08/12/2023 08:02 GMT+7

Ngân hàng phải chấm dứt tập trung vốn cho 'sân sau'

Phải chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc "sân sau" của tập đoàn. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng...

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Ảnh minh họa: NG.PHƯỢNG

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Ảnh minh họa: NG.PHƯỢNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo như vậy tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng tổ chức ngày 7-12.

Khẳng định không có doanh nghiệp và người dân thì không thể có ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" vào những thời điểm doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, cần được chia sẻ.

Theo Thủ tướng, không hạ chuẩn tín dụng, điều kiện cho vay nhưng phải xử lý linh hoạt với những dự án khả thi. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công khai mức lãi suất và chấm dứt tình trạng cho vay với các doanh nghiệp sân sau...

Rà soát điều kiện tín dụng, giảm lãi suất cho vay

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ sự sốt ruột khi cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp và không đồng đều. Đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng mới tăng 9%, trong khi cùng kỳ tăng 12% và chỉ tiêu cho cả năm 2023 là khoảng 14%.

Như vậy, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn trên 700.000 tỉ đồng cấp cho nền kinh tế.

Khẳng định doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với ngành ngân hàng. Không hạ chuẩn các điều kiện cho vay nhưng chúng ta có linh hoạt được không? Có doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?

Theo Thủ tướng, mục tiêu là cần tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, giải quyết thực trạng tiếp cận tín dụng khó, có tiền mà chưa tiêu được.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần kịp thời có cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ công cụ hành chính. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, giảm lãi suất, có gói tín dụng ưu đãi, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

Giao dịch tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh minh họa: T.T.D.

Giao dịch tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh minh họa: T.T.D.

Chấm dứt việc tập trung cho vay một số doanh nghiệp...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm trong tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng nhưng được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn.

Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng.

Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng. Quyết liệt xử lý vi phạm khi kinh doanh tiền tệ trá hình, ngăn chặn tín dụng đen...

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như kéo dài thông tư 02 đến hết năm 2024, sửa đổi thông tư 16 theo hướng bãi bỏ quy định về điều kiện đối với việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, hoàn thiện quy định về cấp tín dụng, sửa đổi thông tư 41 nhằm khuyến khích tổ chức tín dụng mở rộng cho vay nhà ở xã hội, khu công nghiệp, cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách về tín dụng, tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh việc đối thoại, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, xử lý khó khăn vướng mắc trong tín dụng, tạo thuận lợi tiếp cận vốn.

Các ngân hàng được yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; rà soát các dự án, doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện cho vay để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay...

Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị giải pháp như kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Tập trung phát triển các thị trường như khơi thông dòng vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản, có giải pháp hỗ trợ các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản để thu hồi nợ, áp dụng thủ tục rút gọn...

Ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, cần tập trung triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Triển khai gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.

Triển khai quyết liệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025"; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo.

Gần 159.000 tỉ đồng được cơ cấu lại thời gian trả nợ

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị, sau bảy tháng triển khai thông tư 02 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đến ngày 31-10 tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại là 158.694 tỉ đồng với 167.220 lượt khách hàng.

Đến ngày 30-11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, ngân hàng đã cam kết là 1.986 tỉ đồng nhưng mới chỉ giải ngân cho bốn dự án với số tiền 143 tỉ đồng.

Thủ tướng: Không có doanh nghiệp và người dân thì không thể có ngân hàngThủ tướng: Không có doanh nghiệp và người dân thì không thể có ngân hàng

Sáng 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên