01/09/2018 10:54 GMT+7

ĐHQG Hà Nội đào tạo cử nhân cho tài năng thể thao

KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ
KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ

TTO - Giấc mơ được đến giảng đường đại học của những tài năng thể thao Việt Nam mở rộng, khi Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mở chương trình đào tạo cử nhân cho các tài năng thể thao từ năm học 2019-2020.

ĐHQG Hà Nội đào tạo cử nhân cho tài năng thể thao - Ảnh 1.

Trương Minh Sang - VĐV, HLV môn thể dục dụng cụ VN - Ảnh: TẤN PHÚC - NVCC

Không chỉ hàng ngàn vận động viên, huấn luyện viên thể thao trên cả nước mừng vui mà chính các nhà quản lý thể thao cũng xúc động trước thông tin này. 

Mấy chục năm qua, câu chuyện "đầu ra" cho vận động viên thể thao làm xã hội phải đau đầu thì nay được mở lối.

Chúng tôi thật sự rất cảm ơn và hoan nghênh ĐHQG Hà Nội đã có một chương trình đào tạo cho VĐV tài năng của thể thao VN, điều trước đây chưa có một trường ĐH nào tại VN thực hiện. Tôi hi vọng trong tương lai, không chỉ ĐHQG Hà Nội mà sẽ có thêm nhiều trường ĐH có chương trình, khóa học riêng cho tài năng thể thao

Ông TẦN LÊ MINH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tần Lê Minh - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thể dục thể thao - cho biết Tổng cục TDTT sẽ sớm liên hệ với ĐHQG Hà Nội để tìm hiểu về chương trình đào tạo, sẵn sàng hỗ trợ thông tin để trường hoàn thiện chương trình. 

Cơ hội

Vận động viên thể thao Việt Nam từ trước đến nay thường chỉ có một lựa chọn học đại học, là ghi tên vào các trường ĐH Thể dục thể thao do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý. Lý do là quy chế tuyển sinh của các trường này ưu tiên tuyển sinh các vận động viên thể thao.

Tùy tình hình thực tế mỗi năm, mỗi giai đoạn mà có lúc vận động viên chỉ cần có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia của môn đó, hoặc có huy chương quốc gia, huy chương Đông Nam Á là đã được vào ĐH TDTT. 

Vì bận rộn tập huấn và thi đấu quanh năm, vận động viên thể thao vì thế không có thời gian để học văn hóa, do vậy sau khi tốt nghiệp cấp III (chủ yếu là hệ bổ túc) họ chỉ có một lựa chọn là vào học ĐH TDTT.

Một tỉ lệ rất nhỏ vận động viên đỉnh cao của thể thao Việt Nam sau khi kết thúc sự nghiệp, học xong ĐH TDTT được chuyển sang làm công tác huấn luyện, được biên chế trong lĩnh vực thể thao. Cuộc sống sau sự nghiệp của phần lớn vận động viên ì thế rất khó khăn, phải bươn chải với cuộc đời khi kiến thức về các lĩnh vực khác rất hạn chế.

Vì tương lai bất định đó mà vài năm trước đây, có vận động viên khi được cử đi nước ngoài thi đấu ở môn vật đã... bỏ trốn ở lại, lao động bất hợp pháp.

ĐHQG Hà Nội đào tạo cử nhân cho tài năng thể thao - Ảnh 3.

Lê Quang Liêm đã tốt nghiệp cùng lúc hai tấm bằng đại học chuyên ngành khoa học, tài chính và nghệ thuật, quản lý của Đại học Webster (Mỹ)

Nhiều lựa chọn sau sự nghiệp thể thao

Huấn luyện viên Nguyễn Đình Cương (trưởng bộ môn điền kinh Sở VH-TT&DL Ninh Bình), từng là vận động viên điền kinh số 1 của Việt Nam giành nhiều huy chương vàng SEA Games, chia sẻ: "Tôi rất mừng trước thông tin này bởi với vận động viên thể thao, không gì khó khăn hơn lúc giải nghệ vì không biết gì ngoài chuyên môn thể thao. 

Nay nếu như các vận động viên được đào tạo một tấm bằng đại học về kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ, các bạn ấy sẽ không còn quá lo lắng khi theo thể thao đỉnh cao nữa".

Từ một vận động viên tài năng, tốt nghiệp ĐH TDTT Bắc Ninh, Nguyễn Đình Cương cho biết khi chuyển sang làm công tác quản lý của thể thao Ninh Bình, anh gặp không ít khó khăn. "Giành rất nhiều huy chương quốc gia, quốc tế và tốt nghiệp ĐH TDTT, nhưng khi ra trường tôi như chỉ có hai bàn tay trắng vì chỉ hiểu về thể thao, ngoài ra không biết gì. 

Vừa làm tôi lại vừa phải tự học ngoại ngữ, học vi tính, học kinh tế. Tôi cho rằng chương trình đào tạo cử nhân của ĐHQG Hà Nội ra đời không chỉ là cơ hội cho vận động viên mà các huấn luyện viên, người làm quản lý thể thao như tôi cũng có cơ hội được học thêm" - Đình Cương nói.

Còn Trương Minh Sang - cái tên nổi bật của thể dục dụng cụ Việt Nam hơn một thập kỷ qua - không chỉ giành nhiều huy chương quốc gia, quốc tế cho thể dục dụng cụ. Trên cương vị huấn luyện viên , Minh Sang cũng rất tài năng. 

Thành công của Minh Sang đến từ sự tự học. Anh chia sẻ: "Sau khi giải nghệ, tôi tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, sau đó chuyển sang huấn luyện. Quá trình huấn luyện, tôi phải tự học nhiều thứ, nhất là ngoại ngữ. Ước mơ của nhiều vận động viên sau này không hẳn sẽ là huấn luyện viên thể thao mà có thể là làm về kinh tế, khoa học công nghệ... 

Khi có một trường ĐH tạo điều kiện cho vận động viên tài năng được hiện thực hóa điều đó thì không gì tuyệt vời bằng".

Lê Quang Hòa (vận động viên điền kinh tỉnh Quảng Trị) là một trường hợp khác. Anh là số ít vận động viên hiếm hoi của thể thao Việt Nam vừa tập thể thao vừa thi đỗ khoa xây dựng ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. 

Hòa chia sẻ: "Năm 15 tuổi, tôi được tuyển chọn vào đội điền kinh năng khiếu Quảng Trị. Khi đó, tôi đang học Trường THPT Lê Lợi, TP Đông Hà. Để đảm bảo việc học văn hóa chính quy, hằng ngày tôi phải dậy từ 4h sáng, 4h30 đi tập đến 6h30 về nhà, và sau đó đi học, chiều lại ra sân tập. Cái khó nhất với tôi là quá thiếu thời gian, bởi tập thể thao tốn nhiều thời gian, sức lực trong khi việc học cũng cần".

Năm nay Hòa học năm thứ hai đại học, chương trình học rất nặng và cũng phải tập chăm chỉ để có thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc vào tháng 12. "Vận động viên theo học văn hóa chính quy để đỗ đại học như tôi rất khó khăn" - Hòa nói.

nguyenthaomy_tainangthethao

Nguyễn Thảo My - top 10 giải golf trẻ thế giới - được cấp học bổng và tiếp tục chơi cho đội tuyển golf ĐH Bắc Carolina - Ảnh: TẤN PHÚC - NVCC

Đại học Mỹ "săn" tài năng thể thao Việt Nam

Ít có trường ĐH tại Việt Nam cấp học bổng cho vận động viên tài năng của thể thao Việt Nam, nhưng lại có khá nhiều trường ĐH tại Mỹ đã cấp học bổng toàn phần cho vận động viên Việt Nam. Các vận động viên Lê Quang Liêm, Lê Tuấn Minh (cờ vua), Nguyễn Thảo My (golf), Huỳnh Phương Đài Trang (quần vợt)... đã nhận phần thưởng đó.

Năm 2017, kỳ thủ số 1 Việt nam, có hệ số Elo trên 2700 Lê Quang Liêm đã tốt nghiệp cùng lúc hai tấm bằng đại học chuyên ngành khoa học, tài chính và nghệ thuật, quản lý của ĐH Webster (Mỹ).

Điều đáng nói, Quang Liêm giành học bổng toàn phần của ĐH Webster từ chính thành tích cờ vua Việt Nam. Sau khi sang Mỹ học đại học, Quang Liêm tiếp tục thi đấu trong màu áo của Trường Webster và cùng đội tuyển cờ của trường đoạt huy chương vàng giải cờ vua các trường ĐH tại Mỹ.

Nguyễn Thảo My (20 tuổi) cũng là một trong số các vận động viên Việt Nam được cấp học bổng toàn phần vì thành tích chơi golf. Năm 2015, Thảo My được cấp học bổng toàn phần cho 4 năm học tại khoa tài chính - ngân hàng ĐH Bắc Carolina (Mỹ) và cô đã hoàn thành năm thứ hai ĐH.

Trước đó, Thảo My là VĐV golf của Hà Nội, giành huy chương vàng giải vô địch quốc gia năm 2014, 2015, huy chương vàng đồng đội Đại hội TDTT toàn quốc 2014.

Năm 2015, Thảo My đứng trong top 10 Giải golf trẻ thế giới. Với thành tích này, cô đã được cấp học bổng toàn phần và khi học ĐH cô tiếp tục chơi cho đội tuyển golf của ĐH Bắc Carolina.

lillyking_tainangthethao_my

Nhà vô địch Olympic Lilly King trưởng thành từ phong trào thể thao trong trường

Đầu ra của các vận động viên Mỹ như thế nào?

Tại Mỹ, đa số vận động viên đều xuất thân từ phong trào thể thao của các trường đại học, nên họ đều có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn khá cao. Ngoài việc tập luyện, thi đấu thể thao để chờ đợi cơ may trở thành VĐV ngôi sao, các sinh viên bắt buộc phải hoàn thành chương trình học ĐH.

Kình ngư Lilly King và xạ thủ Ginny Thrasher (HCV Olympic 2016) từng cho biết song song với những buổi tập luyện chuẩn bị cho Olympic, họ vẫn phải hoàn thành các bài kiểm tra toán, thí nghiệm sinh học hay các bài thuyết trình lịch sử.

Các sinh viên Mỹ có mơ ước trở thành VĐV siêu sao đều hiểu rằng họ phải theo đuổi đam mê đến cùng, nhưng cũng không được từ bỏ việc học ĐH bởi đó là sự đầu tư cho tương lai. Vì sao? Trong trường hợp trở thành VĐV ngôi sao như Katie Ledecky (Đại học Stanford) hay Caeleb Dressel (Đại học Florida)..., họ dĩ nhiên trở thành những tỉ phú và không cần phải bận tâm quá nhiều về cuộc sống sau khi giải nghệ.

Nhưng nếu không may, họ chỉ là những vận động viên làng nhàng hoặc phải từ bỏ nghiệp giữa chừng thì cũng có ít nhất tấm bằng cử nhân trong tay. Tấm bằng đó có thể giúp họ tìm được công việc và có cuộc sống ổn định.

Nhờ vậy, ở Mỹ hiếm có chuyện vận động viên đi học ĐH khi giải nghệ. Bởi với họ, sau khi giải nghệ mới học ĐH để bắt đầu hành trình mới là quá muộn.

Người nước ngoài thấy lạ vì người trẻ Việt không chơi thể thao Người nước ngoài thấy lạ vì người trẻ Việt không chơi thể thao

TTO - Sinh viên, học sinh Việt Nam ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vì sao vậy?

KHƯƠNG XUÂN - HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên