27/08/2018 12:46 GMT+7

Những đề xuất chạm vào lòng dân

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Có đến 63 điều sẽ được điều chỉnh ở dự thảo Luật giáo dục sửa đổi nhưng dư luận đặc biệt chú ý đến việc miễn học phí THCS, bỏ biên chế, nâng lương giáo viên, nghỉ học thứ bảy đối với học sinh trung học.

Những đề xuất chạm vào lòng dân - Ảnh 1.

Một tiết học toán của học sinh lớp 9/10 Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tranh luận, ý kiến trái chiều cũng nhiều nhất ở những nội dung trên khi dự thảo Luật giáo dục sửa đổi được đặt lên bàn hội nghị để góp ý. Cũng dễ hiểu vì đây đều là những điều liên quan trực tiếp tới người dạy, người học.

Nhưng có một điểm chung của các đề xuất, dự kiến điều chỉnh trên là băn khoăn về tính khả thi khi việc này được đặt trong điều kiện đáp ứng về ngân sách và thực tế giảng dạy ở bậc học phổ thông.

Không ít lần dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, vấn đề "lương nhà giáo" được đưa vào, rồi lại rút ra vì quá nhiều ý kiến trái chiều. Tăng lương là tốt, nhưng nhà giáo tăng lương thì bác sĩ, kỹ sư, những người trong ngành khác cũng thấy cần tăng lương, xếp lương cao nhất thì phải làm sao? 

Ngân sách nhà nước liệu có gánh đỡ nổi không và việc "lương cao nhất" có đảm bảo để giáo viên "sống được bằng lương" không? Quá nhiều điều phát sinh từ một đề xuất khiến cho ban soạn thảo phải phân vân, bối rối đưa vào, rút ra.

Nhưng khó khăn không có nghĩa là ách lại những đề xuất có lợi được xem như yếu tố tác động mạnh đến việc thực hiện các mục tiêu giáo dục. Mỗi vấn đề khi đưa vào nội dung điều chỉnh luật phải là những điều có tính thuyết phục và đồng thuận cao. 

Cụ thể ở đây, tính thuyết phục trong việc phải tăng lương cho nhà giáo phải được đặt ra trước, từ đó mới có cơ sở để tính đến những giải pháp đồng bộ.

Và rõ ràng không thể thấy khó thì trì hoãn mà phải tính toán trên cơ sở những điều chỉnh đồng bộ. 

Nếu chưa đủ ngân sách chi lương ở mức cao nhất thì cần có những đãi ngộ khác như con giáo viên được miễn học phí, giáo viên được cấp nhà ở xã hội, phải thay đổi cơ chế tuyển dụng, xóa bỏ việc đánh giá "cào bằng"... 

Đó là những giải pháp gián tiếp nhằm "tăng lương" cho giáo viên thông qua năng suất lao động.

Tương tự, vấn đề miễn học phí THCS, vấn đề cho học sinh trung học nghỉ học ngày thứ bảy hay việc bắt buộc học sinh tiểu học, THCS phải học 2 buổi/ngày cũng vấp phải những khó khăn về tiền, về điều kiện dạy học trong các nhà trường phổ thông.

Nếu vì khó khăn mà không bàn đến, gạt ra ngoài những điều đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà giáo, của học sinh thì những vấn đề chạm đến lòng dân sẽ không bao giờ trở thành sự thật.

Ví như nếu quy định trong luật các trường tiểu học, THCS phải dạy học 2 buổi/ngày với chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay lập tức việc này sẽ không khả thi. 

Nhưng khi luật quy định, buộc các bộ ngành, địa phương phải cùng vào cuộc với ngành GD-ĐT trong việc quy hoạch mạng lưới trường học, chuẩn bị đủ giáo viên cho việc thực hiện, học sinh học 2 buổi/ngày sẽ giải quyết bền vững hơn việc đảm bảo cho giáo viên, học sinh được nghỉ 2 ngày cuối tuần.

Việc miễn học phí cho học sinh THCS, hỗ trợ các trường tư về học phí cho đối tượng trong diện miễn học phí ngoài ý nghĩa nhân văn, cũng là giải pháp thúc đẩy các loại hình giáo dục ngoài công lập phát triển, chia sẻ gánh nặng trách nhiệm với hệ thống trường công, thu hút đầu tư cho giáo dục.

Sự tác động của luật trong nhiều trường hợp, vì vậy, lại là giải pháp, là động lực để tháo gỡ khó khăn cho các vấn đề khác nhau của giáo dục, nhất là những vấn đề chạm vào lòng dân.

Kiến nghị miễn học phí, bỏ vĩnh viễn biên chế giáo viên Kiến nghị miễn học phí, bỏ vĩnh viễn biên chế giáo viên

TTO - Đây là những nội dung thu hút nhiều ý kiến tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24-8.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên