23/03/2020 16:38 GMT+7

Mỹ và Pháp đã dự báo sẽ xảy ra đại dịch như COVID-19 từ 16 năm trước?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trả lời phỏng vấn báo Le Point (Pháp), TS Jean-Baptiste Jeangène Vilmer khẳng định dịch COVID-19 không phải là "bất ngờ chiến lược" vì đã được dự báo.

Mỹ và Pháp đã dự báo sẽ xảy ra đại dịch như COVID-19 từ 16 năm trước? - Ảnh 1.

Đưa bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đến bệnh viện ở Rome (Ý) ngày 17-3-2020. Đại dịch bùng nổ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - Ảnh: AFP

Đã dự báo về đại dịch bệnh hô hấp

- Le Point: Đại dịch đang ảnh hưởng khắp toàn cầu. Với quan điểm chuyên gia về quan hệ quốc tế, ông nhận thấy đây có phải là sự kiện chưa từng có hay không?

J.J. Vilmer: Khủng hoảng y tế bùng nổ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nơi virus xuất hiện đầu tiên.

Người dân trên thế giới rất cơ động với các chuyến du lịch dày đặc, thương mại và di cư. Ngoài ra, chủ nghĩa đa phương đang suy yếu do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy.

Các công dân "siêu kết nối" chìm ngập trong thông tin thường là sai lệch. Thái độ nghi ngờ đối với các tổ chức quốc tế, chính quyền và tầng lớp tinh hoa thể hiện rõ nét.

Các yếu tố toàn cầu hóa lan rộng, chủ nghĩa đa phương suy yếu và nạn bóp méo thông tin kết hợp với nhau chính là ngòi nổ để virus lây lan dễ dàng hơn.

* Các nhà dự báo chiến lược có dự đoán được sự kiện hiện tại hay không?

J.J. Vilmer: Tôi trở lại với các kịch bản về triển vọng đã công bố từ những năm 2000. Dịch SARS (2002-2003) chính là hồi chuông cảnh báo. Các báo cáo liên tiếp từ Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ đã dự đoán khá chính xác rủi ro xảy ra đại dịch từ năm 2004.

Năm 2008, hội đồng này đã xây dựng kịch bản về "đại dịch do một căn bệnh hô hấp nguy hiểm, mới và rất dễ lây nhiễm xuất hiện mà không có thuốc điều trị". Bệnh phát sinh trong khu vực "có mật độ dân cư cao và có tiếp xúc gần giữa người với động vật như một số địa phương ở Trung Quốc".

Tại Pháp, Sách trắng năm 2008 đã nêu nguy cơ đại dịch. Sách trắng đánh giá có thể xảy ra đại dịch với tỉ lệ tử vong cao trong 15 năm tới. Sách trắng năm 2013 cũng đề cập như thế.

Đánh giá chiến lược của Pháp năm 2017 không sử dụng từ "đại dịch" nhưng có nói đến "nguy cơ xuất hiện một chủng virus mới". Do đó, không phải chúng ta đang đối phó với "bất ngờ chiến lược" nào cả.

Mỹ và Pháp đã dự báo sẽ xảy ra đại dịch như COVID-19 từ 16 năm trước? - Ảnh 2.

TS Jean-Baptiste Jeangène Vilmer (phải) và bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly - Ảnh: TWITTER

Jean-Baptiste Jeangène Vilmer là tiến sĩ chính trị học và triết học, luật gia, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quân sự Pháp (IRSEM trực thuộc Tổng cục Quan hệ quốc tế và chiến lược Bộ Quốc phòng Pháp). Tác phẩm "Lý thuyết về các quan hệ quốc tế" (NXB Que sais-je?) dày 128 trang của ông đã được xuất bản ở Pháp ngày 11-3-2020.

Khủng hoảng thể hiện khát vọng đoàn kết

* Nếu đã có dự báo từ gần 20 năm qua, tại sao các chính phủ lại rơi vào tình cảnh rối ren như thế này mà không có bất kỳ chuẩn bị nào trước đại dịch?

J.J. Vilmer: Thảm họa khi ập đến chắc chắn sẽ gây cú sốc dù có dự báo. Điều khó khăn là ít có dự báo về ảnh hưởng xảy ra…

Các tài liệu dự báo hàng chục rủi ro ít nhiều có thể xảy ra và ít nhiều nghiêm trọng. Một số rủi ro được coi là ưu tiên và số khác ít ưu tiên hơn.

Chúng ta có thể hy vọng đại dịch này sẽ đưa khủng hoảng y tế lên trên trong thứ tự ưu tiên trong tương lai.

* Tình đoàn kết quốc tế có mất ý nghĩa trong giai đoạn rối ren này hay không?

J.J. Vilmer: Khủng hoảng đã khẳng định chủ nghĩa thực tế trong lý thuyết về các quan hệ quốc tế.

Các quốc gia tìm cách tối ưu hóa lợi ích quốc gia. Đó là thái độ "mọi người vì mình" bất chấp tinh thần hợp tác và các tổ chức quốc tế. Từ đó để nói khủng hoảng đã chứng tỏ "toàn cầu hóa là phụ thuộc lẫn nhau mà không có tình đoàn kết".

Thử nghiệm thực sự về tình đoàn kết quốc tế sẽ bắt đầu khi châu Phi, các khu vực chiến tranh ở Trung Đông hoặc các trại tị nạn bị ảnh hưởng dịch. Nguy cơ có thể dẫn đến bạo lực tại một số khu vực, thậm chí dẫn đến sụp đổ một số quốc gia mong manh nhất.

Lúc này tình đoàn kết được thể hiện hàng ngày ở châu Âu với các biện pháp của Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu đồng thời ở cấp độ quốc gia giữa các nước láng giềng với các y, bác sĩ… Ngược lại, khủng hoảng đã chứng tỏ khát vọng đoàn kết thực sự.

Mỹ và Pháp đã dự báo sẽ xảy ra đại dịch như COVID-19 từ 16 năm trước? - Ảnh 4.

Người đàn ông này phụ trách lấy nhiệt độ người đi đường để phát hiện người nhiễm ở Tứ Xuyên vào tháng 2-2020.Trung Quốc đã quản lý rất kém vào đầu dịch bệnh - Ảnh: ASIALYST

Trung Quốc đã xử lý sai lầm vào đầu dịch bệnh

* Trung Quốc sẽ thoát khỏi cơn dịch không?

J.J. Vilmer: Có và không. Trung Quốc đã dành nhiều công sức để kiểm soát hình ảnh. Trung Quốc cố áp đặt câu chuyện một vụ khủng hoảng được kiểm soát từ rất sớm và rất hiệu quả.

Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc muốn phát đi hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm và đủ sức giúp các nước gặp khó khăn trong khi Mỹ và châu Âu tự cô lập và ích kỷ. Chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" chính là hoạt động truyền thông như thế.

Trong thực tế, Trung Quốc đã quản lý rất kém vào đầu dịch bệnh khi che giấu các ca đầu tiên xuất hiện từ tháng 11-2019 và trấn áp một số người tố giác. Kiểm duyệt, làm sai lệch chẩn đoán ở một số bệnh viện đã làm lãng phí thời gian quý báu trong giai đoạn quan trọng ngăn chặn virus…

Về đối nội, niềm tin giữa người dân với chính quyền chắc chắn bị tổn hại. Đây là lý do vì sao Trung Quốc cố áp đặt câu chuyện quân đội Mỹ đưa virus vào Vũ Hán.

Thuyết âm mưu này trước tiên là thước đo chính sách đối nội, một sự chuyển hướng với nỗ lực lấy lại lòng tin của nhân dân…

Những bài học ban đầu

Chúng ta phải xem xét lại một số khía cạnh nhất định của toàn cầu hóa. Đầu tiên là nhu cầu kiểm soát tốt hơn các dòng chảy toàn cầu (di cư, du lịch, kinh tế) đang là trung gian lây nhiễm dịch.

Thứ hai là tình trạng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và đặc biệt là phụ thuộc vào Trung Quốc. Phải giành lại quyền kiểm soát trong một số lĩnh vực chiến lược, ngay cả khi phải quốc hữu hóa một số dây chuyền sản xuất để bảo đảm tự chủ quốc gia.

Chúng ta phải xem xét lại lối sống, đặc biệt là tình hình đô thị hóa phi mã.

TS Jean-Baptiste Jeangène Vilmer

Tình báo Mỹ cảnh báo COVID-19 từ đầu năm nhưng ông Trump coi thường? Tình báo Mỹ cảnh báo COVID-19 từ đầu năm nhưng ông Trump coi thường?

TTO - Tờ Washington Post cho hay các quan chức tình báo Mỹ đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump từ đầu năm rằng Trung Quốc có thể đang đánh giá thấp sự bùng phát của dịch COVID-19 và Mỹ cần hành động nhanh chóng.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên