Gương mặt thoáng nét đẹp thời son trẻ như không có tuổi, bà vừa làm việc vừa nói: "Mấy đứa không cho tôi xuống vườn dâu. Nó ngăn vì sợ tôi té, chứ tôi còn khỏe lắm".
Bén duyên với thành phố sương mù từ những ngày loay hoay tìm mối buôn chuyến, bà quyết định chọn nơi này định cư và cùng chồng xây dựng cơ ngơi bao người ước ao. Câu chuyện một cuộc đời, một gia đình bình dị, thiện lương.
Đời người làm không hết việc
Ngơi tay, bà Hương quay vào nhà sau, kiểm tra chảo mứt dâu còn nóng hay nguội. Bà gắn bó nghề này cũng 60 năm.
"Nhiều người ở Đà Lạt, TP.HCM đặt hàng mà tôi chỉ làm số lượng có hạn, nấu cho vui. Khi nào có dâu thì tôi nấu khoảng 20 lít... Hồi dịch Covid-19, dâu tươi không tiêu thụ được nên tôi nấu mứt một ngày mấy khạp. Dịch tan, tôi bán mấy tháng là hết. May có nghề này chứ không là đổ bỏ", bà cười hiền.
Rồi bà giới thiệu những chai mứt, mật dâu do mình tự tay làm. Đây cũng là cái nghề bà rất tự hào vì nguyên liệu nguyên chất được hái từ vườn nhà không pha tạp, để lâu không sợ hư hao.
Hài lòng với chảo mứt sệt vừa, thơm quyện, bà lại ngó xem con trai chở hoa đi giao chưa. Bà luôn đeo chiếc đồng hồ thân thương để biết giờ giấc làm việc.
"Thấy vậy chứ cả ngày cũng không hết việc. Cơm nước tôi cũng nấu cho mấy đứa con. 5h sáng hai đứa út sửa soạn đi vườn bông cách đây hơn chục cây số, tôi dậy hâm đồ ăn cho tụi nó đem theo. Trưa tôi nấu để ăn chiều luôn", bà kể.
Một ngày bận rộn sắp trôi qua nhưng khi hỏi có mệt không, bà xua tay: "Làm riết quen rồi, không làm buồn tay buồn chân. Với lại nhìn tụi nó làm thấy tội nghiệp. Làm việc nhiều nhưng bây giờ tôi ăn ít lắm. Sáng một ly sữa, cơm thì một chén xẻ làm hai bữa mà làm cả ngày".
Nghe mẹ nói, anh Lê Ngọc Hoàng (55 tuổi, người con thứ năm) lại pha trò: "Mẹ bây giờ nhõng nhẽo lắm. Chân mẹ hơi yếu nên tụi tôi không dám để bà đi ra ngoài nhiều. Những lúc đó mẹ lại dỗi, nói sao bắt bà ở nhà hoài".
Nghe vậy, bà vờ nhéo tai con như hồi con còn nhỏ rồi hai mẹ con cười vang, khiến ngôi nhà như ấm cúng hơn giữa trời chiều giá lạnh.
Gầy dựng cơ ngơi
Nói về sự giỏi giang quán xuyến gia đình, những người quen biết bà đều phục lăn. Ngắm bức ảnh chụp vào dịp mừng thọ cách đây ba năm, người phụ nữ quê Nam Định nheo nheo mắt hồi tưởng những vui buồn đời mình.
"Hồi nhỏ nhà tôi nghèo kiết. Mười tuổi tôi theo bố đi ghe, tay chống tay chèo, gặp gì buôn đó. 18 tuổi tôi lấy chồng, đẹp gái sao mà ở yên được. Khoảng năm 1960 hai vợ chồng vào Sài Gòn. Có chút vốn liếng, chúng tôi mua căn nhà, rồi buôn đồ laghim này nọ từ Đà Lạt về bỏ sỉ dưới thành phố", bà kể.
Đi về giữa hai nơi, bà nhận thấy khí hậu Đà Lạt mát mẻ nên hai vợ chồng quyết định ở hẳn trên này.
Giọng bà trở nên sôi nổi: "Chúng tôi mua miếng đất ở gần đây. Chồng làm vườn, tôi vẫn bận rộn buôn bán, đi tứ bề. Lúc rỗi thì làm mứt dâu". Lâu dần, vốn dôi dư, hai vợ chồng tậu thêm đất. "Ông nhà tôi nông dân rặt nên cứ mua đất là nhất. Cứ vậy mà có với nhau lần lượt bảy đứa con, giờ đều ổn định hết. Tụi nó thương, lo cho tôi lắm", bà nói.
Bà từng mua căn nhà ngoài trung tâm thành phố để tiện buôn bán. Nhưng rồi cách đây gần 40 năm, chồng bà bị tai biến.
Bà nhớ lại: "Lúc đó hai đứa con gái thay phiên nhau chăm sóc, cơm nước, tắm rửa cho ông. Tôi vừa buôn bán, vừa xoay xở tiền chữa trị. Ông cũng đi được trở lại chừng 5 năm thì bệnh nặng thêm, không đi được nữa". Thương chồng, bà bán luôn căn nhà ngoài phố rồi về đây trông nom ông.
Tay bà vẫn còn đeo chiếc nhẫn cưới thuở nào. Nhắc về người chồng với một tình thương sâu nặng âm thầm, bà nói tính ông hiền và lúc nào cũng tất bật cây cối. Ông chịu khó trồng tỉa, còn chuyện nhà thường sẽ do bà tính toán.
Người phụ nữ gầy guộc này có sự quyết đoán, mạnh mẽ khi lèo lái con thuyền gia đình đến bến sung túc. "Bây giờ mà tôi còn trẻ như chúng nó tôi sẽ xây một khách sạn, trồng thêm vườn dâu... Để tiền trong túi làm gì, cứ móc ra làm ăn", bà nói.
Một điều đặc biệt là bà không biết chữ nhưng giỏi tính toán, không khi nào lầm lẫn khi mua bán với bạn hàng. Bà cũng biết "đón gió" nhận định loại hàng hóa nào đang thịnh, chỗ nào đang là thị trường nổi trội, buôn gì thì "chắc chân".
Riêng về chuyện trồng bông, bà nói: "Bông này phải bán cho công ty lớn, người ta bao thầu, không bao giờ ứ đọng. Còn những bông xả, cong... bán cho mấy mối bên ngoài". Bà cũng cập nhật tình hình giá cả đất đai, và tặc lưỡi tiếc vì từng bán đi miếng đất ở khu tiềm năng.
Hiện sống cùng ba người con trai trong căn nhà rộng rãi, bà chỉ còn một nỗi lo là ba con chưa lập gia đình. Bà nói đùa: "Tụi nó cứ ở vậy để bà già này nấu nướng, chăm cho. Mau lấy vợ cho mẹ khỏe đi chứ". Nghe vậy, con bà cười, nói rằng mẹ lại nhõng nhẽo. Mà có lẽ vì thương mẹ, họ cũng chưa tính đến chuyện rời bà.
Vui vầy bên con cháu
Ở tuổi mây trắng đời người, bà Hương hồn nhiên vui cười cho biết mình không có bệnh gì, chỉ trừ hai chân đi từ nhà ra ngõ lâu lâu lại sụm một cái. Mỗi ngày, bà đều đứng ở liếp dâu gần bậc thềm, ngó xuống một lượt mới yên tâm.
"Vườn dâu công nghệ cao này là con trai thứ năm của tôi quán xuyến. Nó học đại học xong thì thích làm vườn, giờ mỗi ngày đều thu hoạch tốt. Tôi cũng mừng", bà nói.
Hai người con út sinh đôi "độc thân vui tính" thì quán xuyến hai mẫu vườn bông, bắp sú. Để con cái tự chọn điều con ưng và tạo điều kiện bằng cách giao đất đai, vườn tược, bà không còn gì phải lo nhưng vẫn ít khi rảnh rỗi vì tính hay ôm việc.
Về cách giữ sức khỏe, bà suy nghĩ một chút rồi trả lời: "Tôi cũng chẳng có bí quyết nào. Từ hồi trẻ tôi đã không ở yên một chỗ, chắc ơn trên cho mình khỏe hơn người khác. Tuổi này nhưng trí nhớ tôi tốt, những chuyện hồi xưa tôi vẫn nhớ phần lớn".
Trong chuyện ăn uống, bà cho biết mình "thèm gì ăn nấy" chứ không nhín nhút tiết kiệm. Bà lý giải: "Tay mình làm được thì không tiếc gì. Tôi cũng ngủ sớm, như bây giờ 8h tôi đi ngủ rồi".
Khác với những người già làn da thường sẽ đồi mồi, da bà vẫn mịn màng, trắng trẻo, chỉ in nếp nhăn theo dấu thời gian. Bà nói: "Tôi không dùng mỹ phẩm bao giờ, kể cả sữa rửa mặt. Tôi sợ dùng khi già da sẽ lão hóa. Đồ đạc nhiều nhưng tôi cũng lười sửa soạn...".
Nói về những năm tháng sắp tới, bà cười, nói rằng có con cái bên cạnh thì mình không lăn tăn gì nữa. Con bà hay nói vui rằng đời người có hai cái 50 năm, bà tính có thêm 50 năm nữa. Bà nhìn ra sân, mấy người con đã tụ về. "Mau vào cơm tối, nay mẹ hầm mấy ký xương, làm gỏi, chả giò... ngon lắm", bà nói với gương mặt hài lòng.
Ký ức đẹp về Đà Lạt
Đối với bà Hương, Đà Lạt mang vẻ đẹp yên bình, không khí mát mẻ và con người hiền hòa. Đất cũ đãi người mới, bao năm lập nghiệp, bà được xứ sở này dung chứa và có một cơ ngơi tốt đẹp.
Ngôi nhà của bà Hương từng là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ sinh viên Đại học Đà Lạt. Trước đây, anh Hoàng thường đưa bạn bè, em út cùng trường về ăn cơm "trường kỳ", được bà đối đãi như người trong nhà. Thi thoảng, một số người tóc đã điểm bạc quay lại thăm bà.
________________________________________________________________
Người xưa có câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Nhưng dẫn lời ấy vào trường hợp cụ Nguyễn Đình Tư, thật chưa được hợp khi năm nay tuổi cụ đã 103. Mà nếu có ai chưa rõ tuổi cụ, lỡ buông lời "Kính chúc cụ sống lâu trăm tuổi", e cũng lỡ trớn quá!
Kỳ tới: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, người hiền hậu bách niên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận