Sách chuẩn không chuẩn - Kỳ 3: Không thể liệt kê hết "sạn"

Huong
Huong

TT - Nhiều bạn đọc cho rằng hai bài viết trên Tuổi Trẻ không thể liệt kê hết “sạn” trong sách giáo khoa (SGK). Lẽ ra phải được thụ hưởng một nền giáo dục chuẩn thì nhiều thế hệ học sinh đang phải đối mặt với những “hạt sạn” của sách, của chương trình...

y8bXfZQR.jpgPhóng to

Kỳ 1: Khó, khô và khổ!Kỳ 2: Trùng lắp và thoát ly thực tế

Học mà không hiểu

* Cháu tôi năm nay học lớp 1. Tối tối cháu cất giọng tập đọc vang khắp nhà. Tôi thường chú ý lắng nghe những câu cháu đọc trong sách tiếng Việt. Đúng là có nhiều chỗ tối nghĩa nhưng ba mẹ cháu thật sự không để ý đến điều đó vì cho rằng SGK là chuẩn nhất rồi. Theo tôi nghĩ, phần lớn phụ huynh khác cũng sẽ tin như vậy và không dám có ý kiến gì thêm. Cho con đến trường học, phụ huynh đều đã đặt hết niềm tin cho nhà trường và đặc biệt là SGK.

“Sách giáo khoa địa lý lớp 10 xếp “ngành trồng rừng” vào bài “Địa lý ngành trồng trọt”, xếp “ngành nuôi trồng thủy sản” vào bài “Địa lý ngành chăn nuôi”, trong khi cơ cấu ngành nông nghiệp có ba mảng: nông - lâm - ngư rõ rệt. Có thể do các ngành lâm nghiệp, ngư nghiệp không có bài riêng nên tác giả SGK đành đưa nội dung ngành trồng rừng (mảng lâm nghiệp) vào bài trồng trọt và ngành nuôi trồng thủy hải sản (mảng ngư nghiệp) vào bài chăn nuôi”

* Đọc SGK nhiều môn như lịch sử, địa lý, sinh học... tôi không hiểu dạy HS đủ thứ đó làm gì khi mà không nêu ý nghĩa của nó đối với HS. Ví dụ HS lớp 6 cần biết cấu tạo đủ thứ của cây, lá làm gì để rồi lên lớp 7 không còn nhớ gì hết. Thực tế nhiều em học chỉ để trả bài chứ không hiểu bài nói cái gì. Sao không thay những bài học vô ích đó bằng những bài học có tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống. Như vậy HS có thể hứng thú với môn học và nhớ lâu hơn.

* Em sinh năm 1996, là học sinh lớp 10, tức đã học 10 năm chương trình cải cách của Bộ GD-ĐT. Thú thật em thấy chương trình học thật nhàm chán, rập khuôn, đại đa số kiến thức không ăn nhập hay phù hợp với thực tế lúc học. Ví dụ như chương trình công nghệ 6, 7, 8, 10, em phải học những thứ như nông nghiệp, chăn nuôi mà không có hứng thú gì. Sao chúng em không được lựa chọn mình phải học gì mà bao nhiêu triệu học sinh đều phải học khá chi tiết về chăn nuôi, trồng trọt...?

Rồi môn giáo dục công dân cũng vậy, thay vì được học những câu chuyện về người thật việc thật, chúng em lại phải học những mẩu chuyện về bạn N., anh L., chị T. hay những nhân vật Minh, Nam, Lan do người biên soạn tự nghĩ ra, rất thiếu thực tế, nhàm chán. Rồi thay vì được học phải sống như thế nào, được dạy đúng sai trong từng cử chỉ, thậm chí suy nghĩ, chúng em lại được học những câu định nghĩa dài ngoằng để kiểm tra lấy điểm. Như vậy có nên gọi là giáo dục công dân?

Bao giờ hết “sạn”?

* Tôi là giáo viên ngữ văn. Năm nào dạy lớp 6 đến bài “Viết đơn” tôi cũng khổ vì đề bài trong SGK lớp 6, tập 2 yêu cầu HS “viết đơn gửi hợp tác xã bán điện cho gia đình em”. HS của tôi hỏi: “Cô ơi, mình mua mà phải làm đơn xin người ta bán sao cô?”, “Cô ơi nếu điện mà bán thì người mua có quyền mua bao nhiêu cũng được nhưng sao nhà em xài nhiều lại bị phạt?”, và tôi không thể giải thích cho các em hiểu được.

* Tôi còn nhớ ở môn lịch sử lớp 12, thầy giáo giảng về sự lũng đoạn của các tập đoàn tư bản ở Đức, được gọi là các “tờ-rớt”. Thầy viết phiên âm hai chữ “tờ-rớt” đó trên bảng. Với phát âm của người miền Nam, hai chữ này không có chút gì giống tiếng nước ngoài chứ đừng nói chi là tiếng Đức. Khi muốn đi tìm nguyên bản chữ này tôi thật sự rất vất vả. Phải đến ba năm sau khi tốt nghiệp THPT tôi mới tìm được chữ nguyên gốc là “trust”. Nếu chúng ta cứ quen với những phiên âm tiếng Việt sai lệch rất xa so với bản gốc như thế thì làm sao tiếp cận được với những tài liệu quốc tế?

* SGK tiếng Việt chủ yếu do các nhà biên soạn sách ở miền Bắc viết nên câu chữ, tình huống, ca dao tục ngữ hay cách diễn đạt đều theo phong cách miền Bắc. Những vật dụng, loại trái cây... cũng được sử dụng với phương ngữ Bắc bộ. Ví dụ giáo viên rất khó khăn khi phải giải thích với HS thế nào là “sau rốt”, “trái nhót”, khi học những vần “ốt”, “ót” hay đưa ví dụ những loài “sẻ, ri, bói cá, le le” mà trẻ ở độ tuổi này chưa hình dung được. Với những câu thơ “Nhành giẻ treo nơi nào” hay “Mưa tháng bảy gãy cành trám” thì nhiều giáo viên ở TP.HCM cũng không biết nhành giẻ, cành trám là nhành gì để kể cho cụ thể với HS”.

Không còn nhiều bài thơ hay như trước?

Thời tôi ngày xưa khi còn học lớp 1, lớp 2 trường làng cách đây hai mươi mấy năm về trước, tôi thuộc lòng rất nhiều bài thơ hay mà đến tận bây giờ vẫn không thể nào quên được. Chẳng hạn các bài thơ Lũy tre, Gửi lời chào lớp một, Thi nghé, Cái trống trường em, Mẹ, mẹ ơi cô dạy...

Có lẽ trong trí nhớ của tôi thì bài thơ Nói với em của nhà thơ Vũ Quần Phương là bài thơ viết về tuổi thơ, gia đình hay nhất. Kỷ niệm đối với tôi là bài thơ này tôi đã đọc thuộc lòng và được điểm 10 của cô giáo chủ nhiệm: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió. Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay.Tiếng lích chích chim sâu trong lá.Con chìa vôi vừa hót vừa bay...”.

Tôi rất mong ngành giáo dục nên có những chủ trương, chính sách thiết thực, biên soạn và đưa vào chương trình học của các cháu học sinh cấp I những bài thơ hay để tâm hồn trẻ thơ của các cháu được trong sáng hơn, bay bổng hơn và dẫn dắt tâm hồn con trẻ vào trong những câu chuyện gia đình, câu chuyện thần tiên, cổ tích đáng nhớ, đáng yêu.

Đó cũng là cách giáo dục thiết thực nhất hình thành nên nhân cách con trẻ sau này qua những bài thơ hay!

(còn tiếp)

Huong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên