Người xưa có câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Nhưng dẫn lời ấy vào trường hợp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, thật chưa được hợp khi năm nay tuổi cụ đã 103. Mà nếu có ai chưa rõ tuổi cụ, lỡ buông lời "Kính chúc cụ sống lâu trăm tuổi", e cũng lỡ trớn quá.
Khiêm tốn, giản dị và say mê nghiên cứu
Cuộc sống, công việc chữ nghĩa của cụ, báo đài viết, phỏng vấn đã nhiều. Ở đây, chúng tôi với những gì còn đọng lại được qua thời gian tiếp xúc, làm việc với cụ gần 10 năm nay, và xin được bày ra để độc giả hiểu thêm góc cạnh nào đó về một nhà nghiên cứu cao niên, mà chúng tôi gọi là người hiền.
Ở tuổi bách niên như thế, theo cái lẽ thường tình, là tuổi hưởng già, nghỉ ngơi để con cháu chăm sóc.
Nhưng cụ Nguyễn Đình Tư không làm thế. Cụ vẫn cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa nhọc nhằn. Kể từ khi bắt đầu nghiệp viết lách với tác phẩm Nguyễn Xí năm 1943, tròn 80 năm, đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, viết lách không ngơi nghỉ trong cụ dù cho vật đổi sao dời. Càng về sau, tác phẩm nghiên cứu của cụ càng dày dặn hơn, đậm tính học thuật hơn.
Mới nhất là bộ sách Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020), 2 tập của cụ với dung lượng gần 2.000 trang.
Chưa dừng lại ở đó, bản thảo sách từ điển về đế hiệu, miếu hiệu, niên hiệu... thời phong kiến Việt Nam và bản thảo tự truyện của cụ đã có mặt trên bàn biên tập viên nhà xuất bản chờ ngày ra mắt độc giả. Và 10 đề tài khác, đã được lên khung đề cương, thực hiện dần dần mà theo lời cụ tâm sự, còn khỏe là còn viết.
Dẫu tuổi tác kém cụ cả lục thập hoa giáp, nhưng đã nhiều lần biên tập bản thảo của cụ, dần dà, những ấn tượng, cảm nhận của lớp trẻ chúng tôi về một nhà nghiên cứu cần mẫn, khiêm cung ngày một sâu đậm, gần gũi.
Mỗi lần muốn đến gặp cụ để trao đổi nội dung về bản thảo, hoặc thắc mắc về tư liệu... chúng tôi gọi điện trước, hẹn ngày giờ cụ thể. Mỗi lần như thế, cụ rất chủ động, nghiêm chỉnh chờ khách nơi lầu hai căn phòng riêng với chén trà nóng, chiếc bàn con.
Dù tiếp khách là quan chức đến thăm, hay bạn bè, người trẻ đến chơi, trang phục thường thấy của ông là áo dài khăn đóng. Theo lời cụ, đó là cách mình trân trọng người đối diện.
Mỗi lần gặp gỡ, nhiều nội dung về lịch sử, địa chí cần phải trao đổi, đối sánh kỹ lưỡng được đưa ra với nhà nghiên cứu, lại thấy sự cẩn trọng của cụ khi lần giở tài liệu để đối chứng, thảo luận. Điều đáng quý, cụ không bao giờ vì là bậc cao niên, vị trí nhà nghiên cứu mà phản bác ý kiến đóng góp, thắc mắc của người biên tập.
Nội dung nào đúng, có tài liệu dẫn chứng mới, cập nhật và đã được xác nhận cụ thể, cụ gật gù đồng thuận khi hiểu rằng đó là phải, là mới. Nói đâu xa, trong tập I sách Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử có nội dung viết về báo chí liên quan Thông loại khóa trình (Sự loại thông khảo), cụ chưa được tiếp cận với các số báo ấy, chỉ có thể tham khảo những tài liệu liên quan trước đó nên viết theo quan điểm cũ.
Nhưng khi biên tập viên chúng tôi trưng dẫn cụ thể nội dung các số báo, và đề nghị viết theo quan điểm mới thực chứng trên cơ sở tài liệu đã có, cụ vui vẻ đồng ý.
Một kỷ niệm nhà xuất bản nhớ mãi, ấy là khi đồng nghiệp của tôi biên tập 2 cuốn sách trên, có một số phần thuộc thời hiện đại, trong đó liên quan đến đô thị thông minh, đến khoa học công nghệ thành phố, nhà xuất bản yêu cầu tác giả nên cập nhật, viết thêm để bản thảo có sự toàn diện.
Qua nhiều lần trao đổi, thuyết phục, cụ đồng ý bổ sung. Nhưng lúc ấy đang đỉnh dịch COVID-19, thành phố thực hiện việc phong tỏa, chỉ có một số cơ quan đơn vị, trong đó có báo chí, xuất bản là có thể di chuyển.
Để có tài liệu tham khảo cho cụ viết, biên tập viên, nhân viên nhà xuất bản đã phải gom các sách liên quan, tìm cách đưa sách đến tận nhà cho cụ để kịp hoàn thành bản thảo. Sách được trao cho người con trai cụ trước sợi dây bà con trong hẻm tự giăng để bảo vệ vùng xanh, chứ không thể được trực tiếp gặp cụ.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng thật vui khi tác giả hoàn thành việc bổ sung, tác phẩm ra mắt được sự đón nhận của độc giả. Đó là phần thưởng không tên mà đội ngũ làm nghề chúng tôi nhớ mãi.
Trước khi làm quen với máy tính để tiện cho việc viết lách đỡ vất vả, cụ đã dùng những quyển vở học trò, hoặc mặt trắng của tờ lịch để thực hiện bản thảo của mình.
Hiện nay, dù đã quen việc đánh máy, nhưng khi cần phải đối chiếu, tra cứu kỹ tài liệu cho một vấn đề cụ thể, các tờ lịch vẫn chi chít chữ bút bi xanh, đỏ được cụ viết, bổ sung lên đó. Còn các sách được dùng tham khảo, thì hoặc nếp gấp, hoặc giấy note, nhiều vô kể.
Gần gũi, yêu quý vùng đất Sài Gòn - TP.HCM
Ở nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, sự cầu thị đi liền với sự khiêm tốn. Dù có nhiều công trình nghiên cứu chất lượng, nhiều đầu sách được giải thưởng uy tín của Nhà nước, nhưng khi trao đổi, trò chuyện xung quanh những vấn đề sử học, vẫn với phong cách lâu nay thường thấy, cụ Tư nở nụ cười thường trực trên môi, chất giọng Nghệ đã pha trộn nắng gió phương Nam chậm rãi, thủ thỉ chứ không đao to búa lớn trong luận giải.
Để duy trì được sức khỏe ở cái tuổi quá hiếm đối với một bậc cao niên, cụ chia sẻ, bản thân thực hiện việc rèn luyện sức khỏe đều đặn mỗi ngày. Ngoài việc vận động chân tay nhẹ cùng hít thở khí trời mỗi sáng ở khoảnh sân nhỏ, là việc đi bộ lên xuống cầu thang 10 lần trong ngày và ăn uống điều độ. Nhờ đó, dù đánh máy hay tra cứu tài liệu, đôi mắt hiền từ của cụ rất hiếm khi phải nhờ sự trợ giúp của kính.
Ngay cả khi cầm những tập tài liệu to dày, hay rót nước mời khách, đôi tay cụ vẫn nhẹ đưa chứ không có dấu hiệu run, yếu như thường thấy ở người già. Mỗi lần đến hầu chuyện cụ, là người già, người trẻ say sưa bên chuyện sách vở và những kỷ niệm viết lách của cụ đến quên thời gian. Ấn tượng nhất là ở tuổi trời, cụ vẫn đích thân đến nhà xuất bản trao bản thảo tận tay giám đốc trên chiếc xe máy do con trai chở.
Nhiều lần được ngồi hầu chuyện cụ, từ chuyện sách vở lan man sang chuyện đời, mới thấy rằng dù cuộc sống chịu nhiều vất vả ngay từ nhỏ, đời có thăng trầm theo giai đoạn lịch sử, nhưng ý chí, tinh thần cụ luôn giữ vững không lay chuyển. Ngay cả lúc túng bấn nhất, phải làm nghề bơm, sửa xe đạp bên cạnh ga tàu để có tiền nuôi gia đình, cụ vẫn không nguôi niềm đam mê chữ nghĩa, đó là lúc bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân gồm 6 tập được thành hình và xuất bản.
Nếu để ý sẽ thấy, trong nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng không bó mình. Trước 1975, cụ được biết đến qua những sách địa phương chí như Non nước Phú Yên, Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận; về sau, nhiều tác phẩm liên quan tới địa danh, lịch sử được ra đời như Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ; Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954, 2 tập)...
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, cụ là một trong 10 đại sứ văn hóa đọc của TP.HCM. Cuộc đời tự học, nghiên cứu và không ngừng đọc ấy của cụ, thực là tấm gương sáng để chúng ta noi theo về nhiều lẽ, chứ không chỉ ở văn hóa đọc.
Hay gần nhất với bộ 2 tập về Sài Gòn - TP.HCM thời gian 1698-2020 được xuất bản, với mong muốn là một tài liệu hữu ích, gần gũi để độc giả đọc, hiểu và thêm yêu mảnh đất rộng mở, hào sảng, thắm tình người này.
----------------------
Tuổi 97 rồi còn viết sách về toàn cầu hóa, sao ông không chọn những đề tài nhẹ nhàng hơn? Cựu đại sứ ở Liên Hiệp Quốc Võ Anh Tuấn cười: "Cái nghiệp nó vận vào thân rồi, nhẹ nhàng tình cảm hơn thì đọc thơ của bà nhà tôi".
Kỳ tới: Chữ An - Tâm ở tuổi 97 của cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận