15/10/2017 23:19 GMT+7

Ngũ Hành Sơn - Danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ cuối: Giành lại 'thủy tú sơn kỳ'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Nhờ sự bức tốc của thành phố, giờ đây Ngũ Hành Sơn đã trở thành danh thắng được bạn bè năm châu biết đến. Nơi chúng ta đứng đây cũng không còn là một bến nước u buồn trông ra đồng ruộng như thời tôi mới tới.".

Ngũ Hành Sơn - Danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ cuối: Giành lại thủy tú sơn kỳ - Ảnh 1.

Du khách quan sát cảnh vật quanh Ngũ Hành Sơn từ ngọn Thủy Sơn - Ảnh: TR.TR.

Nhà sư Thích Huệ Hưng trải lòng khi đứng trước bến nước ở chân ngọn Hỏa Sơn. 

Vị sư nói thêm: "Nhưng như lẽ thông thường, bài toán phát triển đã để lại cho chúng ta những bài học mà lúc này cần phải hành động ngay để giữ lại nét thủy tú sơn kỳ mà thiên nhiên ban tặng" 

“Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đóng góp ngân sách từ tiền vé hơn 40 tỉ đồng/năm. Chín tháng đầu năm 2017 đã có hơn 1 triệu lượt khách tham quan

Nhiều tác động

Gần 30 năm về tu hành ở chùa Quán Thế Âm dưới chân núi Kim Sơn, thầy Hưng tỏ ra nuối tiếc bởi sự can thiệp thiếu thân thiện của con người. 

Theo thầy Hưng, những "bài học lịch sử" đã làm thay đổi và thậm chí biến dạng Ngũ Hành Sơn chính là việc người Pháp phá núi lấy đá làm đường, cũng như sau năm 1975 người dân phá núi lấy nguyên liệu chế tác đá. 20 năm trở lại đây là việc xây dựng nhà cửa lấn vào không gian núi. Mới chừng 5 năm trước là việc đường Lê Văn Hiến được mở rộng, đắp cao thêm 2m làm ảnh hưởng đến thế núi vốn khiêm tốn (cao nhất là Thủy Sơn 106m so với mực nước biển) của Ngũ Hành Sơn.

Tháng 9-2011, tại ngọn Mộc Sơn, một khối đá gần 100 tấn rơi từ độ cao trên 50m đè sập nhà hai hộ dân, buộc chính quyền phải di dời khẩn cấp bà con sống quanh chân núi. Theo nhà văn Lê Anh Dũng, đó là hồi chuông thức tỉnh cho chúng ta về việc ứng xử với Ngũ Hành Sơn. 

Ông Dũng tỏ ra tiếc nuối vì trong giai đoạn phát triển nóng, Đà Nẵng đã "quên" tính toán tổng thể cho danh thắng này. Ông cho rằng Ngũ Hành Sơn không thể có được lượng khách thập phương như hiện nay nếu đường lớn xung quanh không được mở, resort ven biển không xây lên, thang máy không được làm lên núi... Tuy nhiên, chỉ cần so sánh hai bức hình từ sau giải phóng với hiện nay cũng thấy rằng con người đã can thiệp thô bạo, xây dựng, cơi nới xung quanh núi nhiều như thế nào.

Ở góc nhìn quản lý di sản thuần túy, ông Huỳnh Hùng, giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, cho rằng gần như xung quanh cả năm ngọn núi di tích này đều bị xâm hại. 

Theo ông Hùng, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1980, do vậy theo cấp xếp hạng thì khoảng cách vùng đệm tối thiểu từ dưới chân núi lên trên núi phải đạt 500m. "Xét theo luật thì hiện nay có rất nhiều vi phạm vào vùng đệm di tích, vì nhiều công trình xây dính liền khu vực núi" - ông Hùng nói.

Ngũ Hành Sơn - Danh thắng núi đá kỳ lạ - Kỳ cuối: Giành lại thủy tú sơn kỳ - Ảnh 3.

Dịch vụ leo núi tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn - Ảnh: TR.TRUNG

Chờ phát triển "chuỗi văn hóa di sản"

Đến năm 1999, danh thắng này mới có ban quản lý thuộc cấp quận để khai thác, bảo vệ. Ông Lê Quang Tươi, trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho biết quần thể danh thắng này đang dần trở thành chuỗi di sản văn hóa và trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng. 

Cụ thể năm 2000, Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận lễ hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội quốc gia; năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2016, bảy cây cổ thụ trên ngọn Thủy Sơn được công nhận là cây di sản Việt Nam.

"Đà Nẵng đang được thừa hưởng một di sản quý giá của cha ông và của thiên nhiên để lại, với một tiềm năng du lịch vô cùng lớn khi nằm trên trục di sản của khu vực. Việc quảng bá để du khách hiểu được linh hồn xứ sở, để những khối đá vô tri vô giác kể chuyện là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc ứng xử có văn hóa trước di sản cần sự chung tay của cộng đồng xã hội, chứ không của riêng ai" - ông Tươi nói.

Năm 2010, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn trên tổng diện tích gần 131ha với vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, có khả năng đón tiếp 3.000 khách/ngày. Không gian khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được tôn tạo và tái cấu trúc theo ý tưởng kết nối năm ngọn núi Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện công tác giải tỏa đền bù và thu hồi đất mới chỉ thực hiện được gần 700 trong số hơn 2.000 hồ sơ. 

Theo ông Nguyễn Hòa - phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, để thực hiện dự án này phải giải phóng mặt bằng ở nhiều vệt tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa... và nhiều khu vực quanh hòn Thủy Sơn, Mộc Sơn. Tuy nhiên, đến nay ngoài việc di dời các hộ dân chế tác đá trong khu dân cư đã cơ bản hoàn thành, còn lại chưa vệt nào giải tỏa được trọn vẹn.

"Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã thống nhất thực hiện theo lộ trình giải phóng mặt bằng đến năm 2021-2022 vì khu vực này có rất đông dân cư sinh sống. Trong quá trình thực hiện, một lưu ý đặt ra là việc "xã hội hóa" dự án nhưng phải tiến hành cẩn trọng, phù hợp với Luật di sản văn hóa" - ông Nguyễn Hòa cho biết.

Theo PGS.TS kiến trúc sư Phạm Tứ - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn là một tuyệt tác cảnh quan thiên nhiên vừa huyền ảo vừa mộng mơ, không chỉ của miền Trung mà còn là vùng đất địa linh vô cùng quan trọng của cả nước. Do vậy cần bảo tồn, tôn tạo, phát triển danh thắng hài hòa trong quy hoạch tổng thể đô thị Đà Nẵng hiện tại, hướng đến một di sản văn hóa của nhân loại trong tương lai.

Bảo tàng Phật giáo đầu tiên

Cuối năm 2015, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam ra đời, nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm (48 Sư Vạn Hạnh, Q.Ngũ Hành Sơn) có diện tích 700m2, đặt tại tầng 2 ngũ giác đài Sen Ngọc.

Bảo tàng trưng bày hơn 500 hiện vật, trong đó có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ, có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn. Tại đây cũng hội tụ nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu như gỗ, đồng, đá, ngọc, gốm...

Đặc biệt nổi bật có bộ tám tượng Phật Mật Tông, nhiều tượng Phật thời Champa với đa dạng hình dáng, bức tranh Đức Phật nhập niết bàn...

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên