Ngành y tế tiêm vắc xin cho công nhân Samsung Bắc Ninh - Ảnh: NAM TRẦN
Hai năm nay, dịch COVID-19 làm cho thu nhập của chị Bùi Thị Anh giảm dần về mức chạm đáy. Chị có hai con nhỏ đang gửi bà ngoại ở quê, nên chị thực hiện cách ly với nhiều âu lo. Trong tình cảnh này, được tiêm vắc xin miễn phí không chỉ cứu cánh về sức khỏe và tinh thần mà còn là hy vọng để chị sớm được trở về với con và quay trở lại công việc.
Ngàn mong ước như một
Nguyện vọng của chị Anh cũng là mong ước của nhiều công nhân mà chúng tôi đã gặp tại các khu công nghiệp ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây là hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta.
Những tình nguyện viên nhiệt tình giúp chúng tôi ghé thăm các dãy trọ chật hẹp, nóng bức của công nhân chen giữa những ngôi nhà cao tầng. Hai thôn Quang Biểu và Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang) có số lượng công nhân trọ đông nhất vì cạnh Khu công nghiệp Quang Châu.
Tất cả công nhân đang được cách ly tại phòng trọ. Những công nhân F0, F1 đã được đưa đi chữa trị và cách ly tập trung. Người dân hai thôn cũng chịu ảnh hưởng và phải thực hiện giãn cách một cách nghiêm ngặt. Nửa tháng qua, chỉ có các đoàn bác sĩ đến lấy mẫu xét nghiệm và đội sinh viên tình nguyện của thôn giúp các nhà hảo tâm trao quà đến từng xóm trọ.
Chị Hoàng Thị Bài, một công nhân trẻ tuổi, cho biết: "Chúng tôi không gặp khó khăn ở nơi cách ly. Các đoàn đã hỗ trợ nhu yếu phẩm vẫn còn nhiều. Chỉ nhớ con, nhớ nhà lắm, xa cả tháng rồi!". Con trai đầu của chị Bài mới 2 tuổi. Trước cách ly, mỗi tuần chị đều chạy xe về nhà thăm con.
Quê chị Bài ở Lạng Sơn, chị liệt kê ở xóm trọ đa phần là người có con nhỏ. "Người ở Thanh Hóa, người ở Điện Biên, không ai được về quê, mà gọi cho con qua Zalo thì nhìn con lại phát khóc".
Hỏi về tiêm vắc xin, chị Bài cho biết mới nghe công ty nhắc đến, nhưng chỉ một số trong danh sách được chọn. Chị và phần lớn công nhân trong dây chuyền chưa được ghi tên.
- Nếu bây giờ có chương trình hỗ trợ tiêm miễn phí thì chị nghĩ gì? - tôi hỏi.
- Đó là niềm mong mỏi không chỉ riêng tôi, hàng nghìn công nhân đều mong muốn. Được như thế chúng tôi sẽ bớt lo lắng và sớm được quay trở lại làm việc - chị Bài hào hứng nói.
Ở Khu công nghiệp V-Sip tỉnh Bắc Ninh, cạnh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, những khu nhà trọ cũ kỹ nằm sâu trong thôn xóm, công nhân cũng đang thực hiện quy định cách ly tại nhà. "Ai muốn đi làm thì mang cả quần áo vào công ty ở lại luôn, nhưng chỉ được một phần thôi, vẫn đang giãn cách mà" - chị Nguyễn Thị Uyên, một công nhân trọ lâu năm ở xóm, kể.
Là người thường xuyên tìm hiểu thông tin thời sự và tình hình dịch bệnh, chưa đợi chúng tôi hỏi, chị Uyên đã khẳng định: "Chỉ có vắc xin mới mang lại hy vọng. Nhà nước hỗ trợ cho công nhân thì quá vui rồi, chỉ mong sớm về công ty để được tiêm đủ".
Mong ngày bình thường trở lại
Ai cũng mong chờ ngày bình thường không còn dịch bệnh trở lại, công nhân được đi làm mỗi ngày, được tăng ca để có mức thu nhập ổn thỏa lo cho gia đình.
Một công nhân tính, lương tăng ca 12 tiếng mỗi ngày, mức hiện nay ở một công ty lớn chỉ được 7,4 triệu đồng một tháng. Nếu một gia đình cả hai vợ chồng cùng đi làm, cùng khỏe mạnh, chịu khó và con gửi ở quê thì mức thu nhập mới ổn định để duy trì cuộc sống. Nhà có một vợ hoặc một chồng đi làm để nuôi gia đình thì nguồn thu sẽ bấp bênh.
Thực tế nhiều phụ nữ làm công nhân trở thành trụ cột của gia đình, có người ly hôn, một mình nuôi con nhỏ.
Nhớ đến người bạn ở quê cũng cảnh mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, chị Bài lộ vẻ lo lắng: "Dịch bệnh họ sẽ sống ra sao?".
Chị Bài không quên được hình ảnh mẹ con, bà cháu dắt díu nhau xuống khu công nghiệp ở Quảng Ninh để kiếm kế sinh nhai. Cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ mới 2 tuổi rưỡi nên bà ngoại phải theo cùng để giúp mỗi khi chị làm ca đêm.
Nhưng bà ngoại tuổi cao, trông hai cháu bé đã bị kiệt sức. Mỗi lần trò chuyện với bạn, chị Bài lại nghe tin bà đang ốm, công nhân xóm trọ đang giúp trông các cháu nhỏ. Kể đến đây chị Bài nghẹn giọng, chị lại bấm điện thoại xem ảnh con trai cho đỡ nhớ.
Điều chị Bài và những người công nhân trong khu trọ mong muốn nhất lúc này là được hỗ trợ vắc xin sớm, được trở lại làm việc trong tâm thế bình an và trở về nhà bên các con mỗi tuần.
CÙNG TUỔI TRẺ GÓP VẮC XIN COVID-19
Để đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành, ngày 25-2, báo Tuổi Trẻ phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" để góp một phần tạo thêm nguồn lực tài chính trang trải cho chi phí về vắc xin, và tiến tới bảo đảm đủ vắc xin để phòng chống dịch bệnh lâu dài. Đây là chương trình tiếp nối chiến dịch "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" mà Tuổi Trẻ đã triển khai hơn một năm qua.
Tính đến ngày 31-5-2021, chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" đã tiếp nhận được hơn 10,3 tỉ đồng từ 188.741 lượt bạn đọc trong và ngoài nước chung tay đóng góp.
Từ nguồn kinh phí này, đợt 1 báo Tuổi Trẻ sẽ trao 10,1 tỉ đồng:
- 3 tỉ đồng trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ tiêm vắc xin cho công nhân 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh;
- 5,1 tỉ đồng báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM hỗ trợ thanh niên công nhân và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP.HCM;
- 2 tỉ đồng hỗ trợ cho 2 dự án nghiên cứu vắc xin Covivac do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và dự án nghiên cứu vắc xin Nanocovax do Học viện Quân y đang triển khai thực hiện (mỗi đơn vị 1 tỉ đồng).
Chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" sẽ tiếp tục tiếp nhận các đóng góp của bạn đọc trong thời gian tới.
Trình bày: NGỌC THÀNH
Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ đồng thời đang thực hiện chương trình “Cùng biên giới chống dịch COVID-19” nhằm hỗ trợ kịp thời các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 đang ngày đêm thực hiện công tác tuần tra bảo vệ biên giới, ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép. Chương trình cũng hỗ trợ quà tặng cho những cư dân đang sinh sống tại các đường biên giới có hoàn cảnh khó khăn nhằm tăng cường cảnh giác, “tai mắt” thêm cho các lực lượng chức năng để hỗ trợ tốt nhất công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận