Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2018 trước Quốc hội sáng 23-10 - Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện chính sách vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018, Ủy ban Dân tộc cho biết hiện nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước.
Cộng đồng này sinh sống ở khắp 51 tỉnh, thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết trong 3 năm qua, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình 135) đã đầu tư trên 9.000 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.200 công trình.
Tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc. Chất lượng giáo dục của các trường nội trú được nâng lên.
Hiện nay 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc.
Học sinh dân tộc thiểu số tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đọc sách báo trong thư viện trường - Ảnh: B.D
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, có mặt tiến bộ.
Chính phủ cũng dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Bước đầu đã xây dựng được hơn 5.000 cơ sở du lịch trải nghiệm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Tỉ lệ người dân tộc không biết tiếng Việt còn cao
Ủy ban Dân tộc cho rằng dù nhiều kết quả tích cực nhưng chính sách dân tộc vẫn còn tồn tại nhiều bất cập lớn. Đó là tình trạng di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tính đến thời điểm hiện tại số hộ di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí ổn định dân cư lên tới gần 13 ngàn hộ, số hộ thiếu đất sản xuất, cần hỗ trợ là hơn 54 ngàn, số hộ thiếu nước sinh hoạt lên tới trên 200 ngàn.
Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỉ lệ dân số hiện chiếm 14,6% nhưng tỉ lệ hộ nghèo lại chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước. Vẫn còn khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt.
Trẻ em Ca Dong tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vui chơi tại làng - Ảnh: B.D
Ủy ban Dân tộc nêu thẳng thắn những nguyên nhân của hạn chế, bất cập này. Ngoài yếu tố khách quan như xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt... thì có tình trạng "nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức còn phiến diện, chưa thật lòng quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận