Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AFP ngày 30-3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng Nga không nên là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Điều đó không nên xảy ra vì những gì họ đang làm ở Ukraine, nhưng Hiến chương Liên Hiệp Quốc lại không cho phép thay đổi tư cách thành viên thường trực của Nga", bà Thomas-Greenfield nêu vấn đề.
Theo quy định, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có 5 nước thường trực gồm Nga, sẽ luân phiên đảm nhiệm ghế chủ tịch cơ quan này trong một tháng. Matxcơva sẽ đảm nhận nhiệm vụ này chính thức từ ngày 1-4.
Đại sứ Mỹ cho biết bà mong đợi Nga cư xử chuyên nghiệp trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, nhưng cũng không tin tưởng lắm.
"Chúng tôi tin họ cũng sẽ tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy chiến dịch thông tin sai lệch chống lại Ukraine, Mỹ và tất cả các đồng minh của chúng tôi", bà Thomas-Greenfield nhận định.
Bà cũng cho biết Mỹ - một trong 5 nước thường trực và có quyền phủ quyết giống như Nga - sẽ tranh thủ mọi cơ hội trong tháng 4 để bày tỏ quan ngại với Nga về Ukraine.
Hôm 30-3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng lên tiếng phản đối Nga giữ ghế chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an. Ông gọi đây là một "trò đùa dở tệ", ám chỉ ngày Nga bắt đầu nhiệm kỳ rơi đúng vào Ngày Cá tháng tư.
Vị trí thường trực của Nga và cùng với đó là quyền phủ quyết đã trở thành một chủ đề gây lo ngại sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ.
Tháng 2 năm ngoái, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi Matxcơva ngừng tấn công Ukraine và rút toàn bộ quân đội.
Nga sẽ làm gì trên cương vị mới?
Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an chịu trách nhiệm thiết lập chương trình nghị sự của cơ quan và triệu tập các cuộc họp. Ngoại trưởng nước giữ ghế chủ tịch sẽ chủ trì một số cuộc họp quan trọng tại Hội đồng Bảo an trong thời gian này.
Nga đã giữ chức chủ tịch luân phiên vào tháng 2 năm ngoái, tháng mà nước này phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận