Người Pháp ghi lại cảnh chế tác đá ở dưới chân ngọn Hỏa Sơn ngày xưa - Ảnh chụp lại trên ebay.com
Dù bây giờ việc khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn bị cấm hoàn toàn nhưng với bàn tay vàng của những nghệ nhân, làng đá Non Nước nay đã thành thương hiệu danh tiếng.
Từ triều Gia Long, một điều luật đã được ban hành, theo đó chỉ duy quốc gia mới có chủ quyền chuyên mãi đá cẩm thạch ở Ngũ Hành Sơn trong tỉnh Quảng Nam. Do đó, nay tiếp tục nghiêm cấm bất cứ kẻ nào, làng nào xâm phạm vào những ngọn núi đá cẩm thạch này
(Một chỉ dụ của Hội đồng cơ mật năm Khải Định thứ 4)
Người hồi sinh làng đá
Dù đã bước qua tuổi 73 nhưng mỗi khi có thời gian, lão nghệ nhân Nguyễn Việt Minh ở làng đá Non Nước (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vẫn tay búa, tay đục.
Đã mấy lần "rửa tay gác kiếm" vì con cháu lo cho sức khỏe nhưng ông vẫn không thể nào bỏ được cái nghề đã vận theo mình cả đời.
"Lúc chưa độc lập, người Pháp cho đặt nhà máy to đùng dưới chân hòn Mộc Sơn rồi làm một đường ray kéo dài cả trăm mét ra tới đường chính. Ở đó có một nhà máy nghiền những tảng đá to thành những viên gạch chuyên để làm đường ở Đà Nẵng, Hội An. Cha tôi và những người có chút tay nghề đều bị bắt đi làm phục dịch ở nhà máy này" - ông Minh đưa tay vẽ một đường quanh núi.
Ông Minh sinh ra dưới chân núi khi tổ tiên 5 đời đã gắn với nghề đục đẽo đá. Thuở bấy giờ, người dân xứ này vẫn sống chính bằng nghề nông.
Khi mùa vụ nhàn rỗi, những lực điền trong làng lại... mang búa lên núi kiếm vài khối đá về đục đẽo để phụ nữ trong làng có thứ mang ra chợ đổi thức ăn.
Ông Minh kể: "Dù tôi nghe ông già (cha) kể sản phẩm của làng đã mấy lần được Pháp chọn sang đấu giá ở Marseille hồi thế kỷ 19 nhưng lúc tôi ra đời sản phẩm từ đá vẫn còn rất đơn giản. Nó chủ yếu đáp ứng nhu cầu của cư dân quanh vùng như làm chày, cối hoặc bia mộ".
Khi có chút sức vóc, ông Minh làm học trò nghệ nhân Nguyễn Chất, tốt nghiệp trường mỹ thuật thời Pháp. Bấy giờ, tay nghề của người dân làng đá đã đủ để làm các món đồ tinh xảo và thương mại như vòng đeo tay, ống tăm, bình cắm hoa...
Sau khi bị địch bắt, rồi trao trả sau Hiệp định Paris, ông Minh về lại quê hương. Nghề đá lúc bấy giờ gần như tàn lụi bởi "cơm không có ăn thì chế tác đá mần gì", lớp nghệ nhân ban đầu đã "rơi rụng" qua chiến tranh trong khi chưa có người kế cận.
Trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé thăm làng đá và động viên người dân trở lại nghề, HTX điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ra đời với khoảng 100 xã viên.
Ông Nguyễn Việt Minh làm chủ nhiệm với 30 thợ điêu khắc và tiên phong mở lớp dạy nghề cho con em khắp vùng.
"Truyền thống của làng chỉ có cha truyền con nối, nhiều gia đình khi chế tác còn khoanh mái che kín, tuyệt đối không truyền cho người ngoài. Tôi làm điều chưa có tiền lệ nên gặp rất nhiều chỉ trích. Bởi có như thế thì làng nghề mới nhanh hồi sinh" - ông Minh nói.
Học trò của ông Minh bây giờ có hơn 300 người, họ là những nghệ sĩ điêu khắc được Nhà nước phong danh, chủ doanh nghiệp lớn chế tác, kinh doanh đá mỹ nghệ khắp miền Trung. Ông Minh là một trong ba người đầu tiên tại làng đá được phong nghệ nhân ưu tú.
Chế tác đá ở làng đá Non Nước, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Mang tượng ra thế giới
Nếu như lão nghệ nhân Nguyễn Việt Minh là người mở lối hồi sinh làng đá thì lớp nghệ nhân như ông Nguyễn Long Bửu là hậu sinh kế cận thổi hồn vào các pho tượng đá.
Ông Bửu cho biết khi hết "ngăn sông cấm chợ", du khách nước ngoài đến thăm Ngũ Hành Sơn nhiều hơn. Họ tìm mua những sản phẩm của làng nghề về làm quà tặng.
Lúc bấy giờ dân làng cũng thoải mái trong việc nhập đá chế tác từ khắp nơi về sau khi có lệnh cấm khai thác đá trên núi.
Lượng du khách đến với khu danh thắng nhiều tầng lớp mang tới những yêu cầu khác nhau về phong cách tượng đá các loại. Điều này buộc lớp nghệ nhân không những khéo tay nghề mà còn phải có trình độ thẩm mỹ và phương tiện hành nghề để đáp ứng
Khi yêu cầu đặt hàng phong phú, người thợ ở đây buộc phải học thêm nhiều phong cách điêu khắc, họ phải rèn giũa thêm về nghệ thuật sắp đặt và lịch sử điêu khắc khi chế tác đình chùa miếu mạo hoặc lân phụng, sư tử, nghê đá...
Khi làm các pho tượng tôn giáo hoặc tạc tượng theo ảnh, họ phải biết thêm về thần thái học.
Ông Bửu nói: "Bằng cách này người thợ điêu khắc đã có những bước chân đầu tiên trên con đường nghệ thuật đẳng cấp. Rồi họ tham gia các cuộc thi chế tác lớn trên thế giới để học hỏi và gặt hái giải thưởng. Đến bây giờ thì không kiểu tượng nào mà nghệ nhân ở đây chưa kinh qua chế tác".
Ông Bửu nói lớp nghệ nhân Non Nước bây giờ nhiều người đã đạt đẳng cấp thượng hạng. "Tôi chỉ là người may mắn được thừa hưởng "nhân" tốt của nghề khi mấy đời tổ tiên đã quen với đá, rồi được học bài bản và lập nghiệp lúc nghề đang thịnh nên mức độ nghề nghiệp được chín muồi" - ông Bửu đúc kết.
Hiện nay, tác phẩm của nghệ nhân làng đá Non Nước được trưng bày ở nhiều nước như Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Nhật... Họ cũng nhận đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Những sản phẩm từ đá ở đây không chỉ trở thành thương hiệu mà còn là nguồn sống chính của người dân nơi đây.
Số cơ sở chế tác đã lên trên 500 với hơn 6.000 người tham gia, trong đó có hàng chục người ở đẳng cấp nghệ nhân, theo Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Làng di sản
Theo lão nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, làng đá Non Nước ra đời cách đây hơn 300 năm.
Năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được quy hoạch lại.
Hiện nay các khu chuyên doanh, đặt tượng được bố trí trên một số tuyến đường gần danh thắng. Riêng khu vực chế tác được dời xa khu dân cư để đảm bảo môi trường và cảnh quan.
Ông Võ Đức Huy, trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cho biết hiện nay khu vực làng nghề được quy hoạch tách biệt so với khu dân cư và đảm bảo các điều kiện xử lý nước thải cũng như hạ tầng vận chuyển đá.
_______
Kỳ cuối: Giành lại nét "thủy tú, sơn kỳ"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận