Đại diện phụ huynh của Học viện Múa Việt Nam bức xúc cung cấp thông tin cho báo chí - Ảnh: NGỌC DIỆP
325 người học này gồm những học sinh (từ K40 đến K43) đang học hệ trung cấp và những sinh viên (từ K2 đến K6) đang học hệ cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam.
Họ là lứa được học viện tuyển khi chuyển từ trường trung cấp lên Trường cao đẳng Múa Việt Nam. Tới năm 2019, Trường cao đẳng Múa Việt Nam mới chuyển lên Học viện Múa Việt Nam.
Đi thi ĐH mới "té ngửa" không có bằng THCS, THPT
T.A., sinh viên K4 chuyên ngành diễn viên múa hệ cao đẳng liên thông, sau khi hoàn thành kỳ thi sát hạch trung cấp của Học viện Múa Việt Nam đã đỗ vào Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Học một tháng, T.A. về học viện để lấy bằng trung cấp thì được trả lời là học viện chưa thể cấp bằng.
Sau đó, gia đình T.A. tới học viện rút học bạ thì mới "ngã ngửa". Vì học viện không liên kết với Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy nên T.A. không có mã định danh, tức học bạ THCS do học viện cung cấp vô giá trị.
Học viện cũng đã tổ chức cho người học của mình thi tốt nghiệp THPT (thay vì yêu cầu học sinh tham gia kỳ thi THPT cấp quốc gia), nhưng kỳ thi này cũng không có giá trị pháp lý theo quy định hiện hành.
Sinh viên N.V. thuộc K2 diễn viên múa hệ cao đẳng được học viện cấp bằng cao đẳng. Tới khi đi thi ĐH thì N.V. mới biết bằng này không có giá trị.
Ông Hoàng Nhật Cường, cha của N.V., cho biết: "Tấm bằng cao đẳng học viện cấp cho con tôi không có giá trị pháp lý, vì cháu chưa có bằng THCS và chưa có bằng THPT. Với tấm bằng này cháu không thể vào biên chế các đoàn, ngay cả xin đi dạy ở các trường thôi cũng không có cơ hội".
"Quên" liên kết với cơ sở giáo dục thường xuyên
Theo Luật giáo dục cũ, với ngành đặc thù thì Bộ GD-ĐT và bộ chuyên ngành thống nhất với nhau xây dựng chương trình cho các trường cao đẳng.
Năm 2004, Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT&DL đã thống nhất chương trình khung cho các trường nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT&DL, trong đó có Trường cao đẳng Múa Việt Nam.
Năm 2019, Trường cao đẳng Múa Việt Nam được nâng cấp lên thành Học viện Múa Việt Nam. Theo nếp cũ, học viện vẫn tuyển học sinh đã học xong lớp 6 của các trường THCS bên ngoài vào dạy thẳng một lèo cả chuyên môn nghệ thuật và văn hóa. Khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng và xin vào các đoàn nghệ thuật để làm việc.
Tuy nhiên, khi Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật giáo dục năm 2019 được thông qua thì Học viện Múa Việt Nam không có quyền cấp bằng THCS cũng như bằng THPT. Học viện phải liên kết với các cơ sở giáo dục thường xuyên bên ngoài để đảm bảo khối kiến thức văn hóa cho người học của mình.
Nhóm 325 học sinh, sinh viên nói trên được học viện đào tạo theo nếp cũ nên không có bằng THCS và THPT, do đó không thể thi lên ĐH.
Học lại kiến thức THCS, THPT?!
Sau khi hội phụ huynh làm việc với Học viện Múa Việt Nam, lãnh đạo học viện cho biết học viện chưa thể cấp bằng trung cấp cho học sinh, sinh viên. Học viện đề xuất nhóm 325 học viên "quay đầu" về học lại kiến thức THCS, THPT.
"Các con đều đã 18 tuổi mà phải quay trở về học kiến thức lớp 7 thì chúng tôi không thể chấp nhận. Các anh chị vào trường sẽ thấy các con học từ 7h sáng đến 18h, tối cả chuyên môn múa và kiến thức văn hóa, vô cùng cực nhọc. Học hành ngần ấy năm mà giờ trắng tay. Chúng tôi rất sốc" - phụ huynh Phạm Thị Thanh Thủy bức xúc nói.
Tìm biện pháp tháo gỡ
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Hải - giám đốc Học viện Múa Việt Nam - cho biết Ban giám đốc học viện đã có tờ trình gửi lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Bộ GD-ĐT để tháo gỡ những khúc mắc này cho phụ huynh và học sinh sao cho thỏa đáng nhất. "Thời gian tới chúng tôi sẽ có buổi làm việc với ban phụ huynh để giúp họ hiểu rõ hơn. Phụ huynh hãy kiên nhẫn chờ đợi kết quả giải quyết của các cấp, các ngành" - ông Hải nói.
Đại diện của Bộ VH-TT&DL cũng cho biết bộ này đang chuẩn bị làm việc với Bộ GD-ĐT để tháo gỡ vấn đề theo hướng có lợi cho người học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận