19/07/2021 20:39 GMT+7

Lãnh đạo Việt Nam, Philippines bàn về Biển Đông và phối hợp tiếp cận vắc xin COVID-19

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 19-7 hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến tiếp cận bình đẳng nguồn vắc xin COVID-19.

Lãnh đạo Việt Nam, Philippines bàn về Biển Đông và phối hợp tiếp cận vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 19-7 - Ảnh: BNG

Tại cuộc điện đàm ngày 19-7, Tổng thống Duterte đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam trong ứng phó đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà lãnh đạo Philippines khẳng định Philippines luôn coi trọng việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược tốt đẹp giữa hai nước.

Tổng thống Duterte cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ đầy ý nghĩa trên tinh thần Đối tác chiến lược mà Việt Nam đã dành cho Philippines trong thời gian qua, đặc biệt qua việc ủng hộ vật tư y tế giúp Philippines ứng phó đại dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Philippines luôn là đối tác quan trọng, tin cậy, chia sẻ nhiều quan tâm và lợi ích chiến lược với Việt Nam, nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được củng cố, vun đắp trong suốt 45 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Philippines trên mọi lĩnh vực, tập trung vào các trọng tâm như: triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2019-2024, thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, sớm triển khai các cơ chế hợp tác song phương theo hình thức linh hoạt.

Tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Philippines sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác an ninh - quốc phòng, thương mại - đầu tư… tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh trong các ngành hai bên có tiềm năng và thế mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục cung cấp gạo ổn định, lâu dài cho Philippines và đề nghị Philippines dành ưu đãi cho Việt Nam khi có nhu cầu nhập khẩu gạo cũng như mở cửa hơn nữa cho các mặt hàng thực phẩm nông sản, rau quả, trái cây mùa của Việt Nam.

Hai lãnh đạo nhất trí rằng vắc xin là chiến lược quan trọng để ứng phó với đại dịch COVID-19, và hướng tới phục hồi kinh tế - xã hội bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần tích cực hợp tác để tiếp cận bình đẳng nguồn vắc xin trên thế giới hiện nay, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Philippines cần nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi cho đi lại, trong đó có thúc đẩy sớm nối lại các đường bay thương mại giữa hai nước, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, vật tư y tế không bị gián đoạn.

Tổng thống Philippines hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến tiếp cận bình đẳng nguồn vắc xin, theo Bộ Ngoại giao.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương như Liên Hiệp Quốc, ASEAN, nhất trí phối hợp chặt chẽ thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ về lập trường, quan điểm để đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Việt Nam đề xuất nghiên cứu bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19 trong APEC Việt Nam đề xuất nghiên cứu bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19 trong APEC

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 16-7 đề xuất 3 nội dung hợp tác tại cuộc họp khẩn APEC, trong đó có việc nghiên cứu khả năng xây dựng một thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên