15/03/2020 17:32 GMT+7

Thương người nghèo kiểu ông Năm Năng

LƯ THẾ NHÃ
LƯ THẾ NHÃ

TTO - Không chỉ người ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre mà ở các huyện khác của tỉnh và vùng kinh tế mới Easup, Đắk Lắk cũng có không ít người cảm kích ông Lê Văn Năng (thường gọi là Năm Năng) vì đã mở lòng giúp họ lúc khó khăn.

Thương người nghèo kiểu ông Năm Năng - Ảnh 1.

Ông Năm Năng tặng quà cho một cụ bà khó khăn - Ảnh: L.T.N

Ông không chỉ cho tiền, gạo giúp người nghèo, đóng góp xây dựng cầu đường mà còn tặng hòm từ thiện, mua đất làm nghĩa trang cho người chết không có nơi mai táng.

Giúp người lúc khó khăn

Ông Năm Năng mồ côi cha mẹ lúc 5 tuổi, được bà ngoại nuôi dưỡng trong hoàn cảnh nghèo khó ở nông thôn. Ông nói ngoại hay dạy ông điều hay lẽ phải, sống phải làm người tốt và luôn cố gắng làm lụng để không nghèo khó.

Năm 22 tuổi ông lập gia đình, ở miền quê này lao động vất vả mà không đủ gạo cho gia đình 5 miệng ăn. Ông nghĩ cần làm thêm việc gì nữa ngoài việc đồng áng mới khá lên được. 

Năm 25 tuổi ông khởi nghiệp làm bánh in, kẹo thèo lèo, bánh trung thu... Ông tích lũy vốn liếng, tìm hiểu thị trường phát triển thêm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh khác để nay đã có bốn cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa và thành lập công ty.

Là người từng bươn chải lo cái ăn cái mặc, ông hiểu cái túng thiếu, thắt ngặt của người nghèo ở nông thôn như thế nào nên khi thu nhập từ sản xuất kinh doanh khá lên, ông nghĩ nên chia sẻ cho người thiếu khó. 

Đều đặn các dịp lễ, tết trong năm ông tặng gạo, mì gói, nước chấm đến tận các hộ nghèo ở xã và hiện đang cấp gạo thường xuyên cho ba cụ bà nghèo, neo đơn.

Bất cứ nơi đâu, đoàn thể nào từ các xã khác của huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, bếp ăn từ thiện của bệnh viện cù lao Minh (Bến Tre) tìm đến, ông đều sẵn lòng hỗ trợ. 

Ngoài giúp người nghèo trong tỉnh, ông cũng thường xuyên tham gia các đoàn thể của huyện Mỏ Cày Nam, Công an Bến Tre tặng quà cho người dân Bến Tre đến làm ăn ở vùng kinh tế mới ở huyện Easup.

Không chỉ chuyện sẵn lòng tặng quà cho người nghèo theo các dịp cố định, nhiều người gặp phải hoàn cảnh khốn khó bất ngờ cũng có thể tìm đến để nhận được sự chia sẻ giúp đỡ như người bệnh không tiền chạy chữa.

Với tâm niệm sản xuất kinh doanh ổn định là nhờ những công nhân nên công nhân ở các cơ sở sản xuất của ông đều được đối xử tử tế. 

Anh Trần Văn Cường, công nhân xưởng sản xuất mụn dừa ở ấp Tân Viên (xã Thành Thới B), cho biết ông Năm xây dãy nhà gồm nhiều phòng dành cho người ở xa, lương thưởng ổn định hằng năm.

Giúp đến khi gọi là "nghĩa tận"

Ở quê ông, người chết thường được chôn cất trên đất nhà, nhưng cũng có không ít trường hợp người qua đời không có đất an táng. 

Đó là những người ở đất đậu, người chỉ có nhà không có đất, có gia đình ông bà khi sinh thời lập nền mộ chôn chung, dành chôn cất người trong dòng họ qua đời nhưng do chia đất qua nhiều đời con cháu nên về sau sinh nhiều rắc rối.

Thương những hoàn cảnh đó, cách đây 8 năm ông Năm Năng mua 1.800m2 đất gần khu mộ của gia đình, dành 2/3 diện tích cho người chết không có chỗ mai táng, phần còn lại dành cho gia đình, dòng họ. 

Đến nay phần đất làm nghĩa trang từ thiện do ông lập nên đã có 18 ngôi mộ, trong đó có những mộ phần của người chết không mang theo giấy tờ tùy thân: người chết trôi sông tấp vào xã Thành Thới B, người bị tai nạn giao thông trên đường, xương cốt người chết được khai quật ở bến phà Cổ Chiên cũ không có người nhận. 

Những người chẳng may tử vong trong cảnh khốn khó, không có thân nhân đều được ông nhận chôn ở nghĩa trang từ thiện của mình, lo quan tài tẩn liệm, xây mộ ximăng...

Thậm chí có người nghèo đến ngày cuối đời gia đình không mua nổi áo quan ông cũng ra tay chia sẻ. Ở ấp Tài Đại, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc có ông Nguyễn Đức Tròn (thường gọi là Út Tròn), chủ trại hòm Út Tròn ở ấp này, đề xuất vận động nhà hảo tâm tặng hòm từ thiện để sẵn. 

Ông Nguyễn Văn Mười (thường gọi là Thập Mười), hàng xóm, hưởng ứng hiến đất xây "nhà", ông Tròn làm mái lợp để bảo quản những "chiếc áo cuối cùng" cho người cơ nhỡ.

Biết chuyện, ông Năm Năng đến chỗ ông Út Tròn mua sẵn một số quan tài ủng hộ, giao ông Út Tròn trông coi. 

Việc chung tay ý nghĩa và nặng nghĩa tình này của ông Út Tròn, ông Thập Mười và ông Năm Năng được chính quyền và Hội Chữ thập đỏ xã Khánh Thạnh Tân chấp thuận cho lập trại hòm từ thiện, đề cao là việc tốt cho xã hội.

Từ ngày có trại hòm từ thiện, người nghèo qua đời, ông Năm Năng và ông Út Tròn điện thoại qua lại để giúp đỡ, thậm chí là người ở các xã xung quanh như Nhuận Phú Tân, Tân Thanh Tây, Tân Bình, An Thạnh, Thành Thới B, Thành Thới A, thị trấn Mỏ Cày Nam...

Bà Huỳnh Thị Lành, phó chủ tịch UBND xã Thành Thới B, nói ông Năm Năng là doanh nhân thành đạt ở địa phương nhưng luôn sống hòa đồng với mọi người. Tấm lòng của ông đã góp phần đem đến an sinh tốt hơn cho xã hội.Ông Út Tròn nói về người bạn đồng hành:

"Trước đây người nghèo qua đời gia đình phải vay mượn tiền mua quan tài, sau đó đưa đi hỏa thiêu ở tỉnh Tiền Giang, người nghèo lại khó khăn thêm, sau đám tang lại thêm nợ nần. Nay ông Năm Năng tặng hòm từ thiện, cho nơi chôn cất là việc làm có tâm, có đức với người nghèo gặp cảnh ngộ khó khăn".

​Xây nhà tình thương cho người bán vé số nghèo, tàn tật ​Xây nhà tình thương cho người bán vé số nghèo, tàn tật

TTO - Căn nhà có tổng giá trị xây dựng 45 triệu đồng do báo Tuổi Trẻ vận động, Công ty Toàn Thịnh Phát (Đồng Nai) hỗ trợ kinh phí.


LƯ THẾ NHÃ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên