Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị tính toán lại về phương pháp cấp ngân sách cho các trường, khi cấp ngân sách nên xét đến khu vực, địa bàn, tình hình của mỗi trường...
Học phí cũng là một nguyên nhân học sinh bỏ học
Khi nhìn vào các số liệu thống kê về giáo dục ở TP.HCM, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể số học sinh bậc THCS so với bậc tiểu học.
Cụ thể vào năm học 2012-2013, số học sinh THCS chỉ bằng 63% số học sinh bậc tiểu học và thống kê trong vòng 5 năm học gần nhất, chúng ta thấy chỉ có năm học 2015-2016 tỉ lệ học sinh THCS mới đạt được 70,2% so với số học sinh tiểu học, trong khi các năm học khác tỉ lệ luôn dưới 70% (xem bảng).
Theo lẽ thông thường, các học sinh sau khi hoàn thành bậc tiểu học sẽ chuyển lên học tiếp ở bậc THCS nhưng từ những con số rất lớn trên, có thể có nguyên nhân quan trọng là vì khi lên bậc THCS thì học sinh bị bắt buộc phải đóng học phí.
Mặc dù học phí hằng tháng ở bậc THCS nhìn chung không cao, nhưng rõ ràng vẫn là một gánh nặng đối với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp hoặc không ổn định.
Chính vì vậy, việc TP.HCM hướng đến việc không thu học phí bậc THCS chắc chắn mở ra nhiều cơ hội học tập hơn cho học sinh thuộc các gia đình có thu nhập thấp, giúp gia tăng tỉ lệ học sinh ở bậc học này.
Việc có thêm nhiều thời gian học tập hơn chắc chắn tác động đến khả năng tìm kiếm việc làm của các em sau này, đồng thời cũng góp phần nâng cao thêm trình độ nhận thức của các em trong cuộc sống.
Chúng ta thà chấp nhận mất vài trăm tỉ đồng, còn hơn sau này phải mất nhiều tiền hơn để khắc phục những hệ quả của việc thiếu trình độ học vấn nơi các em.
Chính vì vậy, chúng tôi rất chờ đợi chính sách không thu học phí bậc THCS của TP.HCM sẽ được các cơ quan quản lý giáo dục cấp trung ương chấp thuận càng nhanh càng tốt vì các em học sinh và cũng vì sự phát triển chung của xã hội.
Tìm lộ trình lâu dài cho toàn bộ học sinh
Học sinh THCS ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái - Ảnh: T.T.D.
Nếu học sinh bậc THCS ở TP.HCM được miễn học phí, nên nghĩ đến lộ trình miễn học phí hoàn toàn ở bậc học này trên phạm vi rộng hơn.
Ở quê tôi, học phí là một gánh nặng đối với những gia đình có thu nhập thấp đang có con học ở bậc học này. Theo quy định, chỉ có những học sinh trong diện chính sách, có sổ hộ nghèo mới được miễn học phí.
Mặc dù nhà trường và địa phương đều có những phương thức hỗ trợ, tuy nhiên không ít học sinh khác phải bỏ học giữa chừng vì rào cản học phí. Ở góc độ là một người thầy, thiết nghĩ chúng ta nên có lộ trình thực hiện việc miễn học phí ở bậc THCS để giảm nguy cơ bỏ học.
Có thể bắt đầu từ những học sinh có thành tích tốt trong học tập nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm kết hợp cùng chính quyền địa phương tìm hiểu về nhân thân, gia đình học sinh để lập danh sách xét duyệt và gửi cho nhà trường.
Việc này thực hiện không khó khi nhà trường và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ và đồng bộ. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các chế tài để những học sinh thuộc nhóm đối tượng này có động cơ học tập.
Chẳng hạn như nếu để xuống hạng hay xếp loại học tập thế nào sẽ không được miễn hoàn toàn, chỉ giảm một phần nào đó.
Về lâu dài nên có lộ trình với những giải pháp đi vào chiều sâu, đi đến việc miễn học phí hoàn toàn cho học sinh ở bậc THCS để các em hưởng thụ được quy chuẩn của giáo dục cơ bản.
Vấn đề học sinh bỏ học không chỉ làm đau đầu các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, mà còn của cả chính quyền địa phương.
Công tác chống lưu ban bỏ học và phổ cập giáo dục muốn đạt hiệu quả cao thì cần những chính sách thực tế, mà việc miễn học phí ở bậc THCS là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện tính nhân văn và phù hợp với xu thế phát triển.
Khuyến khích 15 địa phương miễn học phí THCS
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm cá nhân rằng hoàn toàn ủng hộ việc TP.HCM miễn học phí bậc THCS. Và cả nước nên thực hiện chính sách này.
Các nước như Trung Quốc đã miễn học phí bậc THCS cả chục năm nay. Dù chi ngân sách có lớn, nhưng việc này nên làm. Cần cơ cấu lại ngân sách để thực hiện miễn học phí đến hết lớp 9.
Trước mắt, khi đang đợi sửa Luật giáo dục, nên khuyến khích 15 địa phương tự cân đối được thu chi như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... miễn học phí THCS. Sau khi sửa luật, ngân sách sẽ hỗ trợ những địa phương miền núi, vùng khó khăn thực hiện chính sách này.
Tuy nhiên, tại phiên họp thường vụ Quốc hội vào tháng 3, khi cho ý kiến về dự án Luật giáo dục sửa đổi, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS chưa phù hợp, làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Nghị quyết số 29 có quy định đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục - đào tạo không đưa nội dung này vào dự luật, chỉ xem xét từ sau năm 2020.
Tính toán lại việc cấp ngân sách
Theo một hiệu trưởng trường THCS ở quận 1, TP.HCM, miễn học phí cho học sinh THCS là một chủ trương nhân đạo. Tuy nhiên, với bối cảnh như hiện nay ở TP.HCM, Nhà nước không nhất thiết phải miễn học phí cho 100% học sinh THCS. Bởi TP.HCM có nhiều phụ huynh khá giả, việc đóng học phí 100.000 đồng/tháng không phải là gánh nặng của tất cả phụ huynh, chỉ là gánh nặng của một số phụ huynh nghèo.
Do đó, nếu thực hiện việc miễn học phí, nên thực hiện trước đối với một số đối tượng hoặc một số xã, huyện vùng sâu vùng xa.
Nhân dịp này, cũng nên tính toán lại về phương pháp cấp ngân sách cho các trường: cấp trên đầu học sinh là chưa phù hợp vì những trường có ít học sinh không có nghĩa là ít hoạt động giáo dục hơn. Khi cấp ngân sách nên xét đến khu vực, địa bàn, tình hình của mỗi trường...
TP.HCM chi thường xuyên 25% ngân sách cho giáo dục
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thông tin trên tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục TP ngày 14-8.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực và kết quả ngành giáo dục TP đạt được: việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất - khu công nghiệp, 100% học sinh tiểu học được học tiếng Anh, tỉ lệ giáo viên vượt chuẩn ở tất cả bậc học đều ở mức cao...
Ông Nhân khẳng định TP.HCM luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, năm nay tiếp tục dành 25% tổng chi ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục. Ông Nhân cũng cho biết sẽ rà soát, đảm bảo đất đai để xây dựng trường lớp, có cơ chế giải quyết vấn đề quỹ đất cho giáo dục.
Nói về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ông Nhân cho rằng người thầy hiện đại phải là tấm gương tự học, sáng tạo. Ông cho rằng Sở Giáo dục và đào tạo nên thống kê xem hiện có bao nhiêu giáo viên có thể làm chủ được một ngoại ngữ, bởi việc này là cực kỳ quan trọng trong tiếp nhận mở rộng tri thức, truyền đạt cho học trò.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận