05/06/2018 10:34 GMT+7

Nhà máy thép gây ô nhiễm, lại tính chuyển lên đầu nguồn?

LÊ KIÊN – T.B.DŨNG
LÊ KIÊN – T.B.DŨNG

TTO - Nêu chuyện các nhà máy thép đặt ngay các khu dân cư, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cảnh báo thông tin một nhà máy thép trong số này còn đang tính dời lên thượng nguồn.

Nhà máy thép gây ô nhiễm, lại tính chuyển lên đầu nguồn? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) - Ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà sáng 5-6, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) nêu câu hỏi về việc hạn chế nhập các chất thải làm nguyên liệu từ ngoài nước vào các nhà máy trong nước.

"Hiện Việt Nam đang có rất nhiều nhà máy thép đang sử dụng nguồn nguyên liệu này, không loại trừ trong đó thậm chí cũng có những chất rất nguy hại. Chúng ta không chấp nhận việc biến đất nước chúng ta thành bãi tập kết rác nguy hại", đại biểu Dũng nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình việc nói không với nhập khẩu phế liệu, trong đó có nguyên liệu độc hại như phục vụ sản xuất thép, túi nilông, nhựa...

"Riêng nhóm nguyên liệu sản xuất thép thì hiện chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được đầu vào. Về việc nhà máy thép gây ô nhiễm, nằm ngay đầu nguồn và gần khu vực dân cư như nhà máy Thép Việt - Pháp hay nhà máy ở Đà Nẵng mà đại biểu nêu là gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta cần xem xét lại việc bố trí vị trí các nhà máy đó, nơi nào nằm gần khu dân cư thì phải có giải pháp để hạn chế gây ảnh hưởng", ông Hà nói.

"Về lâu dài chúng ta cần rà soát lại danh mục phế liệu nhập vào trong nước. Tôi cũng thừa nhận rằng hiện năng lực công nghệ của chúng ta có lẽ không đủ để xử lý loại chất thải trên, cho nên quan điểm là cần nói không với việc nhập phế liệu".

Nhà máy thép gây ô nhiễm, lại tính chuyển lên đầu nguồn? - Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhân đó cảnh báo vấn đề mới phát sinh: Nhà máy Dana Ý  ở TP Đà Nẵng không chỉ ô nhiễm về khói bụi mà còn ô nhiễm về nguồn nước. Để giải quyết và đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người dân, chính quyền đã hết sức vất vả trong nhiều thời gian qua.

"Khi mà Đà Nẵng chưa giải quyết xong thì ở tỉnh Quảng Nam thì lại đang có thông tin là sẽ di dời nhà máy Việt - Pháp về phía thượng nguồn, trong khi phía dưới là rất nhiều khu vực dân cư, hệ thống nguồn nước dẫn từ thượng nguồn về", đại biểu Sơn nói.

"Cử tri và người dân Quảng Nam đang hết sức lo lắng về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với các nhà máy thép này".

Trả lời câu này, bộ trưởng Trần Hồng Hà nói nếu nhà máy đặt sai vị trí thì bộ không thể xử lý được mà thuộc thẩm quyền của địa phương.

"Việc nhà máy thép Dana Ý đặt sai vị trí thì TP Đà Nẵng cần xem xét kỹ câu chuyện quy hoạch, nơi bố trí nhà máy", ông Trần Hồng Hà nói.

Còn việc nhà máy thép Việt - Pháp mà đại biểu nêu là đang có hướng di chuyển lên thượng nguồn tỉnh Quảng Nam thì bộ trưởng Trần Hồng Hà nói ông chưa nắm cụ thể vị trí dự kiến của nhà máy. Nhưng ông nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ chỉ liên quan đến vấn đề chất thải mà nhà máy đưa ra môi trường.

Hai nhà máy thép ở Đà Nẵng được hoạt động thêm 6 tháng Hai nhà máy thép ở Đà Nẵng được hoạt động thêm 6 tháng

TTO - 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng được phép hoạt động trở lại từ hôm nay 26-3. Sau 6 tháng, 2 nhà máy sẽ phải đóng cửa hoàn toàn.

LÊ KIÊN – T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên