04/03/2023 09:53 GMT+7

Philippines thúc đẩy hợp tác quân sự ở Biển Đông

Dư luận tại Philippines thời gian qua liên tục đề cập tới cái gọi là "QUAD mới", trong đó Philippines sẽ hợp tác sâu hơn về an ninh cùng Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Philippines thúc đẩy hợp tác quân sự ở Biển Đông - Ảnh 1.

Trong bài phỏng vấn với hai tờ báo Úc Sydney Morning Herald và The Age đăng hôm 3-3, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines Francis Tolentino khẳng định một thỏa thuận bốn bên gồm Philippines, Mỹ, Nhật, Úc có thể là phương án hiệu quả đẩy lùi sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Philippines thay Ấn Độ trong QUAD?

"Tăng cường hợp tác có thể đảm bảo kiềm chế được hành vi gây hấn của bất kỳ quốc gia nào khác. Tôi cho rằng khi cùng nỗ lực với nhau, điều vốn đã có từ trước, sẽ là tín hiệu tốt cho việc tiếp tục duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Đối với tôi, đây là một cách để kiểm tra sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực", báo Sydney Morning Herald dẫn lời ông Tolentino.

QUAD hay "Tứ giác kim cương" là tên gọi của cơ chế đối thoại bốn bên bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Dù không phải một thỏa thuận hợp tác ràng buộc, nhóm QUAD thường được cho là đối trọng an ninh của Trung Quốc ở khu vực châu Á.

Ông Tolentino vừa qua không trực tiếp đề cập tới QUAD nhưng nhanh chóng khiến dư luận liên tưởng tới mô hình hợp tác này. Đây có thể được xem là một trong những phát biểu đầu tiên của một quan chức Philippines về khả năng hình thành một "bộ tứ" giữa Manila và ba đối tác thuộc QUAD (Mỹ, Nhật Bản và Úc).

Trong thời gian gần đây, thực tế dư luận Philippines đã liên tục đánh tiếng về một "QUAD mới", trong đó Philippines có thể thay vị trí của Ấn Độ.

Trong bài viết cho Asia Times, học giả Philippines Richard Heydarian khẳng định nhiều nhà quan sát tin rằng Philippines có thể nằm trong một sáng kiến "QUAD mới", xét trên thực tế Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ, Nhật và Úc.

Đây vốn đều là những đồng minh và đối tác quân sự rất quan trọng của Manila. Gần đây, Philippines cũng đã có những thỏa thuận tăng cường khả năng tiếp cận của Mỹ và Nhật Bản tại nước này.

Cân nhắc tuần tra chung với Úc

Kịch bản "Philippines thay Ấn Độ trong QUAD" được bàn tán trong bối cảnh Ấn Độ vẫn bị xem có quan điểm khác biệt với phần còn lại trong nhiều vấn đề, đặc biệt trong cách tiếp cận với Trung Quốc và cả Nga.

Nhưng tới nay, chưa nhiều chuyên gia trong khu vực thực sự nghĩ rằng Philippines có thể thay vai trò của Ấn Độ - một quốc gia có dân số, thị trường, tầm ảnh hưởng, sức mạnh kinh tế và quân sự ở quy mô khác với Philippines.

Điều đó có thể gợi ý rằng dù không thực sự là "QUAD" như giới quan sát nghĩ nhưng Philippines có khả năng vẫn tìm cách thúc đẩy hợp tác ở những lĩnh vực nhỏ hơn.

Hơn một tuần qua, dư luận quan tâm tới thông tin cho biết Philippines và Úc đang cân nhắc tuần tra chung ở Biển Đông. Cũng có tin đồn rằng Philippines muốn tuần tra chung với cả Úc, Mỹ và Nhật Bản.

Quan chức Nhật Bản và Mỹ tính tới ngày 3-3 vẫn cho biết chưa hề có cuộc thảo luận nào về chủ đề tuần tra chung nêu trên. Tuy nhiên theo GMA, hôm 2-3 Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Manila đang tiến hành xây dựng "hướng dẫn" cho các kế hoạch hoạt động kết hợp trên biển bao gồm tuần tra chung.

Cũng như lời ông Tolentino, Philippines đang cho rằng để tăng cường năng lực an ninh thì họ "không thể hành động một mình".

Một bài bình luận trên PhilStar vào ngày 15-2 cũng nhấn mạnh khả năng Philippines ít nhất cũng có thể thúc đẩy một thỏa thuận ba bên cùng Nhật và Mỹ. Trong hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao vừa qua, chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. đã ghi nhận nhiều cam kết an ninh với Tokyo và Washington.

Mong muốn của Philippines cũng phù hợp với ý định thắt chặt hợp tác an ninh của Nhật và Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á.

Việc Philippines xích lại cùng Nhật và Mỹ được cho sẽ nhận phản ứng không hài lòng từ phía Trung Quốc. Trong bài bình luận ngày 2-3, tờ China Daily khẳng định Mỹ cố ý thổi phồng cái gọi là căng thẳng ở Đài Loan và Biển Đông để hợp thức hóa việc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Trung Quốc cũng chú ý tới khả năng Mỹ mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang châu Á hoặc tìm cách hình thành cái gọi là "NATO châu Á", với việc lần đầu tiên mời Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc dự hội nghị thượng đỉnh NATO hồi năm ngoái.

QUAD ủng hộ vai trò của ASEAN

Tại New Delhi (Ấn Độ), ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc đã có cuộc gặp bên lề hội nghị G20. Tuyên bố chung của cuộc gặp này tái khẳng định cam kết của QUAD với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ủng hộ nguyên tắc tự do, pháp quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Các bộ trưởng QUAD cũng tái khẳng định "sự ủng hộ nhất quán và vững chắc" dành cho vai trò trung tâm và sự đoàn kết của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như các sáng kiến do ASEAN làm trung tâm như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). QUAD cũng tái nhấn mạnh việc ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Biển Đông "nóng" trở lại: Vì sao Philippines lúc này?Biển Đông 'nóng' trở lại: Vì sao Philippines lúc này?

Hôm 14-2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Philippines để bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" trước hành động mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên