26/07/2020 12:34 GMT+7

Nguồn cơn căng thẳng Mỹ - Trung

Tiến sĩ STEWART PATERSON - NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ
Tiến sĩ STEWART PATERSON - NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ

TTO - Tiến sĩ Stewart Paterson - nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, tác giả cuốn Trung Quốc, thương mại và quyền lực: Vì sao cam kết kinh tế của phương Tây thất bại - gửi Tuổi Trẻ bài lý giải căng thẳng Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đến ASEAN.

Nguồn cơn căng thẳng Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: Bloomberg

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, thế giới đã chuyển từ hợp tác kinh tế vô điều kiện với Trung Quốc sang con đường có thể dẫn đến các nỗ lực nhằm cô lập Trung Quốc về kinh tế: từ toàn "củ cà rốt" đến toàn "cây gậy".

"Cây gậy" tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, "củ cà rốt" tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng. Dù đây hoàn toàn không phải cách tiếp cận lý tưởng, nhưng nó phản ánh thực tế hiện nay.

Sự phản kháng của ông Trump

Trong suốt ba thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc đã chứng kiến quan hệ kinh tế giữa hai bên ngày một khắng khít. Động cơ để Mỹ hợp tác cùng Trung Quốc là đảm bảo một Trung Quốc giàu có hơn sẽ là một thành viên có trách nhiệm của trật tự toàn cầu, và rằng Trung Quốc sẽ góp phần duy trì giá trị của nền pháp quyền.

Động cơ để Trung Quốc mở cửa là thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa nước này và phương Tây, kiếm đôla Mỹ để chi trả cho nhập khẩu, nâng giá trị đồng tiền riêng - nhân dân tệ, và phát triển nền tảng công nghiệp nhờ phát triển theo định hướng xuất khẩu.

Dưới thời của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình để giành lấy lợi ích quốc gia và chiếm lấy vị trí trung tâm mà giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ họ xứng đáng nhận được trong hệ thống kinh tế và địa chính trị của châu Á, thậm chí có thể là toàn cầu.

Khát vọng bá chủ khu vực và toàn cầu, "giấc mơ Trung Hoa" hay "hồi sinh dân tộc" như cách Trung Quốc gọi, sẽ đưa Trung Quốc đến xung đột không thể tránh khỏi với phần còn lại: các nước láng giềng; bá chủ thế giới hiện nay (Mỹ); và những nơi không chia sẻ giá trị của Trung Quốc - các nền dân chủ tự do như Liên minh châu Âu (EU).

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã khơi mào hướng tiếp cận thực tiễn và mạnh mẽ hơn đến Trung Quốc. Rõ ràng dưới thời của ông Tập, Trung Quốc không hội tụ đủ các chuẩn mực toàn cầu.

Các chính quyền Mỹ trước đây đã đánh giá thấp sức mạnh ngày một lớn của Trung Quốc, đồng thời quá tự tin vào tác động của các cải cách kinh tế tới cấu trúc chính trị và xã hội.

Các đời chính quyền Mỹ đã liên tiếp thất bại trong việc xây dựng một hệ thống công bằng dựa trên pháp luật cho sự hội nhập kinh tế, thay vào đó chọn làm ngơ trước tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ. Họ làm ngơ trước sự bất đối xứng trong cơ hội tiếp cận thị trường, cũng như cải cách kinh tế thất bại của Trung Quốc trong việc hạn chế hoạt động của các hãng quốc doanh.

Bắc Kinh tiếp tục nắm toàn quyền trong việc quyết định sự vận động của nền kinh tế Trung Quốc. Tại đây không có sự chuyển đổi ý thức hệ sang hệ thống thị trường, mà chỉ tồn tại sự nhận thức mờ nhạt rằng doanh nghiệp tư nhân có thể được tận dụng để xây dựng nền kinh tế, từ đó xây dựng sức mạnh của nhà nước.

Dù vậy, sự phản kháng của ông Trump trước các hành vi kinh tế đầy tính bắt nạt này đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc tái đánh giá hoàn toàn quan hệ Mỹ - Trung và tương lai các trật tự an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

COVID-19, bằng việc khiến thế giới nhìn về Trung Quốc như nguồn phát của đại dịch toàn cầu, đã làm sáng tỏ những điểm thiếu sót của Trung Quốc về hệ thống giá trị, cũng như tô đậm mối đe dọa từ việc cho phép Trung Quốc thống trị nền sản xuất toàn cầu.

TS Stewart Paterson

Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô "dọn nhà"

0001vq63e-15956575911721966325666 2(read-only)

Nhân viên gỡ phù hiệu Mỹ tại tổng lãnh sự quán ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 25-7 - Ảnh: AFP

Hãng tin AFP tường thuật các nhân viên tại tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đang bận rộn thu xếp đồ đạc và gỡ bỏ phù hiệu Mỹ khỏi tòa nhà cơ quan này ngày 25-7, một ngày sau khi Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa nơi đây để trả đũa việc Mỹ yêu cầu đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas.

Trong cuộc họp báo qua điện thoại rạng sáng cùng ngày, một quan chức cấp cao trong Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định rằng không chỉ tổ chức đưa các binh sĩ vào Mỹ dưới mác thường dân, tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston còn chỉ đạo các đối tượng này lẩn trốn và cản trở điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), và liên tục tiếp cận các nhà khoa học địa phương, định hướng họ các thông tin cần thu thập và dụ dỗ họ chuyển cho Trung Quốc.

ASEAN cần hợp tác

Hành vi bành trướng và xét lại của Trung Quốc tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và dãy Himalaya đã đem đến cho khu vực và cả thế giới sự thật rằng các biên giới quốc gia và trên biển không phải là những vấn đề "bất di bất dịch" dưới con mắt của chính quyền ông Tập.

Vậy, điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á?

Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách phải nhận ra rằng vấn đề sẽ không biến mất cho đến khi Trung Quốc tôn trọng sự khác biệt và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Các láng giềng của Trung Quốc là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chủ nghĩa bành trướng của nước này, đồng thời phải dẫn đầu trong việc thiết kế chính sách để tránh xung đột và bảo toàn sự ổn định của khu vực.

Thứ hai, từng quốc gia châu Á riêng lẻ đều không phải đối thủ của Trung Quốc. Và để tăng cường sự phát triển sự thịnh vượng của khu vực, các nước láng giềng của Trung Quốc nên thúc đẩy hợp tác cùng nhau theo hướng sâu sắc hơn. ASEAN đã có sẵn những đối tác khu vực như Nhật, Úc và Ấn Độ, cũng như các đối tác toàn cầu như Mỹ, Anh và châu Âu. Hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) đã giúp châu Á rất tốt trong 40 năm qua.

Thứ ba, chúng ta phải hiểu rằng hệ thống kinh tế khu vực và toàn cầu vắng bóng Trung Quốc trong thời hiện đại sẽ bình thường hơn là có Trung Quốc: 20 năm qua là một ngoại lệ. Nếu cái giá phải trả cho việc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc là sự phân tách trong nền kinh tế thế giới giữa Trung Quốc cùng đồng minh và phần còn lại của thế giới cũng là điều xứng đáng. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng chỉ chiếm 15% GDP toàn cầu. Phần 85% còn lại các nước cần hợp lực để bảo vệ.

Các chính sách công nghiệp của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích riêng bất cứ khi nào có thể và chủ nghĩa bành trướng tân thực dân của họ đang được thực hiện thông qua sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Trung Quốc không mấy thiết tha tới hệ thống thương mại ổn định và có lợi ích chung cho toàn cầu, mà cốt lõi đi theo chủ nghĩa trọng thương.

Sự hợp tác giữa các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc kiềm hãm các mối đe dọa từ nước này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cơ hội cho những thành quả kinh tế khi thay thế một số vai trò của Trung Quốc dưới tư cách "công xưởng thế giới" sẽ vượt qua cái giá phải trả để xây dựng một khu vực ổn định và bền vững.

Đừng mong Nga chống Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24-7 nhấn mạnh những phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về khả năng kéo Nga vào chiến dịch chống lại Trung Quốc là "một nỗ lực quá ngây thơ: nhằm làm phức tạp mối quan hệ đối tác Nga - Trung và chia rẽ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước".

Bà Zakharova khẳng định Matxcơva sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với Bắc Kinh bởi Trung Quốc là "nhân tố cơ bản cho sự ổn định và an ninh thế giới", theo Tass.

Nga nói Mỹ Nga nói Mỹ 'ngây thơ', đừng mong lôi kéo Nga chống Trung Quốc

TTO - Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ thất bại nếu muốn kích động một cuộc đụng độ giữa Nga và Trung Quốc. "Những phát ngôn của ông Pompeo là một nỗ lực quá ngây thơ", người phát ngôn Maria Zakharova nêu quan điểm.

Tiến sĩ STEWART PATERSON - NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên