Anh Nnadozie Uzor Nadis phát khẩu trang cho người dân ở TP.HCM - Ảnh: Nam Đen/Afro Viet TV
Họ là ba trong số nhiều người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam và mong muốn đóng góp vào phong trào chống dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Sản xuất thiết bị y tế miễn phí
Anh Rafael Masters, người Anh, sống ở Việt Nam gần 11 năm và là một trong hai nhà sáng lập Công ty Vulcan Augmetics, hoạt động trong mảng công nghệ phần cứng và phục vụ cho cộng đồng người khuyết tật.
Rafael đã đứng ra kêu gọi thành lập một "biệt đội" kỹ sư Việt chống virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 gồm những người có khả năng sử dụng máy in 3D, máy CNC (dùng máy tính điều khiển các bộ phận kim khí phức tạp), lập trình Arduino... để cùng nhau sản xuất các thiết bị mà các bệnh viện ở Việt Nam đang cần.
Rafael tâm sự với Tuổi Trẻ rằng dịch bệnh đang hoành hành ở quê nhà và tác động không nhỏ đến "quê hương thứ hai" Việt Nam đã thôi thúc anh sử dụng chuyên môn của mình đóng góp cho cộng đồng.
Công ty anh có xin được một khoản ngân sách từ các nhà tài trợ để trong thời gian tới, dự báo nhiều máy móc thiết bị y tế bị hư hỏng thì phía công ty anh có thể sản xuất các linh kiện thay thế hoàn toàn miễn phí.
Rafael nhấn mạnh bản thân anh chỉ có vai trò kêu gọi ban đầu và chia sẻ những thiết kế tốt để mọi người hoạt động trong một cộng đồng chung bao gồm: kỹ sư, nhà sản xuất, bác sĩ, tình nguyện viên.
Chàng trai người Anh cho biết thêm ở Mỹ, do thiếu một số thiết bị bảo hộ, như mặt nạ bảo hộ, ngành y tế đã kêu gọi những người biết về kỹ thuật in 3D in chúng. Ở Ý, các công ty in 3D đã sản xuất được van thở cho bệnh nhân khi phải thở oxy nhờ công nghệ 3D.
"Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt, tuy nhiên chúng ta cần trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu tình hình tại Việt Nam vẫn ổn, thì các mẫu thiết kế và các trang thiết bị này đến khắp các nơi trên thế giới" - Rafael nói.
Rafael nhấn mạnh dự án là hoàn toàn phi lợi nhuận và kêu gọi những người trong lĩnh vực in 3D và tình nguyện viên cùng tham gia vào "biệt đội" kỹ sư Việt chống virus corona.
Phát khẩu trang miễn phí
Nghệ sĩ hài độc thoại Ben Betterby, sống ở TP.HCM, cho biết do dịch bệnh COVID-19, trong vài tháng tới anh sẽ cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt, "ở đâu yên đó" xem như một cách đóng góp cho nỗ lực chống dịch ở Việt Nam. Ben cho biết nhân lúc rảnh rỗi, anh sẽ tổ chức các lớp học tiếng Anh online miễn phí cho những người bạn Việt Nam.
"Học viên không cần điều kiện gì ngoài điều kiện cam kết muốn học và tiến bộ hơn về tiếng Anh. Đây cũng là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam tự thử thách mình trong việc học online, ứng dụng công nghệ trong việc học... và cảm thấy tự tin và sẽ quen dần việc học onine hơn" - Ben nói.
Giống Ben Betterby, nhiều người nước ngoài đang sống ở Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng mình nên ở nhà, tránh đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm bệnh, đỡ vất vả cho lực lượng phòng chống dịch.
Anh Nnadozie Uzor Nadis, người Nigeria, sống ở TP.HCM, cho biết trong hai ngày 15 và 18-3 vừa qua, anh và một số người bạn người Việt của mình đã đi đến nhiều nơi để phát 500 khẩu trang miễn phí cho người dân.
Do nhận thấy có nhiều người còn chưa có ý thức đeo khẩu trang nơi công cộng, anh quyết định thực hiện hành động này để nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng của người dân thành phố.
"Chúng tôi mỗi người một đôi găng tay y tế, rửa tay bằng nước rửa tay rồi đến nhiều nơi phát tặng khẩu trang. Có nhiều người nhận nhưng cũng có người không lấy. Thấy một số người không đeo khẩu trang, tôi chạy theo đưa nhưng họ từ chối. Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề ngại hay không, đây là vấn đề bảo vệ sức khỏe của bạn và cộng đồng" - Nadis nói.
"Ở đâu yên đó" nghĩa là đóng góp rồi
Nadis sống ở Việt Nam hơn 10 năm và luôn coi đây là mái nhà thứ hai của mình. Anh bày tỏ mong muốn có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa.
"Dịch bệnh COVID-19 đã đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn ở đây trong khi virus corona chủng mới không phân biệt quốc tịch, già trẻ, ai cũng có thể nhiễm bệnh, vì vậy tôi cho rằng chúng ta cần sát cánh cùng nhau, ai có thể đóng góp gì thì đóng góp.
Không nhất thiết phải đóng góp bằng tiền, bạn chịu khó ở trong nhà, đừng đi ra ngoài cũng là đóng góp rồi. Hãy bảo vệ mình và những người xung quanh khỏi dịch bệnh" - chàng trai Nigeria chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận