Tìm hiểu chung về nghề lái xe
Có lẽ, công việc nhân viên lái xe đã không còn xa lạ gì trong cuộc sống, nhất là trong thời đại mà nhu cầu đi lại của con người ngày càng nhiều như hiện nay. Có 2 hình thức lái xe phổ biến trong xã hội đó là lái xe cho một tổ chức, doanh nghiệp hoặc lái xe tự do.
Đối với những nhân viên lái xe theo tổ chức, họ có thể chọn làm việc trong cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức tư nhân. Tùy thuộc vào năng lực và nguyện vọng của bản thân mà các ứng viên sẽ lựa chọn nơi làm việc phù hợp. Chưa kể, nghề lái xe cũng bao gồm đa dạng chủng loại khác nhau và các nhân viên lái xe tự do có thể chọn một trong các hình thức như: lái taxi, lái xe khách, lái xe tải, lái xe buýt, lái xe container,...
Nhân viên lái xe có thể chọn hình thức lái xe tự do hoặc lái xe theo tổ chức - Ảnh: Internet
Thực tế cho thấy, một nhân viên lái xe giỏi không phải là người chỉ biết chuyên tâm vào công việc lái xe mà còn phải biết cách bảo quản, vận hành phương tiện được giao, đảm bảo chiếc xe luôn hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng mọi yêu cầu từ cấp trên.
Mô tả công việc nhân viên lái xe
Công việc của nhân viên lái xe khá phức tạp, nó không chỉ đơn thuần là lái xe, điều khiển phương tiện được giao mà còn bao gồm nhiều công việc khác. Cụ thể như sau:
Kiểm tra các yếu tố kỹ thuật, hệ thống xe trước khi vận hành
● Kiểm tra tình trạng hoạt động của xe bao gồm: hệ thống thiết bị, máy móc như: hệ thống phanh – ga, đèn, còi, xi nhan, độ cứng lốp xe, xăng, gạt nước, dây an toàn, dầu, nhớt,... đảm bảo mọi thứ đều đạt yêu cầu trước khi cho xe khởi hành.
● Vệ sinh xe sạch sẽ.
● Trang bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết trên xe như hộp thuốc y tế, nước uống, khăn lạnh cho hành khách đúng theo tiêu chuẩn xe vận tải (xe khách du lịch hoặc xe khách đường dài).
● Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ xe, giấy tờ vận chuyển hàng hóa, danh sách hành khách đi trên chuyến xe và một số giấy tờ liên quan khác để trình cơ quan chức năng khi cần thiết.
Kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng xe trước khi vận hành - Ảnh: Internet
Đưa đón khách hàng, vận chuyển hàng hóa
Đây chắc chắn là công việc cũng như nhiệm vụ chính của một nhân viên lái xe. Cụ thể các công việc như sau:
● Tiếp nhận đơn hàng cần vận chuyển hoặc danh sách hành khách trong chuyến đi, kiểm tra vé xe, xác nhận tính chính xác về số lượng và tình trạng hàng hóa ký gửi hoặc hành lý của khách hàng, tránh phát sinh mâu thuẫn sau đó.
● Hỗ trợ sắp xếp vị trí chỗ ngồi cho hành khách, sắp xếp hành lý của khách hoặc hàng hóa đúng quy định, đảm bảo gọn gàng, an toàn và không bị xê dịch khi xe di chuyển.
● Trả khách và hàng hóa tại trạm dừng hoặc bến bãi theo đúng quy định, ký nhận, giao trả hàng hóa đầy đủ (nếu có).
● Xử lý các sự cố có thể phát sinh như mâu thuẫn giữa các hành khách, mâu thuẫn giữa hành khách với tài xế/phụ xe, thất lạc hành lý, hàng hóa, mất cắp tài sản,...
Thống kê và báo cáo
Thống kê và báo cáo cuối tháng là công việc rất cần thiết đối với cả nhân viên lái xe cho tổ chức và nhân viên lái xe tự do.
● Đối với nhân viên lái xe cho tổ chức: Bạn cần báo cáo các vấn đề như mức sử dụng nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe định kỳ (nếu có), chi phí mua bổ sung các công cụ, thiết bị cần thiết cho xe,... Ngoài ra, những trường hợp hỏng hóc xe do tai nạn hoặc đóng phạt do vi phạm luật giao thông cũng cần cập nhật trong bảng báo cáo để trình cấp trên và tìm ra phương án xử lý kịp thời.
● Đối với nhân viên lái xe tự do: Bạn cần thống kê, cập nhật báo cáo hàng ngày để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý. Bảng báo cáo bao gồm các mục như lộ trình di chuyển, biên bản ký giao và nhận hàng, hiệu suất sử dụng xe,...
Nhân viên lái xe cần thống kê và báo cáo hoạt động thường ngày để thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý - Ảnh: Internet
Một số công việc liên quan khác
● Tham gia các lớp đào tạo về nghiệp vụ lái xe để nâng cao trình độ, đảm bảo lái xe an toàn, tiếp nhận và xử lý tình huống nhanh chóng khi lái xe.
● Mang xe đến cơ sở bảo trì, bảo dưỡng định kỳ.
● …
Đánh giá một vài ưu điểm và hạn chế của nghề lái xe
Có thể nói, lái xe là một ngành nghề không bao giờ "lỗi thời" vì nhu cầu đi lại của con người ngày một tăng cao. Sau đây là một số đánh giá cơ bản nhất về nghề lái xe.
Ưu điểm
Dễ dàng tìm kiếm việc làm
Xã hội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, kéo theo đó, đời sống của con người cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Do đó, nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa là vô cùng lớn. Chính vì vậy, khi trở thành nhân viên lái xe, bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề thiếu việc làm.
Không đòi hỏi quá cao về bằng cấp, chỉ cần có bằng lái xe
Đặc điểm của nghề lái xe là không đòi hỏi quá cao về bằng cấp như những ngành nghề khác. Điều kiện tiên quyết là bạn phải có giấy phép lái xe theo đúng quy định. Bên cạnh đó, để phát triển xa hơn trong nghề này, bạn cần phải tham gia nhiều khóa học tương đương với từng hạng xe như: xe tải, xe taxi, xe khách,...
Nghề lái xe mang lại những cơ hội gì? - Ảnh: Internet
Thời gian học nghề nhanh chóng
Với mỗi khóa học lái xe, bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 3 – 6 tháng để hoàn thành và sau đó thi lấy bằng. Khi đó, bạn hoàn toàn có thể xin việc làm tài xế và trở thành một nhân viên lái xe hợp pháp.
Hạn chế
Bên cạnh những mặt lợi thì nghề lái xe cũng tồn tại một vài điểm hạn chế nhất định. Không thể phủ nhận, lái xe là một nghề đầy khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Bạn thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng khi phải đối mặt với các vấn đề như: ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, những tình huống bất ngờ trong quá trình lưu thông,...
Hơn nữa, các tài xế lái xe cũng thường rơi vào tình trạng thiếu ngủ do tính chất công việc. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề an toàn khi lái xe. Tuy nhiên, những nhược điểm kể trên vẫn có thể khắc phục được nếu bạn trang bị cho bản thân một kỹ năng lái xe tốt, hiểu rõ Luật Giao thông, giữ bình tĩnh trong mọi tình huống,...
Một số mặt hạn chế trong nghề lái xe - Ảnh: Internet
(Còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận