30/03/2020 17:59 GMT+7

Người mang đến giấc mơ cho bà con dân tộc thiểu số

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - “Hôm biết tin được làm nhà, gia đình em quá mừng, không ngủ được. Rồi lại lo. Sợ người ta hứa mà không làm. Khi chú Trung xuống xây nhà mới tin là thật” - anh K’Liêm nói, mắt rơm rớm...

Người mang đến giấc mơ cho bà con dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Để giảm tối đa chi phí, ông Trung tự làm cửa cho những ngôi nhà xây tặng người nghèo - Ảnh: MY LĂNG

K’Liêm là người dân tộc K’Ho ở thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng). Người đàn ông rắn rỏi là vậy bỗng rưng rưng xúc động khi nhìn ngôi nhà mà anh nói "như giấc mơ" đang dần trở thành hiện thực. 

K’Liêm nhiều lần lấy tay áo dính đầy bụi vữa lau nước mắt. Vợ chồng anh sắp được ở trong căn nhà gạch kiên cố thay cho cái nhà chắp vá dột nát 7-8 năm nay.

Tôi muốn đóng góp một phần trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Mình làm được gì thì cố gắng làm. Nhiều người chụm lại thì giúp được nhiều mảnh đời đỡ khổ hơn, những đứa trẻ được học hành tử tế hơn. Tôi tin những điều tốt đẹp sẽ lan tỏa, làm cho cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Ông Nguyễn Thành Trung

Những căn nhà trong mơ của người nghèo

Thật khó tin khi ở vùng đất Tây Nguyên mênh mông, bạt ngàn này nhưng vợ chồng K’Liêm không có mảnh đất cắm dùi. Cha mẹ hai bên đều nghèo, không có đất mà cho. Bà cô cho miếng đất nhỏ dựng nhà ở nhờ. 

Gần 8 năm nay, căn nhà nhiều lúc muốn sập trước mưa gió. Hai vợ chồng K’Liêm dù siêng làm nhưng thu nhập chỉ đủ để lo các con ăn học và bữa ăn hằng ngày. "Khổ nhất là mùa mưa gió, nhà bị dột. Có đêm sợ nhà sập, muốn qua nhà hàng xóm trú nhờ nhưng ngại không dám" - K’Liêm rớm nước mắt khi kể về những ngày khốn khó.

Nghe người ta nói, ông Nguyễn Thành Trung - một người đam mê chụp ảnh với công việc chính là điêu khắc, thiết kế mỹ thuật ở thành phố Bảo Lộc - lái xe gần 40km vào tận nơi khảo sát. "Tôi đến, thấy vợ chồng nó ở trong cái nhà tôn nhỏ chắp vá bằng đủ thứ chất liệu mục nát, lại không có đường vào. Khổ vậy nhưng vợ chồng nó vẫn ráng lo cho hai đứa con đi học" - ông Trung nói.

Sau chuyến đi ấy, ông đăng ảnh trên Facebook, kể về hoàn cảnh của vợ chồng K’Liêm, kêu gọi bạn bè cùng giúp đỡ tài chính để xây một ngôi nhà cấp 4 cho họ. Không lâu sau đó, dù mới chỉ có 50% kinh phí ủng hộ, ông Trung đã gọi thợ xây nhà, vừa xây vừa xin kinh phí tiếp. "Đợi đủ 100% mới xây thì người ta lại phải chờ lâu thêm mới có cái nhà ở" - ông Trung giải thích.

Vợ chồng K’Liêm bảo căn nhà này là giấc mơ. Giấc mơ ấy lớn đến nỗi sau niềm vui quá bất ngờ, hai vợ chồng lại sợ không biết người ta có làm nhà cho mình thật không, lo lắng thấp thỏm không ngủ được. Cho đến ngày ông Trung đưa thợ xuống đo đạc, làm móng... nỗi lo ấy mới tan biến. Giấc mơ đã thành hiện thực.

Ông Trung cho biết con trai lớn của K’Liêm đang học lớp 7, tên K’Vương. Buổi chiều đi học thì buổi sáng K’Vương đi chăn bò. Cậu nhóc luôn mang theo sách, vừa chăn bò vừa ôn bài. Ông bảo đang xin học bổng cho K’Vương để thằng nhỏ được học hành đàng hoàng.

Ám ảnh từ cái chòi của 3 mẹ con

Gần 3 năm nay, đã có 21 căn nhà được xây cho người dân tộc thiểu số nghèo ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Ninh Thuận, Đắk Lắk... Chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, đã có 5 căn nhà được xây ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) và xã An Phú (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).

Ông Trung bắt đầu xin tiền xây nhà cho người dân tộc thiểu số từ cuối năm 2017. Đợt đó, trong chuyến đi chụp hình ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), người đàn ông đến từ thành phố Bảo Lộc lặng người khi nhìn thấy cái chòi của hai anh em K’Tôi và bà mẹ già ốm đau. Họ sống trong cái chòi mong manh đến độ chỉ cần xô một cái là đổ rạp! 

Trong nhà chẳng có gì giá trị ngoài cái chõng mục nát và mấy bộ quần áo lao động luộm thuộm. "Đó là căn nhà ám ảnh tôi nhất. Anh em nó ban ngày lên núi trồng điều, làm cỏ, tối về nằm dưới đất ngủ. Bà mẹ thì đau ốm miết. Cuộc sống rất chật vật" - ông Trung kể.

Sau chuyến đi ấy, ông Nguyễn Thành Trung đưa hình ảnh gia đình K’Tôi lên Facebook và kể lại hoàn cảnh của họ. Bất ngờ, một người bạn trên Facebook gửi mấy chục triệu đồng nhờ ông Trung xây tặng nhà cho họ.

Đó là căn nhà đầu tiên mà ông Trung "xin" được tiền từ bạn bè để xây cho người đồng bào thiểu số. Ông bảo: "Để xây được một căn nhà cấp 4, mình phải tính rất kỹ để giảm giá thành xuống. Tôi tự chở tôn, chở gạch để giảm chi phí". 

Căn nhà đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, hết 60 triệu đồng. Những căn sau còn 50-55 triệu đồng. Vì đến căn thứ hai, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng biết ông giúp người nghèo nên giảm giá. Từ căn thứ ba, họ cho luôn ximăng và cát, tôn thì giảm giá 50%, gạch thì bớt một chút tiền.

Mỗi căn nhà, ông tự tay vẽ một kiểu cho phù hợp với diện tích đất và địa hình, thợ cứ thế mà xây theo. Vài ba ngày, ông lại ghé qua coi tiến độ và kiểm tra chất lượng. 

"Ổng khó lắm. Lần nào xuống cũng coi ngó cẩn thận, dặn mình cố gắng xây làm sao cho bà con nghèo có cái nhà chắc chắn, chất lượng, không được hoang phí, không được làm qua loa, phải làm như xây nhà cho mình ở" - ông Phạm Văn Quyết (63 tuổi), thợ chính đang xây nhà cho K’Liêm, nói. 

Ông Quyết mỉm cười bảo: "Tui theo ổng làm lấy cái đức cho con cháu mình chứ nói thật, làm để kiếm tiền thì không lời đâu. Có lúc còn phải bỏ tiền túi nữa".

Không gắn bảng, không băngrôn để người nghèo không mặc cảm

Ông Trung bảo cứ làm xong nhà này, có người tới nói có nhà kia, lại làm tiếp. Cứ thế mà loanh quanh trong một thôn, một xã quay đi quay lại vẫn chưa hết. "Mình sống ở thành phố, nhiều cái không tưởng tượng ra được.

Có nhiều ngôi nhà chỉ là những tấm bạt quảng cáo họ nhặt về che, những cái cây dựng lên hoặc những miếng gỗ thừa ghép lại, chỉ một cơn gió thổi bay mất. Nếu không giúp thì 5 năm nữa, 10 năm nữa họ cũng không có được cái nhà đàng hoàng ở vì đi làm thuê chỉ đủ ăn, không dư ra nổi" - ông Trung nói.

Xây nhà xong, ông bảo chủ nhà vào ở luôn, không làm lễ, không treo băngrôn, không gắn bảng. Ông giải thích: "Vợ chồng, con cái họ hằng ngày đi ra đi vào rồi người dân đi qua đi lại thấy cái bảng gắn chữ tình nghĩa tình thương, tôi nghĩ sẽ làm họ mặc cảm. Đeo bảng lên trước nhà như là kể công, như là sự ban cho. Mình muốn món quà mình trao trọn vẹn, không để người nghèo mặc cảm".

ny lang - hinh 8 3(read-only)

Nghề nghiệp chính của ông Trung là điêu khắc, thiết kế mỹ thuật nhưng ông lại dành nhiều thời gian để đi giúp bà con dân tộc thiểu số - Ảnh: MY LĂNG

Rồi ông lại dặn đừng làm tân gia. "Mình nghèo rồi, phải tiết kiệm. Không làm, không ai trách hết. Họ cứ ôm lấy tôi cảm ơn. Tôi luôn nói không phải tiền của tôi. Tiền này là của các ân nhân giúp. Tôi chỉ là người trung gian, là cầu nối cầm tiền của ân nhân để làm giúp. Muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn các ân nhân.

Cảm ơn bằng cách cố gắng làm việc, nuôi con học hành, giúp lại những người nhà cửa giờ khó khăn hơn mình" - ông Trung nói. Nghe lời ông, có người trước được xây nhà, giờ lại đi giúp công xây nhà cho người nghèo khác. Ông còn giới thiệu cho họ đi làm phụ xây để có việc làm ổn định.

Thật bất ngờ khi ông Trung cho biết 60% nhà hảo tâm giúp ông xây nhà cho người nghèo chỉ quen biết trên Facebook, chưa từng gặp mặt. Hiện nay ông có khoảng 10 nhà hảo tâm "ruột", trong đó có người ở nước ngoài.

Có những người chắt chiu từng đồng tiền tiết kiệm gửi cho ông để giúp người nghèo. "Tôi làm được là vì những người tốt quanh mình, đồng hành với mình - ông Trung mỉm cười bảo - Tôi gọi những người đồng hành cùng mình là ân nhân. Không có họ, tôi không làm được".

Khi xây 5-6 căn nhà gần đây, ông chú ý ưu tiên những gia đình nghèo có con nỗ lực đi học. "Nghèo mà vẫn cố gắng học thì sau này sẽ có tương lai sáng đẹp hơn, thúc đẩy tinh thần vươn lên cho những người xung quanh - ông Trung lý giải - Tôi đã 66 tuổi, sức tới đâu làm trọn tới đó. Khi nào không đi được nữa thì ngưng. Giờ vẫn còn đi được thì vẫn thấy, thấy thì phải giúp".

Thương người nghèo kiểu ông Năm Năng Thương người nghèo kiểu ông Năm Năng

TTO - Không chỉ người ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre mà ở các huyện khác của tỉnh và vùng kinh tế mới Easup, Đắk Lắk cũng có không ít người cảm kích ông Lê Văn Năng (thường gọi là Năm Năng) vì đã mở lòng giúp họ lúc khó khăn.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên