19/06/2018 10:20 GMT+7

Người dùng điện thoại ở VN không khổ mà là... quá khổ!

ĐẠI LÂM
ĐẠI LÂM

TTO - Hết chụp ảnh chân dung, giờ đây thuê bao di động lại chuẩn bị chuyển 11 số thành 10 số. Và, liệu trong thời gian tới, khi thực tiễn bộc lộ thêm những bất cập mới, liệu lại ra thêm các quy định hay điều chỉnh nào nữa không?

Người dùng điện thoại ở VN không khổ mà là... quá khổ! - Ảnh 1.

Trên đây là trăn trở của bạn đọc Đại Lâm xung quanh sự thay đổi xoành xoạch của cơ quan quản lý thuê bao điện thoại di động.

Nhằm góp thêm một góc nhìn chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này.

"Đọc bài báo chuyển 11 số thành 10 số, thuê bao di động lại khổ, tôi thấy người dùng điện thoại nước ta không những khổ mà là quá khổ vì sự không ổn định, thường xuyên thay đổi cách quản lý của các cơ quan chức năng.

Trước mỗi một thay đổi là những hứa hẹn chắc như đinh đóng cột của cơ quan quản lý là mọi thứ sẽ tốt hơn nhưng rồi tốt đâu chưa thấy thiệt hại đã thấy rồi.

Tin nhắn rác vẫn còn, nhà mạng vẫn đi bán sim tận từng quán cà phê, từng ngõ ngách phố phường, chỉ có người dùng điện thoại là dù bực cỡ nào cũng vẫn không bỏ điện thoại được nên đành ngậm ngùi, nén cục tức mà chạy theo quy định.

Từ người dùng điện thoại cố định đến di động, dùng 1 sim đến nhiều sim cứ phải vắt chân lên cổ mà chạy cho kịp với những thay đổi chóng mặt: từ đổi mã vùng đến thuê bao chính chủ, chụp ảnh chân dung, giờ là đổi đầu số kèm theo rút gọn.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại Việt Nam ước tính đạt 127,4 triệu, trong đó số thuê bao di động là 119,7 triệu. 

Điều này cho thấy chỉ cần một thay đổi nhỏ liên quan đến số điện thoại thôi cũng làm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người.

2 năm trước đây, việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh thành trên cả nước đã khiến cho nhiều doanh nghiệp "đau đầu" tìm biện pháp để giảm thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ đi hết các bao bì, card visit, bảng hiệu... để in ấn lại.

Các doanh nghiệp vận tải phải lột bỏ các mẫu decal để thay thế nhằm tránh bị thiệt hại về kinh tế khi khách hàng không thể liên hệ được. Tổn thất không nhỏ đó doanh nghiệp, người dân phải tự gánh chịu.

Vừa mới xong việc đem chứng minh nhân dân đi đăng ký sim chính chủ thì tháng 4-2018 hàng triệu người dùng điện thoại lại nháo nhào đi chụp ảnh chân dung cho nhà mạng để không bị khóa số.

Những tưởng đã hết bị hành thì cuối tháng 5 lại được "hung tin" tháng 9 này sim 11 số sẽ "được" chuyển thành 10 số.

Ai may mắn dùng sim 10 số thì thở phào nhẹ nhõm còn ai xui xẻo đang dùng sim 11 số thì chuẩn bị sức lực để chạy tiếp.

Người không kinh doanh, buôn bán còn đỡ, còn những ai dùng điện thoại làm phương tiện giao dịch làm ăn lại được một phen méo mặt vì đủ thứ tốn kém phát sinh như phải in ấn, thông báo lại các đối tác cũng như thay đổi các bảng hiệu.

Những người dân bình thường có tài khoản mạng xã hội, mail, OTT hay đăng ký dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, mạng, truyền hình, bảo hiểm… qua ngân hàng phải tự mình đi bổ sung lại từ đầu, gây tốn kém về mặt thời gian và sức lực.

Nếu không thay đổi số di động trong việc cập nhật lại thông tin tài khoản, những người dùng xác nhập hai lớp hoặc dùng số di động để đăng nhập đều không thể truy cập vì không nhận được mã OTP.

Ai dám chắc khung cảnh người dân xếp hàng dài chờ tới lượt tại các ngân hàng không lặp lại như hồi tháng 4 đã xảy ra tại các điểm giao dịch của nhà mạng.

Lợi ích của những thay đổi này theo nhà quản lý thì rất đúng, rất hay: để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, yêu cầu phát triển của nền kinh tế số: giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh... phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tình trạng thiếu kho số cho di động trong khi thừa kho số cho cố định.

Nhà quản lý cũng hứa hẹn sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp viễn thông để thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa tác động của việc chuyển đổi. 

Chỉ riêng có một điều mà họ không nhắc đến: thiệt hại về kinh tế, về thời gian mà người dùng phải chịu liệu nhà quản lý có biết không, có lường trước được không?

Sự thay đổi liên tục các quy định liên quan đến quản lý thuê bao điện thoại chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy tầm nhìn hạn chế của cơ quan quản lý cũng như sự thờ ơ với những thiệt hại về tiền bạc, thời gian, công sức của người dân.

Ai cũng có công ăn việc làm phải lo lắng thì nay lại phải gánh thêm một sự phiền toái cứ lâu lâu lại xuất hiện liên quan đến số điện thoại - một phương tiện liên lạc, giao dịch không thể thiếu.

Tại sao ngay từ đầu, các nhà quản lý không xây dựng được một chiến lược dài hạn với tầm nhìn xa trông rộng về cách thức quản lý các thuê bao điện thoại?

Tại sao khi yêu cầu bổ sung chứng minh nhân dân lại không bắt buộc chủ thuê bao nộp ảnh chân dung luôn? Tại sao lại ồ ạt khai sinh ra sim 11 số để đến khi tin nhắn rác, sim rác lộng hành thì lại quay ra khai tử sim 11 số?

Và liệu trong thời gian tới, khi thực tiễn bộc lộ thêm những bất cập mới, liệu lại ra thêm các quy định hay điều chỉnh nào nữa không?"

Bạn có cho rằng việc thay đổi liên tục thuê bao di động cho thấy cách quản lý có khá nhiều "vấn đề" của nhà mạng? Về phần mình, bạn ủng hộ hay phản đối về quy định này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!.

Chuyển 11 số thành 10 số, thuê bao di động lại khổ Chuyển 11 số thành 10 số, thuê bao di động lại khổ

TTO - Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và truyền thông, từ ngày 15-9-2018, số điện thoại di động đầu 11 số sẽ bắt đầu được chuyển thành 10 số. 60 triệu thuê bao sẽ bị ảnh hưởng.

ĐẠI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên