12/06/2020 18:59 GMT+7

'Người dân tộc đang thưa vắng dần những bộ quần áo truyền thống'

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - "Cần khắc phục việc các nhóm thiện nguyện đều tự phát, đến để 'cho' đồng bào những món đồ vật chất rồi đi mà không quan tâm rằng chính họ đang góp phần làm mất đi bản sắc của người dân tộc", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ.

Người dân tộc đang thưa vắng dần những bộ quần áo truyền thống - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 12-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nếu không đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho bà con, không những chúng ta sẽ mất đi phên giậu "sống" đầu tiên mà còn mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm.

Cần hạn chế sự ỷ lại

Theo đại biểu Phương, muốn có giải pháp bền vững, cần có cơ chế xã hội hóa, dựa vào nguồn lực của cộng đồng để thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo với bước đi chủ động, vững chắc. Vì vậy, theo ông, cần bổ sung nguồn vốn và tạo cơ hội phát huy vai trò của ngân hàng này đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

"Cũng cần hạn chế sự ỷ lại của bà con do nguồn lực xã hội hóa đổ về chỉ mang tính hưởng thụ. Mặt khác, cần khắc phục việc các nhóm thiện nguyện đều tự phát, đến để "cho" đồng bào những món đồ vật chất rồi đi mà không quan tâm rằng chính họ đang góp phần làm mất đi bản sắc của người dân tộc. Người dân tộc thiểu số đang thưa vắng dần những bộ quần áo truyền thống với hoa văn, họa tiết thể hiện bản sắc từ ngàn đời", đại biểu Quảng Bình nói.

"Chúng ta cần xác định nguồn lực cộng đồng không phải chỉ là vài bộ quần áo, vài cái giếng khoan hay ngôi nhà chống lũ; nguồn lực cộng đồng phải là những dự án văn hóa, dự án khởi nghiệp, giáo dục để trẻ em người dân tộc thiểu số có khát khao vươn lên thoát nghèo".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu chiều 12-6 - Nguồn: THQH

Đại biểu Quảng Bình còn xúc động chia sẻ giữa hội trường câu chuyện về chàng trai người Mông Khang A Tủa - một cậu bé dân tộc nghèo đã đạt được học bổng danh giá Fullbright. Sau đó A Tủa quay trở lại giúp trẻ em miền núi bằng những dự án giáo dục, giúp những người phụ nữ Mông có fanpage bán hàng thủ công để hoàn thành ước mơ nuôi con đi học.

Ông bày tỏ tâm đắc câu nói của Khang A Tủa: "Em nghĩ vùng cao chưa cần xây thêm trường nữa. Vì trường học ở vùng cao có lẽ đã tương đối đủ rồi. Chúng ta cần 'xây' người dạy, và 'xây' cách dạy nhiều hơn".

Lo "Kinh hóa" người dân tộc thiểu số

Trong phần phát biểu tâm huyết, đại biểu Phương chia sẻ khó khăn khi phải lượng hóa những chỉ tiêu bằng những con số như: xóa được bao nhiêu nhà tạm, xây được bao nhiêu trường học, soạn thảo được bao nhiêu bộ tài liệu...

"Quan trọng nhất những ngôi nhà đó trông như thế nào, có phù hợp cho bà con sinh sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu hay không; những trường học đó có đảm bảo dạy được chữ dân tộc thiểu số, dạy nói tiếng dân tộc, dạy nghề truyền thống của dân tộc đó trước khi thạo tiếng Kinh, thạo nghề phổ thông hay không thì lại chưa thấy toát ra trong dự thảo", ông nhận định.

Đại biểu Quảng Bình lo ngại những mái nhà cấp 4 mái tôn, mái bằng, vách bêtông sẽ thay thế dần cho những mái nhà rông, những căn nhà sàn, nhà đất trên lưng chừng dốc, trên núi rừng. Cũng như việc trẻ em dân tộc thiểu số đến trường để học tiếng Kinh qua những câu chuyện cổ của người Kinh do cô giáo người Kinh dạy.

"Nếu chúng ta can thiệp không dựa trên nền tảng và quan điểm văn hóa thì quá trình này sẽ trở thành quá trình 'Kinh hóa' người dân tộc thiểu số, miền núi và hệ quả là bảo tồn nguồn gen người dân tộc thiểu số nhưng không bảo tồn được nguồn văn hóa cha ông họ".

Khi đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua được trở ngại về văn hóa thì họ sẽ trở thành nguồn lực chứ không phải lực cản của kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Đưa ra mục tiêu nâng cao vị thế phụ nữ

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ tạo điều kiện để cải thiện giống nòi của thế hệ dân tộc thiểu số tương lai.

"Người mẹ là người trao truyền những giá trị văn hóa cho con cái. Khi những người mẹ được giáo dục, được chăm lo tốt, có cơ hội để nâng cao vị thế xã hội, họ sẽ kiến tạo nên những thế hệ dân tộc thiểu số đầy tương lai và triển vọng", ông Phương đề nghị chương trình mục tiêu quốc gia quy định rõ tỉ lệ phần trăm người dân tộc thiểu số, miền núi được ưu tiên chế độ đào tạo, bồi dưỡng; tham gia các hoạt động hướng nghiệp là phụ nữ; đảm bảo tỉ lệ phụ nữ được hưởng chế độ BHYT, đặc biệt khi mang thai và sinh nở.

Ngoài ra, cần chú trọng đến vai trò của phụ nữ thiểu số trong quá trình khởi nghiệp từ ngành nghề truyền thống bởi họ chính là những nghệ nhân dân gian nắm giữ bí quyết nghề thủ công.

Bức xúc những clip cười, bôi nhọ người dân tộc thiểu số Bức xúc những clip cười, bôi nhọ người dân tộc thiểu số

TTO - Ủy ban Dân tộc vừa gửi công văn tới Bộ TTTT phản ánh tình trạng có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải các tiểu phẩm trên mạng xã hội với nội dung và hình ảnh bôi nhọ đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên