Qua mỗi mùa thi, chúng ta lại được chứng kiến và chia sẻ rất nhiều câu chuyện, hình ảnh đẹp từ những thí sinh vừa bước vào tuổi 18.
Mùa thi năm nay, đó là những thí sinh sáng đi chăn bò, chiều đến trường thi, là cô học trò nghèo Nguyễn Thị Thu Thủy, lớp 12/2 Trường THPT Tiểu La, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Ẩn chứa sau những câu chuyện đẹp ấy là nghị lực phi thường, có sức lan tỏa, là tấm gương không chỉ cho các bạn đồng trang lứa học tập.
Cô học trò nghèo Nguyễn Thị Thu Thủy bộc bạch: "Tôi hoàn thành xong hết bài thi rồi, mọi thứ tốt đẹp. Chỉ có nỗi đau mất bà và mất ba, những vết thương của mẹ thì không thể nào chịu đựng nổi. Nhưng tôi sẽ hoàn thành di nguyện của ba là cầm tấm bằng đại học về nhà đặt trên bàn thờ ba!".
Trở lại với kỳ thi, đề thi môn văn khơi gợi "đánh thức tiềm lực" và trách nhiệm cá nhân, dù có tranh luận nhưng cũng được các nhà giáo nhận xét là ý nghĩa và cần thiết.
Thầy Trần Hinh, khoa văn học Trường ĐH KHXH&VN (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét: "Có thời chúng ta quên mất rằng nếu con người thờ ơ, tham lam, hời hợt và không được trang bị những kiến thức mới mẻ, khoa học thì các "tài nguyên" ấy vẫn chỉ là số không".
Vậy, "thờ ơ, tham lam, hời hợt và không được trang bị những kiến thức mới mẻ, khoa học…" có phải là một "nghịch cảnh" mà chúng ta cần có nghị lực để vượt qua?
Có thể trả lời ngay: tất cả các vấn đề kể trên đang là một dạng "nghịch cảnh", rất cần nghị lực để vượt qua.
Chúng ta hay kể nhau nghe chuyện nước Nhật phồn vinh dù không có tài nguyên và cũng chẳng giấu giếm sự ngưỡng mộ về nghị lực của người Nhật. Hay nói cách khác, yếu tố con người đã góp phần tạo ra nước Nhật phồn vinh.
Và dù ai cũng đồng tình "con người là yếu tố quyết định thành bại" nhưng nhiều người lại thờ ơ, hời hợt trước những lạc hậu, trì trệ, yếu kém trong xã hội, một cách mặc nhiên chấp nhận nghịch cảnh.
Chấp nhận nghịch cảnh là chấp nhận nghèo khó, lạc hậu. Muốn thay đổi "nghịch cảnh" cần phải có nghị lực.
Muốn có nghị lực phải có sức mạnh tinh thần để kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách.
Chúng ta không thể có sức mạnh đó nếu cứ để thờ ơ, tham lam, hời hợt làm chủ chúng ta từ trong suy nghĩ đến hành động.
Bài học đó thể hiện rất rõ qua nghị lực vươn lên của các thí sinh sáng chăn bò chiều đến trường thi, hay của cô học trò Nguyễn Thị Thu Thủy. Đó chính là nghị lực tuổi 18.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận