28/04/2023 10:22 GMT+7

'Phạt' học sinh đọc sách: Ý tưởng hay để xây văn hóa đọc

Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) yêu cầu những học sinh phạm lỗi phải đọc sách, viết cảm nhận. Hình thức xử phạt này được dư luận quan tâm tán thành nhưng cũng nhận về những ý kiến trái chiều.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân chăm chú đọc sách trong giờ “phạt đọc sách viết cảm nhận” - Ảnh: MỸ DUNG

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân chăm chú đọc sách trong giờ “phạt đọc sách viết cảm nhận” - Ảnh: MỸ DUNG

Những học sinh nằm trong diện "đọc sách viết cảm nhận" là những em vi phạm nhiều lỗi về nội quy, quy định của nhà trường và cần một hình phạt cụ thể để các em có thể "thấm" và sửa lỗi.

Trước đây, nhà trường sẽ phạt những em học sinh phạm lỗi bằng yêu cầu dọn dẹp vệ sinh, chép phạt... 

Nhưng mới đây, trường thay thế hình phạt bằng cách yêu cầu các em ngồi yên đọc sách 45 phút và có thời gian hai ngày để hoàn thành và nộp những bài cảm nhận cho nhà trường. Qua đó, trường mong muốn làm dày thêm văn hóa đọc cho học sinh.

Tâm trạng của những học sinh bị phạt

Thông thường, những học sinh khi phạm lỗi, bị phạt do phạm lỗi sẽ cảm thấy ái ngại về việc người khác biết về lỗi của mình. 

Lạ một điều, tháng 4, giữa cái nắng oi nồng, bỏng rát của cao điểm mùa nắng tại TP.HCM, nhiều học sinh trong số 22 em vừa bị phạt "đọc sách" viết cảm nhận đó ở Trường THPT Bùi Thị Xuân lại tỏ ra vô cùng hớn hở khi tiếp xúc với phóng viên báo Tuổi Trẻ.

"Đây là lần đầu tiên em nằm trong danh sách bị phạt như thế này. Dù bài cảm nhận viết ra sau khi em đọc sách vẫn cần đưa cho cha mẹ em ký tên như em không cảm thấy đây là một hình phạt. 

Em rất vui khi được ngồi trong phòng đọc sách. Em làm bài cảm nhận thì thấy giống như mình đang viết bài văn nghị luận vậy", em Khánh Ngọc, học sinh lớp 11A15, chia sẻ.

Khánh Ngọc cho biết hôm thực hiện hình phạt, học sinh được đưa lên phòng hội trường, giáo viên sẽ đưa các loại sách về hạt giống tâm hồn, về đạo đức, các tấm gương... và các em có thể chọn sách để đọc. 

"Không gian tĩnh lặng, có thời gian để chúng em suy ngẫm và cuốn vào những điều mình thích. Ở những nơi tự do, chúng em suốt ngày chỉ thích làm bạn với điện thoại, iPad, giờ em thấy sách cũng có những điều thú vị", Khánh Ngọc tâm sự.

Không chỉ Khánh Ngọc, một nam sinh theo học các môn khoa học tự nhiên tên Trường cũng cho biết dù viết cảm nhận không phải là thế mạnh của em nhưng em vẫn thấy "không khó khăn gì khi thực hiện hình phạt này". "Giờ em thích sách hạt giống tâm hồn hơn rồi", Trường nói.

Các em cảm thấy hình phạt này thú vị là mình thành công. Tôi cũng muốn hình phạt này giúp các em có những giờ không bị phụ thuộc vào thiết bị điện tử.
Thầy HUỲNH THANH PHÚ (hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân)

Xây thói quen đọc sách hay tác dụng ngược?

"Tôi không ngờ lại thu hoạch được... nhiều bài văn có cảm nhận sâu sắc đến thế. Chỉ có 22 học sinh bị phạt nhưng chúng tôi lại thu hoạch được mấy chục bài văn, bài dịch của học sinh. 

Lạ một điều là sau khi trường triển khai hình thức phạt này, nhiều học sinh... chỉ bị phạm lỗi một lần cũng đến để xin và mong muốn được trải nghiệm... cảm giác thực hiện các bài phạt", cô Trương Thị Trị, tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân, kể với Tuổi Trẻ.

Liệu cách thức xử phạt này có thể nhân rộng ở các điểm trường khác? Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số trường THPT cho rằng cách thức này phải tùy đối tượng học sinh mà áp dụng.

Hơn nữa, hiệu trưởng một số trường không đồng tình với... việc đem sách ra để làm hình phạt với học trò. Theo họ, việc này có thể khiến học sinh ngày càng thiếu thiện cảm với sách.

"Tôi phản đối việc đưa sách vở, học tập làm một hình phạt đối với học sinh. Nhu cầu đọc sách của học sinh phải là nhu cầu tự thân thì mới tốt được chứ bắt phạt học sinh đọc sách viết cảm nhận thì dễ mang lại cho học sinh tác dụng ngược.

Khi trường nói với học sinh phạt các em đọc sách, lâu dài các em sẽ có cảm giác sách như một hình phạt, có thể khiến một số em vốn đã không thân thiện với việc đọc sách trở nên chán nản hơn. Tôi không đồng ý dùng từ phạt trong đọc sách là vì thế. Các trường có thể dùng những biện pháp khác để tăng tính hấp dẫn cho sách để kéo học sinh đến với sách.

Ví dụ, tạo môi trường hấp dẫn như trang hoàng, làm khảo sát về nhu cầu đọc sách từ đó tăng các thể loại sách mà học sinh thích để kéo các em đến với sách", hiệu trưởng một trường THPT bình luận với Tuổi Trẻ.

Chúng em suốt ngày chỉ thích làm bạn với điện thoại, iPad, giờ em thấy sách cũng có những điều thú vị.
Học sinh KHÁNH NGỌC

Sau trò đọc, trò viết... sẽ đến thầy kể, bổ sung sách

Giải thích về việc áp dụng hình phạt "đọc sách, viết cảm nhận" tại trường, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng "trường muốn có một hình thức phạt để cho học sinh thấm, phù hợp với các em, phù hợp với thời đại và định hướng giáo dục của nhà trường hơn".

"Chúng tôi cũng định hướng hình thức phạt này với mong muốn phát triển văn hóa đọc trong trường học cho các em. Làm được gì trường sẽ làm, thấm được gì tới các em cũng tốt, mỗi ngày, mỗi tuần các em thấm một chút từ sách, 1.000 ngày ở Trường Bùi Thị Xuân cũng giúp các em thấm được nhiều điều hay, lan tỏa tình yêu với sách", thầy Phú nói.

Theo kế hoạch của trường này, sau khi cho học sinh phạt bằng hình thức đọc sách, viết cảm nhận; nhà trường sẽ tuyển những bài viết tốt của học sinh để đưa vào tuyển tập trong thư viện trường.

Đồng thời, nhà trường cũng theo dõi hiệu quả của việc này bằng cách mỗi tuần trường sẽ kể, giới thiệu một câu chuyện hay vào giờ chào cờ. Trường cũng sẽ làm phong phú kho sách trong thư viện cũng như tạo ra các góc đọc sách trong nhà trường.

"Các em cảm thấy hình phạt này thú vị là mình thành công. Tôi cũng muốn hình phạt này giúp các em có những giờ không bị phụ thuộc vào thiết bị điện tử", thầy Phú nói.

Nhận xét về việc để học sinh đọc sách và viết cảm nhận thay cho lao động công ích, cô Lê Thanh Giang, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho rằng đây là một hình thức phạt mang tính nhân văn và phù hợp với việc giáo dục học sinh theo hướng tích cực.

"Không những thế, tiếp xúc lâu dần với sách, học sinh cũng có thể bồi dưỡng thêm về văn hóa đọc, về cách làm bạn với sách và sách cũng có tính chữa lành đối với tâm hồn đang vốn nhạy cảm của tuổi mới lớn", cô Thanh Giang nói.

Văn hóa đọc chưa hề bị mai một hay "chết đi"Văn hóa đọc chưa hề bị mai một hay 'chết đi'

Các bạn trẻ hoàn toàn biết giá trị mà văn hóa đọc mang lại nhưng các bạn lại chưa có đủ lý do và động lực để kiên trì đọc, Nguyễn Hữu Phước - người sáng lập dự án cộng đồng mang tên Lang Thang - chia sẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên