Phó chủ nhiệm Ủy Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: B.D
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngoài hàng lang kỳ họp tại ngày bế mạc, phó chủ nhiệm Ủy Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định tất cả những gì mà Quốc hội đã làm cũng mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân. Đã có những việc cố tình lợi dụng các điểm nhạy cảm trong luật để bóp méo, kích động gây rối.
* Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu được đề cập tại kỳ họp vừa qua đã gây ra những ý kiến đặc biệt lo ngại trong nhân dân. Những ý kiến đó có tới tai được các đại biểu Quốc hội không?
Đại biểu Quốc hội là đại diện cho cử tri. Tất cả các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe các ý kiến của nhân dân, kể cả những vấn đề chưa đồng thuận, rồi những vấn đề nhân dân gửi gắm bằng điện thoại hay tiếp xúc trực tiếp.
Cử tri cho rằng chưa nên thông qua Luật về đặc khu kinh tế để có thời gian xem xét nghiêu cứu, để làm sao chúng ta có một bộ luật hoàn chỉnh đi vào lòng dân, đảm bảo sự phát triển kinh tế của đất nước - thì Quốc hội cũng đã lắng nghe và dừng lại rồi. Luật này sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để thông qua vào kỳ họp sau - khi đủ điều kiện.
Tôi cho rằng cử tri và nhân dân cả nước hết sức bình tĩnh. Chúng ta có Đảng lãnh đạo, có người đại diện là đại biểu Quốc hội thì chúng ta cũng không nên nóng vội bởi những câu chuyện như vậy.
* Để xảy ra những sự việc rất đáng tiếc tại Bình Thuận, TP.HCM, Khánh Hoà... vừa qua phải chăng ý kiến của dân đã không được Quốc hội lắng nghe?
Tôi nghĩ rằng tất cả những việc như vừa qua không phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân mà đây là do tác động của một số đối tượng quá khích. Tôi cũng cho rằng có thể đã có những đối tượng khác đã can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta.
Cử tri và nhân dân cả nước cần hết sức bình tĩnh. Mỗi người hãy gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình vào các đại biểu để đại biểu Quốc hội để các đại biểu truyền đạt tới Quốc hội; đồng thời báo cáo lại với Đảng, Nhà nước để xử lý nếu còn khúc mắc.
Tại sao chúng lại đi phá, đập? Việc đi phá như thế chính là chúng ta đang phá tài sản của nhân dân. Tất cả tài sản của nhà nước là của nhân dân.
* Ông nói rằng Quốc hội đã cố gắng hết sức để lắng nghe ý kiến bà con nhân dân, cử tri. Ví dụ nào tại kỳ họp này để chứng minh sự cầu thị, tiếp thu và lắng nghe đó?
Để xảy ra những sự việc như vừa qua tôi thấy rằng rất đáng tiếc. Nếu bà con mà có vấn đề gì bức xúc thì cứ phản ánh với Quốc hội, với Đảng, Nhà nước, với cơ quan chính quyền.
Đảng, Quốc hội và Nhà nước không ai nghĩ rằng xây dựng một bộ luật mà lại để ảnh hưởng tới người dân. Điều đó đại biểu Quốc hội cũng hoàn toàn không mong muốn. Chúng ta phải nghĩ đến điều đó và tôi cũng khẳng định rằng tất cả các đại biểu Quốc hội đã làm tất cả vì nhân dân. Chúng tôi cũng hứa là tiếp tục làm hết mình để tránh những cái tác động, ảnh hưởng tới người dân.
Một ví dụ cụ thể tại kỳ họp này là trong vòng 24 tiếng đồng hồ khi Quốc hội nhận được tờ trình của Chính phủ về hướng xử lý lương hưu cho phụ nữ về hưu từ 1-1-2018 bị thua thiệt so với nam giới. Lúc nhận được tờ trình, Quốc hội đã cho xử lý ngay. Và như đã thấy là ngay trong phiên bế mạc ngày 15-6 Quốc hội đã ra nghị quyết, trong nghị quyết này cũng có nêu là giao cho Chính phủ xử lý việc đó.
Nói như thế để thấy rằng Quốc hội đã luôn suy nghĩ đến dân, dù chỉ còn một tiếng hay hai tiếng để chuẩn bị cho ý kiến vào nghị quyết thì Quốc hội cũng đã cố gắng để làm để hết trách nhiệm.
* Những vụ việc xảy ra ở các địa phương vừa qua thì quan điểm của ông và các đại biểu Quốc hội là sẽ xử lý như thế nào?
Tôi nghĩ rằng chúng ta có pháp luật thì chúng ta phải xử lý đối với những trường hợp không chấp hành các quy định. Chống tham nhũng chúng ta cũng xử lý người có trách nhiệm rất cao, những người ở vị trí đứng đầu. Còn người dân mà vi phạm thì cũng phải xử lý như thế, theo đúng quy định.
Việc xử lý đó không chỉ để răn đe người trực tiếp tham gia mà còn răn đe cả những người khác, để họ không nên hùa theo những ý kiến tự do mà làm ảnh hướng đến đời sống nhân dân, phá hoại tài sản của nhà nước.
* Được biết ông cũng là đại biểu ủng hộ việc thông qua Luật An ninh mạng. Vậy cảm nhận của ông như thế nào khi cùng các đại biểu xây dựng và cho ý kiến các bộ luật tại kỳ họp này?
Khi xây dựng Luật An ninh mạng thì Quốc hội cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tổ chức cá nhân trên không gian mạng. Mục tiêu của chúng ta là bảo vệ nhân dân chứ làm gì có chuyện làm ra một luật mà lại điều chỉnh để cho tổ chức người dân chịu ảnh hưởng của luật pháp? Đó là điều không được phép.
Cho nên tôi nghĩ rằng các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Còn có ý kiến nói rằng sẽ ảnh hưởng thế này thế kia thì việc đó là do cơ quan tổ chức thực hiện, chúng ta sẽ lý đối với những người không làm đúng chức trách nhiệm vụ. Còn Luật An ninh mạng thì chúng ta hoàn toàn có căn cứ để khẳng định đây là việc bảo vệ tốt nhất cho người dân doanh nghiệp, cá nhân.
* Nhiều đại biểu và cử tri đã cảm nhận rất tốt về bản chất của Luật An ninh mạng. Nhưng đạo luật này lại bị bóp méo một cách thảm hại trên mạng xã hội, vô tình làm người dân bức xúc. Có vẻ như các điểm "nhạy cảm" nhất đã được lợi dụng triệt để để chống phá trong khi việc tuyên truyền, giải thích cho dân của chúng ta thì chưa tốt?
Đúng như thế. Làm luật là phải có quy trình. Luật chúng ta khi ban hành ra thì phải qua hai bước gồm cho ý kiến lần đầu và lấy ý kiến lần thứ hai. Sau đó mới thông qua. Trong quá trình làm luật cũng phải tham vấn ý kiến của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động của pháp luật.
Chính vì lẽ đó chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động và giải thích cho người dân, các đối tượng bị luật chi phối, đồng thời lấy ý kiến của họ để làm sao khi luật ra đời thì phải thoả mãn được nguyện vọng của các đối tượng chịu sự tác động của pháp luật.
Nếu chúng ta làm tốt được việc đó thì lẽ sẽ không xảy ra những câu chuyện về việc người dân không hiểu biết pháp luật khi các luật được thông qua.
* Vậy qua kỳ họp có nhiều biến cố này Quốc hội đã rút ra được điều gì, đặc biệt là quy trình xây dựng ban hành luật?
Quốc hội phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến dự thảo luật và lấy ý kiến, giải thích cho người dân hiểu.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng - Ảnh: B.D
"Phải có sự hiện diện mạnh mẽ, chính thống của Quốc hội, Nhà nước trên Facebook"
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng một trong những lí do mà người dân tin những dòng thông tin bị bóp méo về Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng để rồi có những phản ứng tiêu cực trong những ngày diễn ra kỳ họp thứ 5 là việc thông tin chính thống của Quốc hội, Nhà nước đã chưa được hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội.
"Tôi có cảm nhận rằng chúng ta vẫn còn chưa coi trọng việc tuyên truyền trên không gian mạng. Trong khi đó hiện nay số tài khoản facebook của người dân nước ta đã lên tới hàng chục triệu; đó là một thế giới mà hầu như rất nhiều người dân đã tiếp nhận, sử dụng và tương tác trực tiếp, lấy thông tin từ trên đó" - ông Sơn nói
Ông Sơn cũng đồng tình ý kiến rằng những điểm "nhạy cảm" vốn không khái quát lên tinh thần của các bộ luật như An Ninh mạng, Luật Đặc khu hành chính... nhưng đã được các thế lực chống phá khai thác triệt để, từ đó bóp méo để thực hiện ý đồ chính trị.
Trong khi đó chúng ta lại chưa tương tác với dân, giải thích rõ sự thật đó - trên kênh mà người dân chúng ta đang tiếp nhận thông tin. Khi mà thiếu thông tin chính thức, cộng với đánh trúng "điểm huyệt", tận dụng bóp méo triệt để các nội dung nhạy cảm - thì hậu quả là có những vụ việc xảy ra ở các địa phương mấy ngày qua gây thiệt hại rất lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận