Theo trang tin Heritage Daily, wunderwaffe trong tiếng Đức có nghĩa là "vũ khí kỳ diệu". Thuật ngữ này được Đức quốc xã sử dụng để chỉ các "siêu vũ khí" đang được phát triển trong Thế chiến 2.
Đức quốc xã thường xuyên thông báo về các loại vũ khí mới mang tính cách mạng có thể lật ngược tình thế cuộc chiến, với hy vọng nâng cao tinh thần và sự ủng hộ của người Đức. Song rất ít wunderwaffe thực sự được đưa vào chiến trường, đa số các thiết kế vẫn là ý tưởng hoặc nguyên mẫu ban đầu.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 29-12 với Hãng thông tấn RIA (Nga), Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev đề cập đến các gói hỗ trợ khổng lồ mà phương Tây đã gửi cho Kiev trong gần 2 năm qua, kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine tháng 2-2022.
Dựa trên tình hình giao tranh giữa Matxcơva và Kiev, ông Nechayev cho rằng không có wunderwaffe nào của phương Tây có khả năng thay đổi mạnh mẽ tình hình trên chiến trường, dù là xe tăng hạng nặng, hệ thống phòng không, hệ thống tên lửa phóng loạt hay các khẩu pháo howitzer.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội nước này đã tìm cách thích ứng nhanh chóng và đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả trước các thách thức mới được tạo ra từ các chuyến hàng vũ khí của phương Tây.
Theo Đài Russia Today, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển vũ khí cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố chính sách của phương Tây chỉ khiến người nộp thuế ở Liên minh châu Âu phải chịu thêm gánh nặng tài chính.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Đức đã trở thành nhà viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine chỉ sau Mỹ.
Theo Viện kinh tế thế giới Kiel, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2022 đến cuối tháng 10-2023, Berlin đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự trị giá 17 tỉ euro (18,8 tỉ USD).
Tháng trước, Đức cũng công bố họ sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận