25/08/2018 10:22 GMT+7

Kiến nghị miễn học phí, bỏ vĩnh viễn biên chế giáo viên

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Đây là những nội dung thu hút nhiều ý kiến tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24-8.

Kiến nghị miễn học phí, bỏ vĩnh viễn biên chế giáo viên - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ biên chế giáo viên. Theo GS Tạ Ngọc Tấn, "nói những giáo viên đang có nguy cơ mất việc vì bị cắt hợp đồng là yếu kém về năng lực thì oan cho họ” - Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu cũng thống nhất việc "học phải thi" và cho học sinh nghỉ thêm ngày thứ bảy.

Phổ cập thì phải miễn học phí

GS-TSKH Nguyễn Mậu Bành, phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, cho rằng Nhà nước cần có trách nhiệm chăm lo cho con em người dân đã đóng thuế giống như "Nhà nước phải đầu tư làm đường cho dân đi, còn ai muốn đi vào đường cao tốc thì phải đóng phí". Vì thế GS Bành nhấn mạnh cần quy định trong luật việc không thu học phí đối với học sinh THCS.

Một số ý kiến bên lề của các chuyên gia cũng cho rằng miễn học phí cần hướng tới áp dụng cả với học sinh mầm non, tiểu học và THCS, không phân biệt trường công, tư và chi theo đầu học sinh.

Đối với trường tư cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, học sinh có thể được giảm bớt phần học phí theo mức quy định chung của bậc học, phần dôi ra thì sẽ đóng góp theo nguyên tắc thỏa thuận.

Đặt ra nguyên tắc "Đã phổ cập giáo dục thì nhất định phải miễn học phí", nhiều chuyên gia tại hội thảo đã thảo luận về việc phổ cập và phổ cập bắt buộc. Trong đó đối tượng trong diện "phổ cập bắt buộc" thì phải miễn học phí.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng nếu khả năng ngân sách nhà nước không gánh nổi thì giữ nguyên việc miễn học phí ở tiểu học và học sinh của bậc học này cũng thuộc đối tượng "phổ cập bắt buộc", còn phổ cập THCS dựa trên cơ sở vận động, khuyến khích.

Với đối tượng trong diện "vận động" thì vẫn có thể thu học phí, chỉ miễn đối với học sinh vùng khó khăn.

Bỏ biên chế: ổn định bền vững

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), bày tỏ quan điểm việc luật hóa điều này sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn.

Nhưng ông cho rằng "ưu đãi" đó trong bối cảnh hiện nay cũng không cải thiện đời sống giáo viên được nhiều do lương hành chính sự nghiệp công lập của nước ta quá thấp, người lao động không sống được bằng lương. Mà nguyên nhân căn bản của tình trạng này là năng suất lao động của người VN quá thấp.

"Chính sách không vẽ ra được tiền. Chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc" - ông Nguyễn Xuân Khang nói và cho rằng "sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, giảm biên chế thừa, cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém - làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo cũng tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững".

Ông Khang đề xuất "bỏ biên chế vĩnh viễn" thay thế bằng chế độ hợp đồng có thời hạn để người lao động có động lực nâng năng lực, phẩm chất, khắc phục tình trạng ỷ lại, dựa dẫm. Nhưng ông Khang cũng thừa nhận việc "giải quyết vấn đề lịch sử để lại" là gánh nặng rất khó.

Ông viện dẫn câu chuyện 400 giáo viên ở Thanh Oai (Hà Nội) trong tình trạng mất việc để cho rằng "đó là sự việc đau nhưng rất đúng" và vì đúng nên đã đến lúc "dứt khoát phải chịu đau".

Tranh luận lại với ý kiến khá cởi mở của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, GS Tạ Ngọc Tấn - nguyên giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng nếu nói những giáo viên đang có nguy cơ mất việc vì bị cắt hợp đồng là yếu kém về năng lực, minh chứng là việc họ chấp nhận mức lương quá bèo bọt thì oan cho họ.

"Lỗi là biên chế trong ngành giáo dục không cho mở rộng. Các trường thiếu giáo viên nên phải hợp đồng thêm người để đảm bảo yêu cầu dạy học. Những người chấp nhận mức lương thấp không phải họ kém, mà họ chờ đợi, hi vọng một ngày nào đó sẽ được tuyển chính thức" - ông Tạ Ngọc Tấn nêu vấn đề.

Cũng liên quan tới chính sách nhà giáo, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan ủng hộ việc khẳng định trong luật về lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Tuy nhiên bà cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các ưu đãi khác như giữ chế độ phụ cấp thâm niên, tạo điều kiện cho giáo viên được mua nhà ở xã hội. Bà Tâm Đan đề nghị "quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm theo nhu cầu xã hội, có phân công công việc".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ủng hộ việc "xếp lương cao cho giáo viên" nhưng cho rằng nếu điều kiện khó khăn thì có thể thực hiện nhiều chính sách khác nhằm giảm bớt khó khăn cho giáo viên như việc miễn học phí cho con giáo viên, cho phép giáo viên được ưu tiên mua nhà ở xã hội…

Tiếp tục phản biện với chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng "tín dụng sư phạm" thay thế chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nhưng trên thực tế tính hiệu quả của chính sách này đáng nghi ngờ.

Vì thế theo ông Khang: "Có hai điều là tốt nghiệp sư phạm có việc làm hay không, lương giáo viên có đủ sống hay không là hai câu hỏi nếu thỏa đáng thì ngành sư phạm tất có sức hút, người học sẽ tự xoay xở tiền đi học".

Học không thể không thi

Nhiều ý kiến tại hội thảo tán thành việc "cần duy trì kỳ thi" vì nếu không thi học sinh sẽ không học. GS-TSKH Nguyễn Mậu Bành cho rằng đừng nhìn vào con số 98% tốt nghiệp mà nói không cần thi, vì có thể sau khi bỏ thi, nếu có một khảo sát sẽ có thể thấy số học sinh đạt yêu cầu chỉ được 70% do không có thi nên không có động lực học.

TS Vũ Văn Dụ cũng cho rằng không nên vì hiện tượng sai phạm trong kỳ thi ở một số tỉnh mà cực đoan cho rằng nên bỏ kỳ thi này. Kỳ thi vẫn nên duy trì nhưng phải điều chỉnh việc tổ chức.

Đối với đề xuất cho cho học sinh nghỉ ngày thứ bảy, đa số các chuyên gia tán thành nhưng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng cần quy định cứng việc học sinh nghỉ học ngày thứ bảy. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng việc này nên giao cho các trường chủ động sắp xếp, nơi nào có điều kiện thì thực hiện, nơi nào không có điều kiện thì chưa thực hiện.

'Bỏ biên chế không quan trọng bằng đổi mới giáo dục'

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết hướng sẽ đề xuất chuyển dần giáo viên từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Nhưng nhiều đại biểu quốc hội không đồng tình phương án này.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên