Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm nay tiếp tục tuyển sinh hệ trung cấp - Ảnh: HVANQGVN
Ngành văn hóa nghệ thuật có đặc thù là nhân lực của ngành này đều phải được đào tạo từ nhỏ. Nghệ sĩ múa hay nghệ sĩ chơi nhạc cụ muốn làm nghề cần phải được đào tạo từ hệ sơ cấp, trung cấp đi lên. Do đó với các trường văn hóa nghệ thuật, hệ trung cấp có một vai trò rất quan trọng.
Trước kia Luật giáo dục nghề nghiệp cho phép các trường ĐH có thể đào tạo trung cấp, CĐ với điều kiện được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép. Tuy nhiên kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ trung cấp, CĐ nữa. Trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ do giáo dục nghề nghiệp phụ trách.
Vì lý do này mà năm nay Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Học viện Múa Việt Nam không được tuyển sinh hệ trung cấp. Tháng 7 vừa qua, sau khi hai học viện kêu cứu, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cơ quan chủ quản của hai học viện, đã phải làm tờ trình gửi lên Chính phủ để giải quyết "nút thắt" này.
Mới đây, giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn cho biết đơn vị bắt đầu tuyển hệ trung cấp: "Chúng tôi vẫn làm theo kết luận 154 của Thủ tướng cho phép học viện vẫn giữ nguyên mô hình cũ, tuyển bình thường. Chúng tôi đã xin ý kiến theo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, bộ cho tuyển bình thường".
Trong khi đó Học viện Múa Việt Nam sau khi gửi công văn lên Bộ Lao động - thương binh và xã hội, nhận được phản hồi bằng văn bản với nội dung không được phép đào tạo trung cấp, đến thời điểm này vẫn phải đợi cơ chế.
"Chúng tôi vẫn phải chờ tờ trình của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch được Chính phủ phê duyệt thì mới được phép tuyển sinh. Còn hiện tại chưa tuyển sinh được. Nếu được phê duyệt, học viện sẽ tuyển sinh trong năm, chia làm vài đợt tuyển khác nhau. Không được tuyển sinh học viện bị xáo trộn rất lớn nhưng không biết làm thế nào", quyền giám đốc học viện, ông Trần Văn Hải, cho biết.
Hiện chưa biết Chính phủ sẽ có "cơ chế đặc thù" nào để gỡ cho hai học viện này vì muốn thay đổi buộc phải sửa luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận