"Những hành động và cách cư xử kiểu đó của Bắc Kinh thực sự không thể chấp nhận được", ông Kritenbrink khẳng định trong cuộc họp báo qua điện thoại ngày 3-5. Nhà ngoại giao Mỹ đề cập đến vụ tàu hải cảnh Trung Quốc vây chặn tàu tuần duyên Philippines trên Biển Đông hôm 23-4.
Giám sát chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông
Theo ông Kritenbrink, Washington quan ngại sâu sắc trước các hành vi "đe dọa và quấy rối tàu Philippines" của Trung Quốc.
Mỹ cam kết sẽ sát cánh cùng Manila, hỗ trợ hiện đại hóa quân đội trong đó có lực lượng hàng hải để chống lại "các hành động khiêu khích, không an toàn" của Trung Quốc.
Khi được hỏi làm thế nào để ngăn chặn các hành vi đó tái diễn, ông Kritenbrink cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông. Washington cũng sẽ thường xuyên hoạt động tại khu vực và ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.
Tuy nhiên theo ông (cũng là nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam), cách tốt nhất là Trung Quốc phải đưa ra cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông, tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 3-5, ông Kritenbrink đã nhắc đến chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Nhấn mạnh đây là "sự kiện lịch sử", nhà ngoại giao cấp cao phụ trách các vấn đề Đông Á khẳng định chuyến thăm đã nêu bật sức mạnh và sự bền vững của quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Philippines.
Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến tầm quan trọng của hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan không chỉ với Mỹ và Philippines mà còn thế giới.
Một loạt thỏa thuận đã được ký kết khi ông Marcos đến Mỹ. Trong đó ngoài các thỏa thuận về thương mại, khai thác khoáng sản quan trọng và viễn thông, Washington cũng cam kết chuyển thêm các máy bay cùng tàu tuần tra cho Manila.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc khi nào Mỹ và Philippines tuần tra chung trên Biển Đông, ông Kritenbrink cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian qua hai nước đã có nhiều hoạt động chung trên biển và liên lạc, phối hợp "gần như mỗi ngày".
Chưa có kế hoạch lập QUAD mới ở Đông Á
"Chúng tôi chưa tìm kiếm một cơ chế chính thức mới nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào thời điểm hiện tại", ông Kritenbrink trả lời Tuổi Trẻ Online khi được hỏi liệu Washington có đang định lập một QUAD mới với các đồng minh hiệp ước như Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Khái niệm QUAD hiện nay được dùng để chỉ cơ chế hợp tác chính thức giữa bốn nước gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Thời gian qua đã có một số nghi ngờ về vai trò của New Delhi trong Bộ tứ khi một số nhà phân tích chỉ ra Ấn Độ là mắt xích yếu nhất và "hời hợt" nhất trong nhóm.
Sự ra đời của cơ chế AUKUS gồm Mỹ, Anh và Úc càng củng cố suy đoán Mỹ đang tìm kiếm một hình thức hợp tác mới tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặc dù bác bỏ ý tưởng QUAD 2.0 ở Đông Á, trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng tiết lộ Washington đang tìm kiếm các cơ chế không chính thức để hợp tác và phối hợp với các nước "cùng chí hướng".
"Có thể có cơ hội trong tương lai cho các đồng minh thân thiết như Mỹ, Philippines và Nhật Bản xem xét những cách mở rộng hợp tác. Mỹ, Philippines và Úc cũng có thể làm như vậy, nhưng chúng tôi chưa tìm cách thiết lập bất kỳ cơ chế chính thức mới nào ở khu vực", ông Kritenbrink khẳng định.
Trung Quốc xem QUAD là một tập hợp các nước nhằm kiềm chế nước này nên liên tục có các phản đối. Bắc Kinh cũng thúc đẩy luận điệu Mỹ và các nước khác không thuộc Biển Đông nên sự hiện diện của họ sẽ gây bất ổn cho vùng biển này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận