ từ sách giáo khoa mà con em mình học lại thiếu chuẩn như thế thì có cha mẹ nào an tâm? Đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân đã và đang được sử dụng như thế nào trong lĩnh vực giáo dục? Câu hỏi này ai sẽ trả lời?

Còn quá nhiều việc để ban biên soạn sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT phải làm để sửa chữa ngay những sai sót, giúp giáo viên có thể đứng lớp, học sinh có thể đi học mà không hoang mang. Trước khi nghĩ đến số tiền mấy chục ngàn tỉ đồng để thay thế sách giáo khoa, hãy nghĩ đến việc làm thế nào để có một sự liên thông đích thực giữa ban tu thư các cấp, để có được những người viết sách tốt nhất, để sách giáo khoa thật sự là chuẩn mực và phụ huynh không còn phải hoài nghi về một nền giáo dục có sách giáo khoa chẳng ra làm sao cả.

 HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên