17/05/2024 07:29 GMT+7

Nga, Trung Quốc phản đối nước bên ngoài Biển Đông can dự

Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc đến Biển Đông, ám chỉ Mỹ và đồng minh can dự ngày càng sâu vào khu vực.

Hải quân Mỹ và đồng minh trong một hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: Hạm đội 7 Mỹ

Hải quân Mỹ và đồng minh trong một hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: Hạm đội 7 Mỹ

Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, kết thúc các hoạt động tại Bắc Kinh ngày 16-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Cáp Nhĩ Tân tối cùng ngày.

Trước khi rời thủ đô của Trung Quốc, ông Putin và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tuyên bố chung tăng cường quan hệ "trong kỷ nguyên mới".

Bản tuyên bố dài 30 trang, trong đó ghi nhận mối quan hệ giữa hai nước thời gian qua và các biện pháp để củng cố hơn nữa. Đồng thời, nhiều phần trong tuyên bố này thể hiện quan điểm chung của hai nước đối với một số vấn đề khu vực.

Trong đó, Biển Đông đã được nhắc đến, với khẳng định của Nga rằng nước này "ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông".

"Hai bên thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bởi các bên liên quan, thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn, phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của các lực lượng ngoài khu vực vào vấn đề này", tuyên bố có đoạn nêu rõ.

Cũng theo Tass, Nga hoan nghênh những tiến triển bước đầu trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.

Theo một số nhà quan sát, việc Biển Đông được nhắc đến trong tuyên bố chung cho thấy cả Nga và Trung Quốc đều quan tâm đến các diễn biến ở vùng biển này. Thời gian qua, tàu chiến Nga thỉnh thoảng tập trận trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là bên có lợi nhất khi Biển Đông có trong tuyên bố chung với Matxcơva.

"Sự can thiệp của các lực lượng ngoài khu vực" ám chỉ Mỹ cùng các đồng minh như Nhật Bản, Úc và các nước phương Tây khác đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Biển Đông.

Trung Quốc xem các hoạt động của phương Tây tại Biển Đông là nhằm kiềm chế và chống lại nước này. Nước này cũng lập luận rằng tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề của những nước trong khu vực.

Do đó, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối các động thái của Mỹ cùng đồng minh bao gồm tuần tra, tập trận tại khu vực, đồng thời chỉ trích các nước bên ngoài mới là nguyên nhân khiến Biển Đông bất ổn.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cùng đồng minh tin rằng các hoạt động của họ giúp duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, thách thức các yêu sách hàng hải phi lý và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Gần đây nhất, Mỹ và các nước Úc, Nhật Bản đã có các cuộc diễn tập hải quân với Philippines trên Biển Đông. Hải quân Philippines cũng đã phô diễn sức mạnh bằng việc phóng tên lửa đánh chìm một tàu chiến cũ do Trung Quốc sản xuất trong một cuộc tập trận khác với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, việc tuyên bố chung Nga - Trung đề cập đến Biển Đông được cho là có ý nghĩa với Bắc Kinh khi nước này đối mặt với những phản đối và chỉ trích từ phương Tây.

Ngoài Biển Đông, theo liệt kê của Tass, tuyên bố chung Nga - Trung còn nêu đích danh Mỹ để chỉ trích trong một số vấn đề khác ở Đông Bắc Á.

"Mỹ vẫn duy trì lối nghĩ thời Chiến tranh Lạnh và được dẫn dắt bởi tư duy đối đầu giữa các khối, đặt lợi ích an ninh của 'các nhóm khép kín' lên trên an ninh và ổn định khu vực. Điều này tạo ra mối đe dọa an ninh cho tất cả các nước trong khu vực. Mỹ phải từ bỏ hành vi này", tuyên bố chung nêu rõ.

Tuyên bố này cũng phản đối "nỗ lực bá quyền của Mỹ" ở Đông Bắc Á, phản đối các hành động khiêu khích của Mỹ và đồng minh đối với Triều Tiên, lên án việc các nước tịch thu hoặc đóng băng tài sản của nước khác.

Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ và NATO có trách nhiệm với Afghanistan, đồng thời bày tỏ quan ngại về hoạt động xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản...

Mỹ, Philippines tập trận có quân Pháp và Úc: Một liên minh quân sự mới ở Biển Đông?Mỹ, Philippines tập trận có quân Pháp và Úc: Một liên minh quân sự mới ở Biển Đông?

Cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Philippines trên Biển Đông có sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ, trong đó có quân nhân Pháp và Úc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên