22/04/2020 11:25 GMT+7

Bức xúc những clip cười, bôi nhọ người dân tộc thiểu số

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Ủy ban Dân tộc vừa gửi công văn tới Bộ TTTT phản ánh tình trạng có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải các tiểu phẩm trên mạng xã hội với nội dung và hình ảnh bôi nhọ đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng.

Bức xúc những clip cười, bôi nhọ người dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hình ảnh diễn viên trong clip "Anh tộc ngố mua su su khổng lồ" ăn mặc không giống ai - Ảnh chụp màn hình

Kênh điển hình được Ủy ban Dân tộc nhắc tới trong công văn ngày 17-4 là kênh YouTube A Hy TV. Ủy ban này đã đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông kiểm tra và có hình thức xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Khi truyền thông đưa thông tin không đầy đủ, hiểu méo mó về cộng đồng các dân tộc thiểu số sẽ tạo ra hình ảnh dân tộc thiểu số là những người bị động, như đối tượng bên lề, đáng thương, yếu ớt. Đó là cách nhìn mang tính phân biệt đối xử, đầy định kiến, tạo ra sự kỳ thị, đi ngược với chủ trương của Nhà nước.

TS Nguyễn Công Thảo (Viện Dân tộc học)

Dùng hình ảnh người dân tộc thiểu số để gây cười

A Hy TV hiện có khoảng 723.000 lượt người đăng ký theo dõi. Không biết vô tình hay cố ý, chủ kênh lấy từ "hy" để đặt tên kênh. Mà từ "hy" trong tiếng Tày - Nùng có nghĩa là bộ phận sinh dục nữ. Nhân vật chính của kênh này là A Hy - một người dân tộc hay có hành vi, lời nói ngây ngô ám chỉ chuyện tình dục để gây cười.

Nhóm Tiên Phong - nhóm vì tiếng nói của các dân tộc thiểu số - cho biết họ rất không hài lòng vì kênh A Hy TV xây dựng hình ảnh người dân tộc thiểu số ngu ngơ, ngờ nghệch, thiếu hiểu biết. Ngôn từ, hình ảnh trong clip mang tính giễu cợt, gợi dục; có nhiều cảnh nhân vật nam ôm eo, sờ mó, lợi dụng phụ nữ khiến người xem nhầm tưởng người dân tộc không tôn trọng phụ nữ.

Không chỉ có A Hy TV sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số để gây cười, còn có nhiều diễn viên hài chuyên nghiệp làm tiểu phẩm hài có sử dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số.

Những clip như Anh dân tộc nát rượu, Anh tộc ngố, Cười lộn ruột khi dân tộc đi uống bia, A Lử đi bắt vợ... đều có xu hướng mô tả người dân tộc thiểu số nghèo khổ, ngây thơ, lạc hậu, thường bị bắt nạt khi ra thành phố.

Trong video Mảnh ghép vùng cao do diễn viên hài Đỗ Duy Nam đạo diễn, trước khi cảm hóa được nhóm thanh niên người Kinh, cặp đôi người dân tộc thiểu số đã bị miệt thị là đáng thương, đói nghèo, lếch thếch, xa lạ với văn minh... 

Những anh chàng người dân tộc lười biếng, nát rượu trong video Bản Nát chuyện Trung Ruồi kể chỉ thay đổi được thói quen xấu nhờ sự cảm hóa của những cán bộ văn minh hơn.

Đáng ngại, có những clip gây hiểu lầm về văn hóa, phong tục của các dân tộc thiểu số. Tục kéo vợ của người Mông vốn là một phong tục đẹp dành cho những đôi trai gái yêu nhau. Họ thực hiện nghi thức kéo vợ với mong muốn nên duyên và sống hạnh phúc. 

Tuy nhiên, trong clip A Lử đi bắt vợ của diễn viên Trung Ruồi, khán giả sẽ thấy anh chàng dân tộc thiểu số sang Hàn Quốc ngang nhiên bắt một cô gái về làm vợ. Anh chàng này chỉ nhận ra mình vi phạm pháp luật khi có một người giải thích cho.

Bức xúc những clip cười, bôi nhọ người dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Chàng trai bên trái giải thích cho nhân vật A Lử không được bắt vợ bừa bãi trong clip "A Lử bắt vợ" - Ảnh chụp màn hình

Định kiến ảnh hưởng đến sự phát triển bình đẳng

Những mô tả về người dân tộc thiểu số trong các clip hài thể hiện nhiều định kiến mà nghiên cứu "Thông điệp truyền thông về dân tộc thiểu số trên báo in" đã chỉ ra. 

Nghiên cứu này do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cùng khoa xã hội học của Học viện Báo chí và tuyên truyền thực hiện, xuất bản năm 2011.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập 500 bài báo ngẫu nhiên được đăng tải qua các năm 2004, 2006 và nửa đầu năm 2008 để đi tới kết luận: rất nhiều định kiến về cộng đồng dân tộc thiểu số đã được thể hiện trên mặt báo.

Nghiên cứu nói trên chỉ ra dù Đảng và Nhà nước coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là chiến lược cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng, nhưng do xuất phát từ những khác biệt lâu đời về văn hóa, sinh kế và không gian cư trú, giữa dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 13% tổng dân số) vẫn còn tồn tại những hiểu lầm, đánh giá sai lệch và cả những định kiến xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình đẳng của các nhóm tộc người và sự thịnh vượng chung.

TS Nguyễn Công Thảo (Viện Dân tộc học - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: "Những diễn đạt chưa chính xác về dân tộc thiểu số hiện nay đáng tiếc là thường gặp trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội. 

Nguyên nhân chính là việc chỉ nhìn một vài hiện tượng cá biệt mà khái quát thành bản chất của cả một tộc người, hoặc chỉ nhìn một dân tộc mà khái quát các dân tộc thiểu số khác đều như thế".

Nghiên cứu "Thông điệp truyền thông về dân tộc thiểu số trên báo in" đã đề xuất giải pháp: cần có một chiến lược đổi mới truyền thông về các dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường tính khách quan, minh bạch của thông tin về dân tộc thiểu số; báo chí cần có quan điểm "thấu hiểu" thay vì phán xét khi viết về dân tộc thiểu số.

"Thấu hiểu không có nghĩa là cảm thông hay thương xót. Thấu hiểu là đặt mình vào vị trí người trong cuộc để nhìn nhận và đánh giá, thay vì áp đặt và phán xét dựa trên những trải nghiệm riêng của người bên ngoài" - nghiên cứu nói trên đúc kết.

Bức xúc những clip cười, bôi nhọ người dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Diễn viên chính của A Hy TV trong clip xin lỗi cộng đồng sau khi Ủy ban Dân tộc phản ánh kênh này tới Bộ Thông tin - truyền thông - Ảnh chụp màn hình

Công thức dán nhãn phổ biến thường thấy trong các bài báo này (về người dân tộc thiểu số - PV) là “lạc hậu + lười + ỷ lại vào Nhà nước = đói nghèo”.

Đáng tiếc là hầu hết các đối tượng bị dán nhãn, với tiếng nói yếu ớt, có rất ít cơ hội để phản hồi những thông tin sai lệch về mình (trích nghiên cứu “Thông điệp truyền thông về dân tộc thiểu số trên báo in”).

View khủng nhờ trí tuệ, không cần giật gân, View khủng nhờ trí tuệ, không cần giật gân, 'độc', lạ

TTO - Các clip trên mạng xã hội như Facebook, YouTube có lượt người xem (view) cao thường là về giải trí hoặc những chuyện giật gân, "độc", lạ. Các clip của Đỗ Hồng Nhung cũng có view khủng nhưng không theo thông lệ đó...

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên