12/10/2017 16:51 GMT+7

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 4: Bằng chứng hội nhập và thủy lộ biến mất

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Ngày 23-2-2010, một nhóm sư thầy hơn 30 người từ ngôi chùa cổ Jomyo, TP Nagoya đến sân bay Đà Nẵng mang theo một món quà quý. Từ sân bay họ đến thẳng Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 4: Bằng chứng hội nhập và thủy lộ biến mất - Ảnh 1.

Một đoạn sông Cổ Cò nay biến thành đầm nuôi cá - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Dấu tích giao thương trên dòng sông này chính là bến Vịnh Miếu Ông Chài. Người dân vẫn gọi đây là Bến Ngự, Cồn Ngự vì một thời thuyền vua cập bến mỗi khi đến vãn cảnh Non Nước

Ông Đặng Quang Tín

Món quà 400 năm

"Tôi trao lại cho thầy bức tranh này là bằng chứng bền chặt về mối quan hệ xa xưa mà tiền nhân chúng ta đã gây dựng. 

Sự giao lưu và gắn bó lâu đời của hai nền Phật giáo chúng ta là khởi điểm giao lưu văn hóa của hai dân tộc" - đại sư Vĩnh Tam Lan (trụ trì chùa Jomyo) nói khi trao món quà cho thượng tọa Thích Hạnh Mãn (trụ trì chùa Tam Thai).

Món quà được các nhà sư Nhật Bản tặng chính là phiên bản bức tranh Thác kiến Quan Thế Âm có niên đại 400 năm trước. 

Đây là bức vẽ tượng Phật ngồi phiêu diêu tự tại trên tảng đá, phía sau người là ánh sáng hào quang. 

Bức tranh này cùng với bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được xem là hai bức tranh quý giá đang được lưu giữ tại chùa Jomyo. 

Tranh Thác kiến Quan Thế Âm là món quà của An Nam quốc vương (thời Nguyễn) thỉnh từ chùa Ngũ Hành Sơn tặng thuyền Châu Ấn của dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền đến buôn bán tại Hội An thế kỷ 17. Khi về nước, thương nhân Chaya mang đến tặng cho chùa Jomyo.

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 4: Bằng chứng hội nhập và thủy lộ biến mất - Ảnh 3.

Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật khắc vào vách đá trong động Hoa Nghiêm ở ngọn Thủy Sơn Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Riêng về bức Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ, đại sư Vĩnh Tam Lan cho biết đây là bức tranh màu nước đồ sộ cao 0,8m, dài gần 5m. 

Theo thời gian, bức tranh này đã bị mất một phần, phần còn lại cho thấy bốn cảnh quan: cảnh thuyền Châu Ấn rời Nhật Bản đi Giao Chỉ và cập bến Hội An (Đàng Trong của Đại Việt), cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho một người được cho là vua chúa triều Nguyễn; cảnh phố Nhật ở Hội An; cảnh trong đất liền có ngôi nhà lớn.

Thượng tọa Thích Hạnh Mãn kể trụ trì chùa trước đây khi còn sống đã từng nhắc về bức tượng nguyên tác của tranh Thác kiến Quan Thế Âm. Tiếc rằng không hiểu vì sao mà bức tượng không còn ở đây nữa. 

"Đây là điều đáng tiếc khi bức tranh được các nhà sư Nhật Bản gìn giữ suốt 400 năm qua. Nay phiên bản Thác kiến Quan Thế Âm đã về lại Tam Thai để hậu thế biết rằng Ngũ Hành Sơn một thời là kinh đô Phật pháp xứ Đàng Trong, thu hút cả các thương nhân nước ngoài đến đây chiêm bái. Điều này chứng tỏ Phật giáo Việt Nam thế kỷ 17 đã hội nhập và mang tính quốc tế hóa cao" - thầy Mãn nói.

Dấu tích của thương gia Nhật ở Ngũ Hành Sơn được xác thực vào năm 1640 trên tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật khắc vào vách đá trong động Hoa Nghiêm ở ngọn Thủy Sơn tồn tại mãi đến ngày nay. Bia ghi lại công đức của những người đã có công đóng góp xây dựng chùa. 

Trong số hơn 30 cái tên có tám người Nhật cùng vợ được khắc tên kèm theo thông tin quê quán, số tiền "cúng dường".

Thầy Thích Hạnh Mãn cho biết đã có một số nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản đến thăm lại văn bia này. 

Thậm chí cuối năm 2013, Đại học Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng còn tổ chức hội thảo "Lịch sử và triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhìn từ miền Trung Việt Nam". 

Trong đó các nhà nghiên cứu Nhật đều đánh giá cao những điểm tương đồng về văn hóa, nhất là văn hóa Phật giáo tại hai quốc gia mà khởi điểm sớm nhất từ Hội An và Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 4: Bằng chứng hội nhập và thủy lộ biến mất - Ảnh 4.

Tăng sư chùa Jomyo, Nhật Bản (đeo kính) trao lại bức Thác kiến Quan Thế Âm cho sư trụ trì chùa Tam Thai,

Ngũ Hành Sơn - Ảnh: HIỀN MINH

Khơi lại dòng chảy Cổ Cò

Đầu thế kỷ 20, vùng đất tọa lạc năm ngọn núi vẫn còn là một nơi cách trở. Vậy tại sao những thương gia Nhật Bản lại có cuộc du hành từ 400 trăm năm trước đến đây? Đáp án đó chính là dòng sông bị bồi lấp mang tên Cổ Cò. 

Đây chính là thủy lộ quan trọng chạy song song với bờ biển nối từ Hội An đến sông Hàn. Dòng sông trở nên hữu dụng khi là nơi tránh gió, neo tàu chờ được cấp phép giao thương của thương gia Nhật.

Thế kỷ 17, khi thương cảng Hội An trở thành cửa ngõ của xứ Đàng Trong, những cuộc giao du của người nước ngoài tới "danh sơn xứ Quảng" theo dòng sông này. 

Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán từng nhắc đến con sông khi ông từ Hội An đáp thuyền đến Ngũ Hành Sơn. 

Ông chép rằng chợp ngủ trên thuyền chừng nửa giờ đã thấy phương Đông sáng bạch, khoác áo choàng đứng dậy thấy sóng yên nước lặng. Khi hỏi những người gần đấy, ông mới biết đây là nơi trú ẩn, tránh gió của nhiều đoàn thuyền chở lương vào Hội An.

Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rằng Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) nằm ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía tây núi Tam Thai và nhập với sông Cẩm Lệ. Dòng sông dần dần bị bồi lấp sau triều Tự Đức.

Một ngày cuối thu, chúng tôi xuôi dòng Cổ Cò để hình dung về con đường mà thương gia Nhật Bản đã đi trước đó nhiều thế kỷ, đến đoạn tiếp giáp Quảng Nam thì phải lên bờ đi bộ bởi dòng sông đã bị bồi lấp. 

Nhiều khúc sông nay đã thành đầm, ao trồng rau muống của người dân. Người cùng đi với chúng tôi, ông Đặng Quang Tín, đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về núi Ngũ Hành Sơn nhận định thời gian "dòng sông chết" vào cuối thế kỷ 19. 

Ông cho rằng thời điểm này nhiều binh biến, cũng như giao thương đường bộ phát triển thì Hội An không còn giữ được sự hưng thịnh như thời hoàng kim với vị thế cửa ngõ xứ Đàng Trong.

"Dấu tích giao thương trên dòng sông này chính là bến Vịnh Miếu Ông Chài. Người dân vẫn gọi đây là Bến Ngự, Cồn Ngự vì một thời thuyền vua cập bến mỗi khi đến vãn cảnh Non Nước" - ông Tín cho biết.

Những người tâm huyết với Ngũ Hành Sơn như ông Tín đang chờ dòng sông lịch sử này sống lại bởi gần đây chính quyền hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã bắt tay nhau để khơi thông lại dòng chảy cho sông Cổ Cò.

Phật giáo xứ Đàng Trong mang tính quốc tế cao

Theo giáo sư Lê Mạnh Thoát (hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam), bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật đã cho chúng ta thông tin đáng tin cậy về hoạt động của Phật giáo vùng này kể từ khi vua Trần Nhân Tông sáp nhập hai châu Ô, Lý thành miền đất Thuận Quảng.

Điểm đặc biệt hơn nữa là danh sách người cúng tiền có những phật tử Nhật Bản, Trung Quốc chứng tỏ Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 17 đã hội nhập và mang tính quốc tế cao, thu hút sự quan tâm, sùng bái của không chỉ dân tộc mình mà còn cả dân tộc khác.

***************************

Kỳ tới: Người anh hùng mang tên núi

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên