Nêu câu hỏi vì sao nguồn vốn vẫn chưa được khơi thông dù các chủ thể liên quan đã cố gắng, Thủ tướng cho rằng cần phải chỉ rõ địa chỉ: Bất cập, hạn chế nằm ở đâu, ai phải tháo gỡ? Tháo gỡ đến bao giờ mới hiệu quả?
Với tinh thần tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng cần lắng nghe ý kiến của các bên liên quan một cách tôn trọng, cầu thị. Các ý kiến cần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nêu các giải pháp khả thi, kịp thời, hiệu quả.
Giải bài toán vốn cho nền kinh tế gặp khó
Theo người đứng đầu Chính phủ, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế. Ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển.
"Vậy làm thế nào nền kinh tế phát triển, hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngân hàng? Làm thế nào để ngân hàng và doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ cho nền kinh tế? Doanh nghiệp là hệ sinh thái của ngân hàng, ngân hàng và doanh nghiệp là hệ sinh thái của nền kinh tế. Các hệ sinh thái không phát triển thì nền kinh tế không phát triển được" - Thủ tướng nói.
Ông dẫn chứng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, bất động sản tăng giá, trong khó khăn nhưng vẫn muốn giữ giá bán như cũ thì liệu có trách nhiệm chung chưa?
Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" thì mới phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Tương tự, ngân hàng có lúc thuận lợi, lúc khó khăn nên cần phải chia sẻ với người dân. Ngân hàng không có doanh nghiệp và người dân thì không thể có ngân hàng.
Vì vậy, Thủ tướng đặt vấn đề: Chính sách phải hết sức linh hoạt, không hạ chuẩn các điều kiện cho vay nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?
Tinh thần là cần tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, giải quyết thực trạng tiếp cận tín dụng khó, có tiền mà chưa tiêu được. Việc bàn thảo cần trên tinh thần thẳng thắn, lắng nghe, tiếp thu.
Đề xuất tiếp tục kéo dài thông tư 02
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, để triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ. Sau 7 tháng triển khai thông tư 02, đến ngày 31-10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỉ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Số dư nợ được cơ cấu tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến phản hồi cho thấy thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của chính sách.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản tháo gỡ, tổ chức các hội nghị đánh giá tình hình cấp tín dụng. Chương trình 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội được triển khai, có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Hiện cơ quan này đang xem xét nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện thông tư 02 để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 ngân hàng thương mại. Kết quả, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỉ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỉ đồng.
Đến ngày 30-11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 918.600 tỉ đồng (tăng 3,17%, chiếm 7,17%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 3,32 triệu tỉ đồng (tăng 7,31%, chiếm 25,94%), ngành dịch vụ đạt gần 8,6 triệu tỉ đồng (tăng 7,9%, chiếm 66,88%); lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỉ đồng, chiếm 24,52%; doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỉ đồng, chiếm 18,34%...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận