01/07/2019 21:17 GMT+7

Người biểu tình Hong Kong chiếm Hội đồng lập pháp, đập phá đồ đạc

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Hàng trăm người biểu tình Hong Kong phá được cửa vào tòa nhà Hội đồng lập pháp (LegCo). Khung cảnh hỗn loạn khi đám đông đập phá đồ đạc trước sự bất lực của cảnh sát.

Người biểu tình Hong Kong chiếm Hội đồng lập pháp, đập phá đồ đạc - Ảnh 1.

Người biểu tình tràn vào trong tòa nhà LegCo tối 1-7 - Ảnh: REUTERS

Tối 1-7, Đài CNN cho biết đám đông reo hò bên trong tòa nhà LegCo sau nhiều giờ đối đầu cảnh sát. Cánh cửa sắt của tòa nhà đổ sập lúc 21h, giờ địa phương.

Cảnh sát đã rời bỏ tòa nhà khi đám đông ùa vào. Trong khi đó, chính quyền đã phát cảnh báo đỏ, yêu cầu người biểu tình rời khỏi tòa nhà ngay lập tức.

Ngay sau lọt vào tòa nhà, đám đông tranh nhau đập phá mọi thứ vừa hò hét "châm dầu vào". Họ cũng dùng sơn vẽ lên tường. Bên ngoài, hàng ngàn người vẫn bao vây tòa nhà.

Trước đó, người biểu tình dùng các vật sắc nhọn cố phá cửa. Đằng sau lớp cửa chính bằng sắt là lực lượng cảnh sát cố thủ.

Tình hình bắt đầu căng thẳng khi người biểu tình dùng xe đẩy hàng phá vỡ kính để tràn vào tòa nhà.

Người biểu tình Hong Kong chiếm Hội đồng lập pháp, đập phá đồ đạc - Ảnh 2.

Người biểu tình dùng sơn vẽ lên tường trong tòa nhà Hội đồng lập pháp - Ảnh: REUTERS

Những người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ phòng độc và mũ bảo hộ đề phòng sự đáp trả của cảnh sát. 

Ở phía bên trong, cảnh sát đáp trả "những kẻ xâm nhập" bằng hơi cay và khuyên giải chấm dứt hành động thông qua một tấm vải màu đỏ.

Hơn 100 cảnh sát chống bạo động sau đó xuất hiện với dùi cui và hơi cay để giải tán những người biểu tình đang tụ tập tại nơi các quan chức chuẩn bị lễ kỷ niệm 22 năm Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc.

Tờ Guardian mô tả, càng về tối càng nhiều người biểu tình xuống đường.

Người biểu tình Hong Kong chiếm Hội đồng lập pháp, đập phá đồ đạc - Ảnh 3.

Đám đông dùng các thanh sắt phá cửa tòa nhà chính quyền - Ảnh: AFP

Cùng ngày, phát biểu tại lễ kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được trao trả về Trung Quốc, người đứng đầu đặc khu Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) kêu gọi những nỗ lực chung nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Bà cũng hứa sẽ thay đổi phong cách lãnh đạo của bà để trở nên "cởi mở" hơn. "Tôi nhận thức được rằng ngay khi có những ý định tốt, chúng tôi vẫn phải cởi mở và sẵn lòng tiếp nhận ý kiến. Dù phải đảm bảo hiệu quả trong quản lý, chính quyền cũng cần kiên nhẫn lắng nghe" - bà Lâm nói.

Người biểu tình Hong Kong chiếm Hội đồng lập pháp, đập phá đồ đạc - Ảnh 4.

Bên ngoài tòa nhà LegCo lúc này, hàng ngàn người biểu tình vẫn vây quanh - Ảnh: REUTERS

Ngày 1-7-1997, Chính phủ Anh đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Đặc khu hành chính Hong Kong, thực thi quản lý khu vực này theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", dựa trên Luật cơ bản. 

Theo đó, chính quyền trung ương Trung Quốc quản lý, điều hành lĩnh vực ngoại giao và quân sự, các lĩnh vực còn lại do ban lãnh đạo Hong Kong tự đảm nhận.

Người biểu tình Hong Kong tấn công Hội đồng lập pháp Người biểu tình Hong Kong tấn công Hội đồng lập pháp

TTO - Cuộc biểu tình tại Hong Kong bắt đầu căng thẳng khi người biểu tình dùng xe đẩy hàng phá vỡ kính để tràn vào trụ sở Hội đồng lập pháp (LegCo). Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0