Cảnh tượng thường thấy trên một chuyến tàu điện ngầm ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Điện thoại thông minh đã khiến trí khôn xã hội của chúng ta giảm sút? - Ảnh: wsj.com
Sự hiện diện liên tục của một chiếc điện thoại di động gây ra hiệu ứng "chảy máu chất xám" làm giảm trí thông minh và khả năng chú ý của người dùng, theo một nghiên cứu của Đại học Texas hồi tháng 6-2017.
Nghiên cứu thấy rằng người dùng làm việc kém hơn và trí nhớ tệ hơn nếu họ nhìn thấy điện thoại thông minh trước mắt.
Điện thoại thông minh gây ra mất ngủ kinh niên, mà đi kèm với nó là điểm IQ thấp hơn, có thể mất tới 15 điểm so với bình thường."
Nhà tâm lý học công nghệ Larry Rosen
Trong hai thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng để điện thoại trên bàn, hay ngay cả trong túi áo hoặc túi xách cũng khiến người dùng bị phân tâm và làm các bài kiểm tra tệ hơn, ngay cả khi điện thoại không hề reo hay báo có tin nhắn trong suốt bài kiểm tra, hoặc thậm chí là đã tắt.
"Dù những thiết bị này có triển vọng lớn giúp tăng niềm vui cho con người, sự hiện diện khắp nơi của chúng cũng khiến chúng ta phải trả giá" - tiến sĩ Adrian Ward, người đứng đầu nghiên cứu, nói với The Telegraph.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm với 520 sinh viên đại học qua các bài trắc nghiệm trí nhớ và trí thông minh với sự hiện diện của điện thoại thông minh. Những ai để điện thoại trên bàn có điểm thi kém 10% so với những người để điện thoại trong phòng khác hay xa tầm mắt.
Một nghiên cứu khác của nhà tâm lý học công nghệ Larry Rosen đăng trên tạp chí chuyên ngành Psychology Today còn cho thấy điện thoại thông minh gây ra mất ngủ kinh niên, mà đi kèm với nó là điểm IQ thấp hơn, có thể mất tới 15 điểm so với bình thường.
"Điện thoại di động là một nguồn gốc lớn gây ra rối loạn giấc ngủ" - Rosen viết. Nghiên cứu của Rosen cũng cho thấy sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và xã hội của người dùng điện thoại giảm, trong một số trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Khi xếp hàng tính tiền ở siêu thị chúng ta từng hay bắt chuyện với người khác về những món đồ ta mua - Rosen nói - Xếp hàng ở rạp phim thì nói chuyện về phim. Giờ thì tất cả đều dán mắt vào điện thoại".
Vấn đề không chỉ dừng lại ở các cá nhân. Nghiêm trọng hơn, có bằng chứng cho thấy điện thoại thông minh đã không góp phần làm tăng, mà còn có thể có hại cho năng suất lao động.
Dan Nixon thuộc bộ phận chiến lược của Ngân hàng Trung ương Anh mới đây đã tiết lộ việc ngân hàng này tài trợ cho các nghiên cứu cho thấy một cuộc "khủng hoảng tập trung" đang diễn ra với các nhân viên của ngân hàng vì điện thoại thông minh.
Năng suất thấp đã là một vấn đề dai dẳng ở nhiều nền kinh tế tiên tiến một thời gian dài, bao gồm ở Mỹ và nhất là ở Anh. Các kinh tế gia ước tính tăng trưởng năng suất trên toàn cầu vẫn chưa đạt được mức trước khủng hoảng tài chính 2007.
Nixon chỉ ra một tương quan: Trong thập niên qua, tăng trưởng năng suất chậm lại trong khi độ phủ của điện thoại thông minh đã tăng mạnh. Cũng Nixon dẫn ra một số liệu giật mình: chúng ta tương tác với điện thoại di động trung bình hơn 2.600 lần mỗi ngày!
Kết hợp điều đó với một thống kê khác: chúng ta mất khoảng 25 phút để tập trung trở lại với công việc sau khi bị phân tán, tác động của điện thoại thông minh lên năng suất trở nên cực kỳ đáng lo ngại.
Chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về liên hệ giữa khả năng chú ý, sự tập trung và năng suất lao động, nhưng việc suy nghĩ về những vấn đề ở quy mô xã hội trong mối quan hệ giữa công nghệ mới và năng suất là rất quan trọng.
Những công ty công nghệ chắc chắn không muốn nghe điều đó. Hal Varian, kinh tế gia trưởng ở Google, cho rằng năng suất lao động ở Mỹ thực ra không hề giảm hay đứng yên, mà là những tính toán chính thức đã không nắm bắt được hiệu suất mới do công nghệ tạo ra.
Tuy nhiên, các bằng chứng thực nghiệm cho tới giờ không ủng hộ điện thoại thông minh, các ứng dụng và những công nghệ mới khác.
"Nếu không kiểm soát, cơn bão thông tin sẽ hủy hoại năng suất của người lao động khi làm giảm sự sắc bén về tinh thần ở họ - Glenn Wilson, nhà bệnh học tâm thần ở Đại học London (Anh), nói - Đây là một hiện tượng rất thực và ngày càng lan rộng".
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn suy nghĩ gì đề điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận