Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: BNG
Trong bài viết ngày 1-4, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an và đảm nhiệm cương vị chủ tịch, Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Trên cương vị chủ tịch (tháng 4-2021), Việt Nam sẽ tổ chức, chủ trì, điều hành khoảng 30 cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đại diện Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước thành viên ngoài Hội đồng Bảo an, các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, báo chí theo phương châm tích cực, chủ động, có trách nhiệm, vừa bảo đảm sự khách quan, minh bạch vừa linh hoạt, xử lý hài hòa, cân bằng quan tâm của các nước đối với các vấn đề được thảo luận và thúc đẩy hợp tác, đồng thuận tại Hội đồng Bảo an.
"Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy các ưu tiên và sự kiện mang đậm dấu ấn, đồng thời là cam kết của Việt Nam nhiệm kỳ này là ‘Đối tác vì hòa bình bền vững’, đó là tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, đặt người dân vào vị trí trung tâm, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương", Phó thủ tướng cho biết.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ chủ trì 3 sự kiện dấu ấn quan trọng trong Tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an, với những chủ đề ý nghĩa, thời sự, bao gồm sự kiện trọng tâm là phiên thảo luận mở cấp cao diễn ra ngày 19-4 với chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột".
Đây là sự tiếp nối ưu tiên của Việt Nam về tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, là dịp để Việt Nam cùng các nước chia sẻ bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc với các tổ chức khu vực trong xử lý các thách thức toàn cầu nói chung và ngăn ngừa, giải quyết xung đột ở các khu vực nói riêng - một chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và đáp ứng sự quan tâm, trông đợi của cộng đồng quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận