28/02/2021 05:28 GMT+7

Mừng và mong sớm được tiêm ngừa vắc xin COVID-19

TÂM LÊ - DIỆU QUÍ
TÂM LÊ - DIỆU QUÍ

TTO - Những người nghèo nghe tin đã có lô vắc xin ngừa COVID-19 về Việt Nam có hai tâm trạng: vui vì có thể sớm khống chế dịch, sớm trở lại mưu sinh bình thường và mong sớm được tiêm ngừa để không lo lắng về dịch bệnh nữa.

Mừng và mong sớm được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Những người nghèo bươn chải mưu sinh như ông Mai rất mong cộng đồng an toàn để yên ổn mưu sinh và mình được khỏe mạnh - Ảnh: DIỆU QUÍ

Nếu có thêm nhiều tấm lòng ủng hộ, từng người nghèo sẽ nhanh chóng có niềm vui kép: được trở lại mưu sinh bình thường dù việc mưu sinh của họ cũng chỉ là chuyện đắp đổi qua ngày và sớm được an toàn, không lo lắng về dịch bệnh.

Cuộc sống đã nhiều nỗi lo toan

"Bánh mì nóng giòn đây..." - tiếng rao phát ra từ chiếc loa trên xe bánh mì vào một tối trời Sài Gòn se lạnh. Người phụ nữ có đôi mắt buồn ngồi trên vỉa hè, nhìn dòng người bước ra từ cổng bệnh viện với hi vọng số bánh mì còn lại trong giỏ sẽ mau hết.

Chị là Trần Thị Hạnh, thường bán bánh mì dạo khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh). Hôm nay bán ế, chị đến khu Bệnh viện Gia Định để "cầu may".

Chị Hạnh quê Hà Nội, vào Sài Gòn mưu sinh đã hơn hai năm nay. Trước đó, chị từ Bắc theo người chồng vào Gia Lai hái cà phê được một năm, rồi một người quen kêu chị vào đây lấy bánh mì bán vì "thấy công việc này dễ sống".

Một thân một mình vào Sài Gòn, chị Hạnh để lại ba đứa con cho chồng ở quê trông coi. Đứa lớn nhất học lớp 8, nhỏ nhất mới vào lớp 1. Anh Minh Thắng (38 tuổi), chồng chị, theo phụ hồ cho các xã trong huyện Mê Linh, còn bình thường ai kêu gì làm nấy.

Từ tháng 4 năm ngoái đến giờ, anh Thắng mấy đợt "lên bờ xuống ruộng" vì COVID-19 cứ đến rồi đi, rồi lại đến. Anh ở nhà nhiều hơn ở công trình, trong xã cũng thắt chặt chi tiêu nên chẳng ai thuê anh làm nữa. Mấy miệng ăn ở nhà đành trông vào 4 sào ruộng trồng lúa và 3 triệu đồng chị Hạnh gửi về hằng tháng.

"Mà tháng nào bán được nhiều bánh mì mới gửi giá đó, còn bán ế thì gửi ít hơn", chị Hạnh nói.

Chị Hạnh thuê trọ sống một mình gần chợ Bà Chiểu, tiền trọ mỗi tháng 700.000 đồng chưa tính điện, nước. Chủ trọ thương tình cho chiếc xe đạp điện để lấy bánh mì bán. Tháng nào bán được ít, chị còn được giảm 200.000 đồng tiền trọ.

Hôm nào "trời thương", chị bán hết 160 ổ bánh mì. Hôm nào ế, chị được trả lại lò 20 ổ, còn lại đem về lại "đùm bọc" cho một người đàn ông tật nguyền gần nhà, thật đúng cảnh "lá rách đùm lá nát".

Chính bản thân chị cả năm nay cũng ăn bánh mì nhiều hơn những bữa cơm có rau, thịt.

"Lúc mới vào đây chưa có dịch, tôi bán khá hơn. Giờ có hôm đi tới 10h tối vẫn dư hơn 10 ổ, lấy bánh mì chấm nước tương, rán quả trứng lên ăn là qua bữa", chị Hạnh tâm sự.

Tết vừa rồi chị cũng không về nhà, phần vì khó khăn, phần vì dịch trở lại. Chị nói mấy đứa nhỏ mỗi lần gọi video là hỏi chừng nào mẹ về, con gái út thì thấy mẹ qua màn hình là khóc đòi.

Giờ trong lúc chưa thể về quê, người phụ nữ 36 tuổi cố gắng lấy bánh mì bán ở nhiều nơi hơn, chịu khó về trễ hơn để sau khi về thăm nhà chị có thể mua cho đứa lớn bộ đồng phục mới, đứa giữa có đôi giày và tặng bé út chiếc đầm mà con thích.

Mừng và mong sớm được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 - Ảnh 2.

Những người nghèo bươn chải mưu sinh như chị Hạnh rất mong cộng đồng an toàn để yên ổn mưu sinh và mình được khỏe mạnh - Ảnh: DIỆU QUÍ

Mong sớm được tiêm ngừa

Chị Hạnh mong dịch dã sớm được kiểm soát để có thể bán bánh mì chạy như trước nên nghe tin có vắc xin, chị mừng.

"Có vắc xin tất nhiên là ai cũng mừng, tôi còn mong từng ngày tiêu diệt con virus này vì nó hại chúng tôi khổ quá nhiều" - chị nói  tiếp: "Chỉ mong Nhà nước có thể hỗ trợ tiêm miễn phí cho chúng tôi. Giờ chỉ biết tự bảo vệ mình thôi".

Cùng nỗi lòng với chị Hạnh, ông Thái Ngọc Mai (68 tuổi, ngụ Q.3) cũng khấp khởi vui khi nghe tin vắc xin ngừa COVID-19 đã có. Ông nói người lao động nghèo như ông đã quá lao đao, "ngày thường đã khổ, huống hồ có dịch".

Ông cũng ước mình được tiêm vắc xin miễn phí sớm vì "tui chạy xe ôm ngày có vài cuốc, còn phải nuôi cháu nội, lo lấp cái bụng không bị đói trước. Nếu được chích miễn phí, tui sẽ ưu tiên đứa con gái với ba đứa cháu. Mình già rồi, lỡ dính dịch qua đời thì sống chết cũng có số cả", ông Mai nửa đùa nửa thật.

Gắn bó với xe ôm truyền thống gần 40 năm qua, đều đặn mỗi ngày ông dựng xe ở góc Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) đợi khách, ông Mai nói từ lúc làn sóng xe ôm công nghệ đổ bộ vào Việt Nam, rồi cả một năm dịch dã vừa qua thì "nghề này mọi khi đã bạc, giờ có dịch càng... bạc như vôi".

Giờ ông chủ yếu chở khách quen, chứ khách lạ thì "người ta nhìn xe mình cũ cũng ngại đi". Thương con gái làm vất vả, nhà lại đông người nên dù con khuyên nghỉ, ông cũng ráng chạy ngày vài tiếng, bao xa cũng đi.

"Giờ ngày nào hên thì chạy vài cuốc được 200.000 đồng, ế thì vài chục ngàn. Không có bao nhiêu nhưng phụ giúp con cũng được, tui chạy 2 năm nữa tới 70 tuổi sẽ nghỉ" - ông Mai trải lòng, đưa đôi mắt đầy nếp nhăn nhìn chiếc xe ôm của một hãng công nghệ lướt qua.

Mừng và mong sớm được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 - Ảnh 3.

Ở hoàn cảnh của chúng tôi lúc này rất mong được sớm tiêm vắc xin để an toàn, mong cuộc sống bình thường trở lại” - anh Dân vừa chăm sóc vợ vừa tâm sự - Ảnh: TÂM LÊ

Rồi bừng lên hi vọng

Ghé qua xóm trọ công nhân cũ kỹ cạnh Khu công nghiệp VSIP (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), nhiều công nhân bị mất việc vì giảm nhân sự, số khác công việc không đều đặn nên ở nhà thường xuyên.

Chị Bùi Thị Anh quê ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa cứ hai tuần đi làm lại một tuần nghỉ. Hôm nào nghỉ chị chỉ được 70% của 4,2 triệu đồng tiền lương cơ bản.

Chị Anh gửi hai con nhỏ ở quê cho bà, hai vợ chồng đã ly hôn mà chị không nhận được trợ cấp nuôi con. Những tháng ngày dịch dã, tích góp tiết kiệm lắm chị cũng chỉ gửi được về cho con 2 triệu đồng.

Mỗi ngày đi làm, chị Anh không chỉ lo lắng hết việc làm mà còn sợ lây lan dịch bệnh. Bắc Ninh lại nằm cạnh ổ dịch Hải Dương nên nhiều công nhân rất lo lắng.

"Nếu bây giờ Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí thì chị nghĩ sao?". Chị Anh tròn mắt và liên tục hỏi khi nào, tiêm ở đâu.

"Dù chưa biết khi nào đến lượt mình nhưng cũng bớt lo lắng phần nào, nhiều công nhân sẽ trông chờ lắm!" - chị Anh hồ hởi nhắn tin cho các đồng nghiệp.

Câu chuyện tiêm vắc xin miễn phí cũng mang lại niềm vui khó diễn tả của đôi vợ chồng trẻ Lê Xuân Dân và chị Nguyễn Thị Thu (quê huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Chị Thu bị đột quỵ 3 năm nay nằm một chỗ, miệng chỉ ú ớ ra hiệu cho chồng uống nước hay xem ca nhạc trên điện thoại.

Mỗi tháng một lần, anh Dân lại đưa vợ đến viện châm cứu để kiểm tra một lần, cố gắng tìm cách hồi phục chức năng chân, tay, miệng cho chị nhưng bệnh tình hầu như không tiến triển. Ba năm trị bệnh tiêu tốn bằng xây ba cái nhà ở quê, hai vợ chồng đã vét sạch tiền tiết kiệm, tiền hỗ trợ của anh em họ hàng và tiền vay ngân hàng.

Anh Dân cũng chỉ kiếm sống bằng việc trồng thêm vài cây ổi, ruộng rau màu để có tiền mua thức ăn.

"Chính sách nhân đạo của Nhà nước sẽ giúp chúng tôi đỡ gánh nặng nhiều lắm" - anh Dân bùi ngùi.

Mong mỏi của bệnh nhân nan y

Vắc xin COVID-19 miễn phí cũng là điều mong đợi của những người mắc bệnh nan y. Đó là bệnh nhân ung thư, bệnh nhân chạy thận và đột quỵ để lại di chứng nặng nề.

Hơn 20 năm, anh Mai Anh Tuấn vẫn là "trưởng xóm chạy thận" ở khu phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, đối diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Anh Tuấn cũng như hơn 100 bệnh nhân tại xóm đều ở quê lên, phải thuê chỗ trọ lâu năm, có người bán hàng rong để kiếm thêm đồng thức ăn.

"Được tiêm miễn phí thì chúng tôi biết ơn lắm, chứ hầu hết bệnh nhân trong xóm sẽ không có khả năng chi trả đâu" - anh Tuấn tâm sự.

Trường đại học cùng hưởng ứng Trường đại học cùng hưởng ứng 'Cùng Tuổi Trẻ góp vắcxin COVID-19'

TTO - Dù còn đang dạy và học trực tuyến từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng nhiều trường đại học ở TP.HCM hưởng ứng chương trình 'Cùng Tuổi Trẻ góp vắcxin COVID-19' với mong muốn góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

TÂM LÊ - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên