Ngày 4-5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024, nhằm phục vụ công tác tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.
Tham dự ngày hội, các bạn học sinh, sinh viên được giải đáp thắc mắc trong tọa đàm "Đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường".
Nhân lực du lịch thiếu khắp nơi
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đinh Công Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Hà Nội - cho hay nhà trường đã có trên 30 năm đào tạo ngành du lịch. Hiện tại trường đang đào tạo bốn ngành liên quan là văn hóa du lịch, lữ hành hướng dẫn, hướng dẫn du lịch quốc tế, quản trị du lịch.
Theo ông Tuấn, du lịch là một trong những ngành đang rất hot của nhà trường, điểm đầu vào ở mức tương đối cao so với các ngành học khác. "Sinh viên học du lịch ra trường không sợ thất nghiệp vì nhu cầu của xã hội đang còn rất lớn", ông Tuấn khẳng định.
"Đợt lễ 30-4, 1-5 năm nay người đi 'chữa lành' rất đông. Theo thống kê có khoảng 9 triệu lượt khách tham gia 'chữa lành' dịp lễ vừa qua, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có hơn 3 triệu lượt khách lưu trú. Điều này cho thấy rằng ngành du lịch đang rất hot", ông Tuấn nói.
Ông Bùi Tất Hiếu - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội - thông tin hiện nay ở hầu hết các tỉnh/thành phố trên cả nước đều thiếu lượng lớn nhân lực ngành du lịch.
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, dự kiến năm 2025 Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu khách quốc tế, nhân lực cần khoảng 5,5 triệu lao động. Đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức với những người đang theo đuổi lĩnh vực này.
Theo ông Hiếu, để ra trường có thể "thực chiến" tốt, sinh viên du lịch cần phải nắm chắc kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Các bạn phải học kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, marketing du lịch, tổng quan du lịch. Nếu học hướng dẫn viên du lịch, sinh viên phải trang bị những kiến thức về hướng dẫn viên du lịch, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành…
"Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số, các bạn sinh viên phải chuẩn bị kỹ kiến thức về công nghệ và ngoại ngữ. Ngoài kiến thức chuyên môn, còn phải chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp về thuyết trình, quản lý đoàn, kỹ năng lãnh đạo, giải quyết tình huống phát sinh…
Đối với lĩnh vực du lịch, chúng ta phải luôn luôn tìm tòi, phát triển khả năng của bản thân, quan tâm các vấn đề về văn hóa, môi trường, đặc biệt phải tôn trọng khách trong suốt hành trình", ông Hiếu nói.
Học cải lương, tuồng, đừng lo thất nghiệp
TS.NSND Lê Tuấn Cường - phó giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - chia sẻ hiện nay tuyển sinh nghệ thuật sân khấu cải lương, tuồng rất vất vả. Ông Cường khuyên học sinh, sinh viên đừng ngại theo đuổi nghệ thuật truyền thống vì "sợ ra trường không có chỗ làm".
"Thực chất, nghệ thuật sân khấu là mạch nguồn của dân tộc, là triết lý nhân sinh, lời thơ của cha, lời ru của mẹ. Chính vì lẽ đó, các bạn sinh viên đừng ngại khi theo học nghệ thuật truyền thống ra trường không có việc làm. Các bạn cứ yên tâm, các nhà hát của cả nước sẵn sàng đón nhận các bạn", ông Cường nói.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi - phó hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - thông tin thêm thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với sinh viên học lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt các ngành đặc thù như múa, kịch hát dân tộc, sinh viên theo học được miễn học phí 70% và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Theo ông Thi, năm 2024 nhà trường sẽ tuyển sinh chuyên ngành mới là đạo diễn sản xuất nội dung số. Ông Thi nhận định đây là chuyên ngành có nhu cầu nhân lực lớn tại các đài truyền hình, hãng truyền thông, các công ty truyền thông.
Với khối ngành diễn viên, từ năm nay nhà trường cũng sẽ mở chuyên ngành mới là diễn viên nhạc kịch.
Bà Phạm Hoài Diệp - đại diện Đại học Western tại Việt Nam - cho biết hiện có rất nhiều người theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh đang lo lắng AI có thể thay thế nhiều công việc trong tương lai. Tuy nhiên, theo bà Diệp, với sinh viên học các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch thì đây lại là thời điểm vàng để phát triển.
"Khi đọc hàng loạt báo cáo của hiệp hội các trường đại học tại Anh, Sở Lao động của Mỹ, được biết rằng trong 5 năm tới nhóm lao động về nghệ thuật, văn hóa, thể thao và du lịch sẽ có nhu cầu nhân lực tăng lên tới 30%.
Khi AI có thể hỗ trợ công việc, mọi người sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho các lĩnh vực như văn hóa, học nghệ thuật, rèn luyện sức khỏe, đi du lịch… Tôi nghĩ đây sẽ là thời điểm vàng của các bạn sinh viên đang theo những ngành này", bà Diệp chia sẻ.
Học giáo dục thể chất có làm lãnh đạo được không?
Một sinh viên đặt câu hỏi: Em học giáo dục thể chất Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, sau này ra trường công tác em có thể trở thành cán bộ lãnh đạo ở các trường THPT hoặc trường đại học được không?
Trả lời sinh viên, PGS.TS Đặng Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh - cho biết điều này "hoàn toàn có thể".
"Có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục thể chất và các chuyên ngành khác của nhà trường đã trở thành lãnh đạo các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, ông Vũ Mạnh Tuấn - cựu sinh viên khóa 40, hiện đang là giám đốc điều hành hệ thống giáo dục FPT tại Hà Nam; ông Nguyễn Văn Quang - cựu sinh viên khóa 39, hiện đang là hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp FPT Bắc Ninh; thầy Lê Trung Kiên, hiện nay là hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội; thầy Vũ Ngọc Thường - phó hiệu trưởng Trường THPT Cam Ranh, Khánh Hòa; thầy Nguyễn Đức Lưu - hiện là hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.
Ban giám hiệu Trường đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh hiện nay cũng đều là cựu sinh viên tốt nghiệp ngành học giáo dục thể chất của trường", ông Dũng lấy dẫn chứng.
Theo ông Dũng, sinh viên hoàn toàn có thể yên tâm, với những nỗ lực phấn đấu trong nghề nghiệp sinh viên có thể đạt được ước mơ, hoài bão trở thành lãnh đạo trong các trường phổ thông, trường cao đẳng, đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận